Chắp cánh khát vọng vươn khơi của người Bình Định: Từ “made in” đến “smart in”
Xuất phát từ nhu cầu thực tế của ngư dân địa phương, “kỹ sư chân đất” Lê Tấn Thêm đã mạnh dạn phát triển nhiều sản phẩm công nghệ đột phá, góp phần hiện đại hóa phương tiện phục vụ nghề đánh bắt xa bờ của ngư dân, trước tiên là với ngư dân Bình Định.
Từ khởi đầu là một số sản phẩm “made in Bình Định” (sản xuất tại Bình Định) đơn giản để thay thế hàng nhập khẩu, anh Lê Tấn Thêm, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ tàu thuyền Lê Thêm (TP Quy Nhơn), đã phát triển thành những sản phẩm công nghệ có tính đột phá “smart in Bình Định” (sáng tạo thông minh tại Bình Định) không chỉ hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển mà còn chinh phục được khách hàng nước ngoài.
Từ thay thế đơn giản đến sáng tạo vượt trội
“Trước đây, ngư dân phải nhập khẩu bộ lái thủy lực với giá 50 - 60 triệu đồng/bộ. Chi phí cao nhưng độ bền không như mong đợi”, anh Lê Tấn Thêm nhớ lại điểm khởi đầu của hành trình sáng tạo. “Biết điều này tôi nung nấu ý tưởng phải nghiên cứu, học hỏi, tìm ra loại nguyên vật liệu phù hợp, từng bước thay thế linh kiện nhập khẩu bằng sản phẩm nội địa”.
Anh Lê Tấn Thêm (bên trái) hướng dẫn anh Nguyễn Xuân Khánh (chủ tàu BĐ 91586 TS) cách sử dụng ty xi lanh thủy lực. Ảnh: HƯƠNG GIANG
Thành công mang tính đột phá đầu tiên của anh là nghiên cứu dùng inox 304 để chế tạo ty xi lanh thủy lực. Đây là bộ phận quan trọng nhất trong bộ lái thủy lực. Trước đây, các loại ty xi lanh thủy lực trên tàu chủ yếu được làm từ thép mạ crom cứng. Tuy nhiên, khi hoạt động trong môi trường biển khắc nghiệt, các loại vật liệu này nhanh chóng bị rỉ sét. Việc thay thế bằng inox 304 không chỉ giúp ty xi lanh có độ bền cao hơn mà còn giảm đáng kể chi phí sửa chữa, bảo trì.
Không dừng lại ở việc thay thế đơn thuần, hành trình nghiên cứu của anh Thêm còn nối dài với việc phát triển bộ lái thủy lực thành một hệ thống thông minh tích hợp công nghệ điều khiển từ xa và GPS, cho phép chuyển đổi linh hoạt giữa lái thủ công sang tự động và ngược lại; định vị. Với tỷ lệ nội địa hóa khoảng 80%, chi phí đầu tư giảm xuống chỉ còn 15 - 30 triệu đồng (tùy loại tàu), tiết kiệm gần 50% so với hàng nhập khẩu, nhưng quan trọng hơn là việc vận hàng êm thuận, dễ dàng và có ưu thế vượt trội khi có nhiều cách tiếp cận, điều khiển tàu hơn.
Tiếp đó, nhằm khắc phục hạn chế không gian hẹp trên tàu composite, anh Thêm đã phát triển ty bánh răng đơn, thay thế hệ thống 2 ty kiểu cũ. Thiết kế này không chỉ phù hợp với điều kiện thực tế mà còn tối ưu không gian sử dụng. Ngoài ra, anh còn nhận thiết kế riêng bộ lái theo yêu cầu đặt hàng của các chủ tàu, đảm bảo phù hợp chính xác với từng loại tàu, từng chiếc tàu cụ thể.
Nhiều sáng tạo đáp ứng đúng nhu cầu ngư dân
Nhận thấy nhu cầu rất lớn của ngư dân trong việc hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ, anh Thêm đã chủ động nhập khẩu thiết bị lái tự động, cải tiến một số chi tiết phù hợp với điều kiện thực tế, hỗ trợ lắp đặt cho bà con. Đặc biệt, việc kết hợp bộ lái thủy lực với thiết bị lái tự động đã tạo nên một hệ thống điều khiển tối ưu. Bánh lái có thể xoay trái, xoay phải với góc lái tối đa 800, giúp tàu dễ dàng đổi hướng trong không gian hẹp. Thiết bị lái tự động tích hợp la bàn định vị chính xác, giúp tàu tự vận hành, giữ hướng đi ổn định, đảm bảo an toàn trong hành trình; được giải phóng khỏi việc phải điều khiển thủ công liên tục, ngư dân bớt căng thẳng, được nghỉ ngơi nhiều hơn.
Bộ lái thủy lực điều khiển bằng remote được lắp đặt trên tàu của ông Phan Thanh Long. Ảnh: HƯƠNG GIANG
Gần đây, anh Thêm đã nghiên cứu, cải tiến thành công máy lọc nước biển thành nước ngọt có tích hợp công nghệ UV diệt khuẩn. Theo đó anh cải tiến màng RO tối ưu áp suất để tăng lưu lượng nước. Các bộ phận tiếp xúc với nước biển như co, cút được làm từ inox 316 chống ăn mòn. Đặc biệt, anh tự chế tạo máy bơm cao áp có khả năng chịu nước mặn, thay thế hàng nhập khẩu, giúp giảm suất đầu tư thiết bị từ 60 triệu xuống còn 30 triệu đồng; không chỉ vậy sản phẩm còn đạt công suất cao gấp 3 - 5 lần so với các sản phẩm tương tự trên thị trường (400 lít/giờ so với 80 - 120 lít/giờ). Nước uống từ máy lọc được Công ty TNHH Kiểm nghiệm môi trường và Kiểm định miền Trung (TP Quy Nhơn) kiểm định đạt 26 chỉ tiêu hóa học và vi sinh vật theo quy chuẩn QCVN 6-1:2010/BYT, cho phép uống trực tiếp tại vòi.
Đặc biệt, không chỉ được tin dùng trong nước, từ năm 2022, sản phẩm của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ tàu thuyền Lê Thêm còn được xuất khẩu sang Cộng hòa Angola. Đặc biệt, bộ lái thủy lực của anh được các nhà chuyên môn đánh giá cao và giành giải nhất Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Bình Định lần thứ XIII (2022 - 2023). Năm 2024, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ tàu thuyền Lê Thêm còn được công nhận là DN KH&CN của tỉnh, với 9 sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu KH&CN gồm: Vô lăng inox, hộp inox bọc pót lái, ty xi lanh thủy lực bọc inox, đế inox lắp ty ben, thùng dầu, chân tăng, giải nhiệt nhớt, hột xoài và số ga.
Là người trực tiếp phản biện, nhận xét giải pháp của anh Thêm tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh, TS Nguyễn Văn Anh - Giảng viên bộ môn Kỹ thuật ô tô, Trường ĐH Quy Nhơn, đánh giá cao tính sáng tạo và hiệu quả thực tiễn của bộ lái thủy lực. “Giải pháp không chỉ là một sáng tạo kỹ thuật xuất sắc mà còn góp phần quan trọng trong việc hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ của Bình Định, hướng tới phát triển nghề cá bền vững” - TS Nguyễn Văn Anh tâm đắc.
“Tôi nghĩ đến bà con ngư dân khi nghiên cứu, sáng tạo”
“Có thiết bị lái tự động, mình không còn phải ôm vô lăng suốt 15 - 20 giờ liên tục như trước đây. Giờ chỉ cần cài đặt tọa độ là tàu tự chạy thẳng theo hướng mong muốn. La bàn định vị chuẩn xác với bộ định vị GPS, tôi chỉ cần quan sát và điều khiển khi cần thiết. Cái hay nữa là có đủ thứ báo động, lệch hướng nó kêu, chạy nhanh quá nó kêu, tàu sắp tới nơi nó cũng kêu. Đặc biệt có chức năng chống ngủ gật, thấy mình ngồi im là nó báo liền, an toàn cực kỳ”, anh Nguyễn Văn Tòng (xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ) phấn khởi chia sẻ.
Ông Phan Thanh Long, chủ 5 tàu cá tại Quy Nhơn, cho hay: “Mỗi chuyến tiết kiệm được 200 lít dầu, khoảng 4 triệu đồng. Đầu tư 30 triệu cho bộ lái thật sự đáng đồng tiền. Tôi đã lắp cho 3 tàu, sắp lắp nốt 2 chiếc còn lại. Có những trợ thủ công nghệ như thế này ngư dân chúng tôi đi biển yên tâm hơn, hiệu quả đánh bắt cũng đạt hơn hẳn!”.
Với những chuyến biển dài ngày, máy lọc nước biển công suất lớn cũng là trợ thủ đắc lực. “Có nước ngọt giữa biển là điều trước đây tôi không dám nghĩ tới! Đặc biệt khi gặp thời tiết xấu phải neo đậu tránh bão, nguồn nước ngọt sạch giúp đảm bảo sinh hoạt cho cả đoàn thuyền viên”, anh Nguyễn Tấn Bình (TP Quy Nhơn) bày tỏ.
Từ những sản phẩm công nghệ sáng tạo của anh Lê Tấn Thêm, ngư dân Bình Định đã có thêm động lực và công cụ hiện đại để vươn khơi, bám biển. Việc làm chủ công nghệ không chỉ giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo an toàn cho người và tàu mà còn thể hiện khát vọng của người dân xứ Nẫu trong việc vươn khơi xa, khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. “Mọi sáng tạo của tôi xuất phát từ mong muốn giúp bà con bớt nhọc nhằn. Khi bắt tay vào nghiên cứu, sáng tạo tôi nghĩ đến bà con, tôi muốn ngư dân tự tin vươn ra biển lớn. Vì thế tôi dành nhiều thời gian để lắng nghe đời sống, tâm tư, nhu cầu của bà con, biết được điều này tính hữu ích của việc nghiên cứu sẽ cao hơn!”, anh Lê Tấn Thêm hào hứng chia sẻ.
* “Các ứng dụng công nghệ trên tàu cá đánh bắt xa bờ của anh Lê Tấn Thêm đều giúp ngư dân giảm chi phí, tăng hiệu quả và đảm bảo an toàn trên biển. Đây là hướng đi đúng đắn, tham gia giúp phát triển nghề cá bền vững” - Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT)
* Anh Lê Tấn Thêm, sinh năm 1980, trong một gia đình làm nghề cơ khí tại TP Quy Nhơn. Từ nhỏ anh đã thể hiện năng khiếu đặc biệt với máy móc, anh đã tự học thành công nghề hàn và tiện. Năm 2002, anh khởi nghiệp với nghề thợ cơ khí, chuyên về tay ga và tay số điều khiển ghe tàu. Đến năm 2014, anh mở rộng sang sản xuất các thiết bị, phụ tùng ngành tàu biển bằng chất liệu inox với công nghệ CNC.
LÊ HƯƠNG GIANG