Chuyện giàu - nghèo!
Trong bối cảnh không ít hộ gia đình có tư tưởng ỷ lại, muốn được ở trong diện hộ nghèo để hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước, thì ở xã Canh Thuận, huyện Vân Canh, lại có một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số xin ra khỏi diện hộ nghèo. Những hộ này, tuy chưa phải là khá giả, nhưng họ đã tự nguyện gác bỏ các lợi ích có được từ tiêu chuẩn hộ nghèo để vươn lên trong cuộc sống bằng chính khả năng của mình.
Đây là những hộ rất có ý thức trong việc thoát nghèo và đã có nhiều nỗ lực để cải thiện cuộc sống. Bà con ý thức rằng, nếu chỉ chờ nhà nước hỗ trợ mà mình không cố gắng thì cũng không thể thoát nghèo được. Từ đó lo làm ăn và có cuộc sống khá lên thì tự giác xin ra khỏi hộ nghèo để nhường phần ưu tiên cho hộ còn khó khăn hơn mình. Có người tâm sự “Tôi tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo không phải vì đã giàu đâu, mà vì trong làng còn có người khó khăn hơn mình, mình cứ ở mãi trong danh sách hộ nghèo thì xấu hổ lắm. Bây giờ mình đã có bò, có đất để sản xuất thì phải tự lực vươn lên, phần nhà nước hỗ trợ để dành cho hộ nghèo hơn mình”. Chính từ ý thức thoát nghèo và tự cảm thấy xấu hổ khi mình hưởng ưu đãi trong khi có người còn khó khăn hơn mình đã dấy lên phong trào thi đua lao động sản xuất trong các hộ gia đình ở Canh Thuận. Và đó là động lực mạnh mẽ tạo nên sự đổi thay từng ngày trong cuộc sống của đồng bào nơi đây.
Ở một chiều hướng khác, gần đây một số vụ việc liên quan đến chuyện nhà đất, tài sản của một số quan chức cấp cao là vấn đề nổi cộm trong dư luận xã hội. Trong đó, vụ việc gây xôn xao hơn cả là chuyện “biệt thự khủng” của ông Trần Văn Truyền- nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ có sự khuất tất cần được làm rõ.
Ngay sau khi có dư luận từ thông tin báo chí, các cơ quan chức năng của đảng, nhà nước đã vào cuộc. Các cơ quan có trách nhiệm kết luận ông này đã lợi dụng vị trí công tác lúc còn đương chức để “xí phần” ít nhất là ba ngôi nhà và đất không đúng chế độ chính sách. Hiện nay, các ngôi nhà và đất được xác định là… “không chính chủ” này đã bị buộc phải trả lại nhà nước và đã và đang được thu hồi. Chuyện phải trả lại cái không thuộc về mình là tất nhiên nhưng trong câu chuyện này có một vấn đề cần phải đề cập. Đó là sự không trung thực của vị nguyên là quan chức cấp cao này là ở chỗ ông đã “bịa” ra hoàn cảnh khó khăn của mình để được cấp, cho thuê, bán rẻ những ngôi nhà bạc tỉ; thậm chí có lúc ông còn “huy động” tất cả các điều kiện để được hưởng chính sách, chế độ ưu tiên trị giá hàng trăm triệu đồng(!).
Có người bình luận, ông này không phải là cán bộ nghèo, thế mà vẫn tìm mọi cách để hưởng “lộc” của nhà nước như thế là tham và chính lòng tham này đã làm mờ lý trí và lòng tự trọng của mình. Hậu quả thế nào thì ai cũng có thể thấy rõ.
Câu chuyện nhà đất bất minh của một vị quan chức và câu chuyên tự giác xin ra khỏi diện hộ nghèo của các hộ nông dân nghèo ở xã Canh Thuận giống như một bức tranh với hai mảng màu đối lập. Trong bức tranh này, nhìn vào đó mỗi người chúng ta có thể hiểu hơn về ý nghĩa sâu xa của sự giàu - nghèo.
H.Đ