“Nước đến chân mới nhảy”!?
Cách đây mấy tuần, thiên hạ nháo nhào vì chuyện đổi giấy phép lái xe (GPLX) khi thời hạn chót theo quy định đã cận kề. Sự dồn nén về mặt thời gian và số lượng GPLX cần đổi tồn đọng quá lớn đã tạo áp lực lớn cho cơ quan quản lý.
Lần theo việc thực hiện kế hoạch đổi GPLX thì thấy các cơ quan quản lý đã trù liệu cả năm trời cho công việc này, nhưng lại thiếu lộ trình cụ thể cho từng loại GPLX nên việc triển khai thực hiện kém hiệu quả. Còn về phía người có GPLX thì lại có tâm lý chưa hết hạn chưa cần vội, đến khi gần hết hạn thì mới lo đi đổi vì… sợ phạt. thế là cả hai bên đều sốt vó lo mướt mồ hôi.
Cuối cùng, trước việc thực hiện theo mốc thời gian cũ 31.12.2014 là “bất khả thi”, cơ quan quản lý đành phải chọn giải pháp tình thế, đó là nới thời hạn thêm một năm nữa đối với GPLX ô tô và quy định đổi GPLX mô tô theo từng mốc thời hạn cụ thể hơn. Các cơ quan quản lý cũng thông báo, hiện nay việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ thực hiện theo Nghị định 171 của Chính phủ. Trong Nghị định này không có quy định nào điều chỉnh hành vi sử dụng GPLX (hợp pháp, còn thời hạn sử dụng) theo mẫu cũ nên CSGT cũng chưa xử phạt đối với những trường hợp sử dụng GPLX (hợp pháp, còn thời hạn sử dụng) theo mẫu cũ nên người có GPLX cũ còn hạn cứ yên tâm sử dụng.
Theo quy định mới nhất của Bộ GTVT, GPLX ô tô các loại (theo mẫu cũ) phải chuyển đổi sang mẫu mới (bằng vật liệu PET) trước ngày 31.12.2015. Riêng việc đổi GPLX mô tô, được chia thành 5 mốc thời gian cụ thể: GPLX cấp trước năm 2003 chuyển đổi trước ngày 31.12.2016; GPLX cấp trước năm 2004 chuyển đổi trước ngày 31.12.2017; GPLX cấp trước năm 2007 chuyển đổi trước ngày 31.12.2018; GPLX cấp trước năm 2010 chuyển đổi trước ngày 31.12.2019; GPLX cấp sau năm 2010 chuyển đổi trước ngày 31.12.2020.
Có lẽ chuyện “nước đến chân mới nhảy” là chuyện vẫn thường xảy ra trong các câu chuyện quản lý ở nước ta. Đây là một biểu hiện của lề lối, thói quen làm việc thiếu khoa học, nếu không muốn nói là tùy tiện, vẫn còn khá phổ biến ở nước ta. Chính vì thói quen không tốt này mà nhiều việc đơn giản, như chuyện đổi GPLX vừa qua, cũng trở thành vấn đề phức tạp cho xã hội.
Hiện nay, sau khi có quy định giãn thời hạn việc cấp đổi GPLX đã không còn rối như vừa qua. Tuy nhiên, nếu cơ quan chức năng không chủ động tính toán lộ trình thực hiện, nếu người có GPLX không chủ động thực hiện thì tình trạng “nước đến chân mới nhảy” sẽ lại tái diễn và mọi sự lại “rối như canh hẹ” như đã xảy ra(!?).
H.Đ