“Khoảng trống”!?
Gần đây, dư luận trong nước xôn xao về việc “linh vật ngoại lai” đã và đang xâm lấn không gian văn hóa Việt. Hóa ra đây không phải là chuyện cá biệt mà đã là hiện tượng phổ biến ở rất nhiều nơi trên cả nước. Không chỉ hiện diện ở những không gian tâm linh như chùa chiền, đền miếu… mà “linh vật ngoại lai” cũng có mặt ở các di tích lịch sử-văn hóa, cơ quan, công sở…, phổ biến nhất là những con sư tử có dáng vẻ uy nghi, dữ tợn của phương Tây.
Nhằm loại bỏ “linh vật ngoại lai”, trả lại không gian văn hóa cho linh vật thuần Việt, Bộ VH-TT&DL đã có công văn yêu cầu không sử dụng, di dời linh hiện vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ra khỏi nơi công cộng, di tích lịch sử-văn hóa. Thực hiện chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL, các địa phương trong cả nước đã triển khai việc kiểm tra, rà soát và tiến hành việc di dời “linh vật ngoại lai” ra khỏi di tích lịch sử-văn hóa, nơi công cộng và các cơ quan công sở… Ở Bình Định, qua kiểm tra 16 di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh, Đoàn kiểm tra của tỉnh đã phát hiện 6 điểm di tích trưng bày các sản phẩm, linh vật không đúng theo quy định. Sau đó, Đoàn công tác của Bộ VH-TT&DL về kiểm tra cũng ghi nhận một số di tích trên địa bàn tỉnh như Điện thờ Tây Sơn tam kiệt, Đền thờ Đức Thánh Trần, Nhà lưu niệm Chi bộ Đề pô Diêu Trì… có tiếp nhận, trưng bày sư tử đá nằm trong khuyến cáo không sử dụng của Bộ VH-TT&DL.
Tuy nhiên, sau 3 tháng triển khai thực tế cho thấy việc thực hiện chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL đang gặp không ít vướng mắc. Trong đó, việc nhận diện đâu là “linh vật ngoại lai”, việc xử lý như thế nào với những “linh vật ngoại lai” sau khi di dời cũng là một công việc hết sức khó khăn. Hiện thời, cơ sở văn hóa, khoa học, lịch sử xác thực nào để phân định đâu là linh vật Việt, đâu là “linh vật ngoại lai” vẫn chưa có tiêu chí cụ thể, thậm chí các nhà chuyên môn vẫn đang trong cuộc bàn cãi với nhiều ý kiến khác nhau.
Theo một số chuyên gia về văn hóa, hiện tượng “linh vật ngoại lai” xuất hiện tràn lan ở những nơi không phù hợp sẽ không xảy ra nếu như không có những “khoảng trống” về văn hóa, tín ngưỡng, trong đó có kiến thức cơ bản về linh vật. Chính vì có “khoảng trống” về giáo dục những giá trị văn hóa truyền thống nói chung và về các mẫu linh vật thuần Việt nói riêng, cùng với đó là thiếu sự gắn kết giữa các nhà khoa học với các nhà sản xuất thủ công mỹ nghệ nên dẫn đến tình trạng việc chế tác và sử dụng các mẫu “linh vật ngoại lai” cứ ồ ạt phát triển, xâm lấn không gian văn hóa Việt.
Vì vậy, giải pháp hiệu quả nhất để các loại “linh vật ngoại lai” xâm lấn không gian văn hóa Việt, bên cạnh việc di dời các trường hợp đã xảy ra, các cơ quan chuyên môn về văn hóa phải xác định, công bố cụ thể, rõ ràng danh sách các mẫu linh vật truyền thống để cộng đồng nhận diện chính xác, sử dụng đúng nơi, đúng chỗ những linh vật thuần Việt. Một khi cộng đồng có đầy đủ kiến thức, có hiểu biết và nhận diện chính xác về linh vật thuần Việt thì “linh vật ngoại lai” sẽ khó có đất sống và không có cơ hội để xâm lấn không gian văn hóa Việt tràn lan như bấy lâu nay.
HẢI ĐĂNG