Một số suy nghĩ về tự do ngôn luận, tự do báo chí
Tự do ngôn luận, tự do báo chí luôn là vấn đề mang tính toàn cầu, là một trong những mục tiêu phấn đấu cơ bản của con người nhằm giành cho mình quyền được thông tin, trao đổi, giao tiếp, thể hiện ý chí và nguyện vọng của con người một cách công khai thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng.
Cùng với sự phát triển của ngành in, gồm chế tạo ra máy in (1810), mực in (1814), sự ra đời của báo viết phương Tây gắn liền với sự ra đời của CNTB, nhằm phổ biến tư tưởng dân chủ tư sản, chống lại sự hà khắc của chế độ phong kiến, góp phần thúc đẩy khoa học - kỹ thuật và xây dựng xã hội công dân ở các nước châu Âu. Như vậy, báo chí ra đời do nhu cầu phát triển nội tại của một chế độ chính trị - xã hội. Trong quá trình hình thành và phát triển của CNTB, với sự xuất hiện và phát triển báo chí, đến nay, báo chí có mấy chức năng chủ yếu: Chức năng thông tin; Chức năng phản ánh; Chức năng tạo ra dư luận xã hội, góp sức định hướng dư luận xã hội; Chức năng nâng cao dân trí; Chức năng giải trí…Với những chức năng đó, báo chí ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Vì vậy “tự do báo chí” cũng phải nhằm phục vụ sự phát triển đó.
Cần khẳng định rằng, muốn có tự do báo chí theo nghĩa chân chính, phải trên nền tảng một xã hội dân chủ; mọi hoạt động báo chí phải phục vụ lợi ích của đông đảo nhân dân. Không thể có tự do ngôn luận, tự do báo chí thuần túy; càng không thể có thứ “tự do báo chí tuyệt đối” như một số người đã rêu rao! Năm 1798, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo Luật Phản loạn quy định “việc viết, in, phát biểu hay phổ biến… mọi văn bản sai sự thật, có tính chất xúc phạm hay ác ý chống chính quyền đều là tội”. Điều 2385 Bộ Luật Hình sự Mỹ, nghiêm cấm mọi hành vi “in ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá, buôn bán, phân phối hoặc trưng bày công khai bất cứ tài liệu viết hoặc in nào có nội dung vận động, xúi giục hoặc giảng giải về trách nhiệm, sự cần thiết tham vọng, hoặc tính đúng đắn của hành vi lật đổ hoặc tiêu diệt bất kỳ chính quyền cấp nào tại Mỹ bằng vũ lực hoặc bạo lực”. Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền của Liên hợp quốc đã khẳng định tại Điều 24: “Mỗi người đều có nghĩa vụ đối với cộng đồng, trong khi hưởng thụ các quyền về tự do cá nhân, phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền tự do của người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”.
Những dẫn chứng trên cho thấy, không một quốc gia nào trên thế giới coi quyền “tự do báo chí”, “tự do ngôn luận” là tuyệt đối. Hiến pháp nước ta nêu rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc “tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí…”. “Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân. Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, phát sóng”. Đây là bản chất của hoạt động báo chí ở nước ta, phản ánh sinh động sự ưu việt của tự do báo chí để phục vụ lợi ích của số đông các tầng lớp nhân dân; tự do báo chí nhằm duy trì sự ổn định chính trị - xã hội của đất nước, góp phần xây dựng dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh ở Việt Nam.
TRUNG NGÔN