“Phi chính trị hóa quân đội, công an”- một quan điểm phi lý
Clau-dơ-vit (1780-1831) - nhà quân sự tư sản nổi tiếng của nước Phổ - khái quát: “Chiến tranh là sự kế tục của chính trị” mà quân đội xuất hiện để đáp ứng nhu cầu của chiến tranh. Luận điểm này được thừa nhận rộng rãi trong cả khoa học quân sự tư sản lẫn cả khoa học quân sự vô sản, nên không thể bác bỏ. Chính V.I Lê-nin cũng đánh giá cao luận điểm này. Một khi đã thừa nhận “chiến tranh là sự kế tục của chính trị”, thì tất yếu phải thừa nhận: không bao giờ và không ở đâu có quân đội “đứng ngoài chính trị”, hoặc “không dính đến chính trị”, bởi bất cứ cuộc chiến tranh nào cũng có mục tiêu chính trị phản ánh lập trường chính trị của các bên tham chiến; và quân đội của các bên tham chiến đều được lực lượng chính trị cầm quyền tổ chức, giáo dục để thực hiện mục tiêu đó của cuộc chiến tranh.
Mặt khác, quân đội và công an bao giờ cũng mang bản chất giai cấp của nhà nước đã tổ chức và nuôi dưỡng nó; bởi quân đội và công an là những thành phần của nhà nước, là công cụ bạo lực vũ trang của nhà nước để bảo vệ thành quả mà lực lượng chính trị cầm quyền có được qua cuộc đấu tranh giành quyền lực. Lịch sử xuất hiện quân đội và công an gắn liền với sự ra đời của nhà nước; mà nhà nước là sản phẩm tất yếu của cuộc đấu tranh giai cấp, nên bất cứ nhà nước nào cũng có tính chất giai cấp. Ngày nay, ở các nước theo thể chế chính trị tư bản, với chế độ đa đảng, mặc dù có hiện tượng các đảng phái thay nhau cầm quyền, nhưng thực chất họ vẫn duy trì nhất nguyên về chính trị. Với tư cách là một bộ phận của nhà nước, lực lượng vũ trang của bất cứ xã hội nào cũng đều phụ thuộc vào đường lối chính trị của giai cấp cầm quyền; đồng thời, các lực lượng chính trị cầm quyền bao giờ cũng tìm mọi cách để nắm chắc lực lượng vũ trang thông qua nhiều biện pháp về chính trị tư tưởng, tổ chức và chính sách. Do vậy, ngay từ khi xuất hiện, không có và không thể có thứ quân đội “trung lập về chính trị”, hay “đứng ngoài chính trị” như một số người đã từng rêu rao!
Thực tiễn trên thế giới hiện nay cho thấy: không có quân đội của quốc gia nào “trung lập về chính trị” hay “đứng ngoài chính trị”, bởi đây là công cụ bạo lực vũ trang bảo vệ thể chế chính trị của lực lượng chính trị thắng thế cầm quyền duy trì. Không khó để nhận thấy sự tham chính của quân đội nhiều nước, khi người ta vẫn chứng kiến các vụ đảo chính quân sự ở các nước này hay nước khác, nhất là ở châu Á, châu Phi trong những năm gần đây. Riêng ở Thái Lan, hơn 70 năm qua, quân đội đã thực hiện 19 lần đảo chính và âm mưu đảo chính. Ở các nước Mỹ, Anh, Pháp…quân đội không chỉ được dùng vào nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, dân tộc mà còn được dùng vào các hoạt động lật đổ, can thiệp quân sự vào các quốc gia có chủ quyền khác, nhằm mục tiêu chính trị là dựng lên các chính phủ thân với mình.
Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam đang được xây dựng theo phương hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở, nền tảng để xây dựng vững mạnh toàn diện. Đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
TRUNG NGÔN