Chuyện mất... giống!
Theo Sở NN&PTNT, do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ vừa qua, toàn tỉnh đã có 10.000 ha lúa Đông Xuân 2014-2015 bị ngập lụt, chủ yếu tại các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn và thị xã An Nhơn. Trong đó, có khoảng 5.000 ha lúa đã gieo sạ bị hư hỏng hoàn toàn do bị ngập nước nhiều ngày, khoảng 600 tấn lúa giống đã bị thối, trôi, mất phải làm lại từ đầu. Có nhiều hộ nông dân ở Phù Cát, An Nhơn đã mất giống đến hai lần, thiệt hại đáng kể về tiền giống, công ngâm ủ gieo sạ. Câu hỏi đặt ra là thiệt hại không nhỏ nói trên là do tác động của thiên tai bất thường ngoài dự báo hay do chủ quan ?
Tìm hiểu vấn đề thì được biết, tại Hội nghị triển khai kế hoạch vụ Đông Xuân 2014-2015 các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 16.10 tại Khánh Hòa, trên cơ sở dự báo tình hình, diễn biến thời tiết, Cục Trồng trọt yêu cầu các địa phương cần rà soát, khoanh vùng sản xuất lúa và chuyển đổi cây trồng phù hợp bảo đảm an toàn sản xuất. Về thời vụ, vùng duyên hải Nam Trung bộ tập trung gieo sạ trong ba tuần, từ ngày 10.12 - 31.12.
Ngày 20.10, UBND tỉnh ban hành văn bản số 4646/UBND-KTN về việc tăng cường chỉ đạo sản xuất vụ Đông Xuân 2014- 2015. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương kiểm tra tình hình chuẩn bị và xây dựng các giải pháp chỉ đạo triển khai sản xuất vụ Đông Xuân 2014-2015 ở địa phương. Trong đó, chú trọng công tác chuẩn bị giống lúa, vật tư nông nghiệp, thực hiện dự trữ giống lúa dự phòng thiên tai để đảm bảo đủ giống lúa cung ứng cho sản xuất về số lượng, chất lượng, đúng cơ cấu, có biện pháp đề phòng mưa lớn, lũ lụt gây mất giống; Các địa phương cũng phải chỉ đạo nông dân sử dụng đúng cơ cấu giống lúa và lịch thời vụ theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT, kiên quyết không để nông dân tự phát gieo sạ sớm để phòng mưa lũ muộn làm mất giống và thiệt hại khi lúa trỗ gặp rét. Địa phương nào để nông dân gieo sạ sớm trước lịch thời vụ, không tuân thủ cơ cấu giống theo chỉ đạo của tỉnh thì Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố phải chịu trách nhiệm.
Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, đầu tháng 11.2014, Sở NN&PTNT ban hành lịch thời vụ và cơ cấu giống lúa sản xuất vụ Đông Xuân 2014 - 2015 của tỉnh ta. Theo đó, lịch thời vụ đặt yêu cầu đảm bảo an toàn cao nhất ở thời điểm gieo sạ không bị mất giống do mưa lũ và thời điểm lúa làm đòng và trỗ tránh được thời tiết bất lợi để đạt năng suất cao. Cụ thể, với chân ruộng 3 vụ trà chính, thời gian gieo sạ bắt đầu xuống giống từ 25.11 đến ngày 5.12; chân 2 vụ, thời gian gieo bắt đầu từ ngày 1.12 đến ngày 20.12. Với chân cao sạ cưỡng, tùy điều kiện thực tế, các địa phương tranh thủ nguồn nước bố trí gieo sạ từ ngày 10 đến 20.11. Như vậy, có thể thấy lịch thời vụ của tỉnh ta sớm hơn khá nhiều so với chỉ đạo của Cục Trồng trọt.
Để khắc phục thiệt hại 5.000 ha bị mất giống hoàn toàn trong đợt mưa lụt vừa qua, ngày 12.12.2014, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương kiểm tra diện tích lúa Đông Xuân đã gieo sạ, xác định chính xác diện tích gieo sạ bị hư hỏng giống phải gieo sạ lại, đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ giống lúa cho nông dân để kịp thời gieo sạ lại theo lịch thời vụ. Trước mắt, giao UBND các huyện, thị xã, thành phố tạm ứng ngân sách địa phương để mua lúa giống hỗ trợ cho nông dân theo cơ cấu giống do Sở NN&PTNT hướng dẫn. Đồng thời, chỉ đạo nông dân đẩy nhanh tiến độ gieo sạ hết diện tích Đông Xuân kịp thời vụ.
Mới đây, Sở NN&PTNT cũng đã điều chỉnh lịch thời vụ gieo sạ theo hướng chậm hơn lịch thời vụ đã ban hành trước đây. Theo đó, từ ngày 20.12 các địa phương mới chỉ đạo nông dân gieo sạ lúa ở những vùng trũng, nhằm hạn chế lúa bị ngập, mất giống.
Thiệt hại vừa qua là bài học “đắt giá” trong việc xây dựng lịch thời vụ, chỉ đạo và quản lý việc tuân thủ lịch thời vụ trong sản xuất vụ ĐX nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung. Vì vậy, ngành nông nghiệp, các địa phương và bà con nông dân cần rút kinh nghiệm để tránh thiệt hại tương tự trong các vụ sau.
H.Đ