Hồ Chí Minh với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân
25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22.12.1989 – 22.12.2014) là tiếp tục kế thừa truyền thống về việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân của dân tộc ta được Hồ Chí Minh và Đảng ta vận dụng đã huy động được lực lượng toàn dân tham gia cuộc kháng chiến ác liệt và chưa từng có trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc.
Dân tộc ta đã có nhiều kinh nghiệm tiến hành khởi nghĩa và chiến tranh nhân dân. Ý thức dân tộc, đoàn kết, chiến đấu để giữ nước, giữ nhà, gắn bó nhà với nước, “nước mất thì nhà tan” đã trở thành truyền thống quý báu của dân tộc ta.
Phần lớn các nhà lãnh đạo yêu nước thời xưa đều đã thấy được sức mạnh của dân, đã chủ trương dựa vào dân để chống giặc giữ nước. Trần Quốc Tuấn đã kết luận: “Phải khoan thư sức dân, làm kế sâu rễ bền gốc, ấy là thượng sách”. Nguyễn Trãi coi sức dân mạnh như sức nước, có thể đẩy thuyền, cũng có thể lật thuyền, muốn giữ nước “phải tập hợp bốn phương manh lệ”. Với nhận thức tiến bộ ấy, cha ông chúng ta đã biết giương cao ngọn cờ dân tộc và thực hiện một số chính sách để phát huy lòng yêu nước của dân, đoàn kết được nhân dân cùng đứng lên chống giặc. Nhờ vậy trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và giữ vững nền độc lập tự chủ, đông đảo nhân dân không những chỉ hăng hái tham gia vào quân của triều đình, quân của các lộ, mà còn xây dựng cả đội dân binh, hương binh ở các thôn xã, làng bản, xây dựng nên truyền thống “trăm họ là binh”, “cả nước chung sức đánh giặc”.
Kế thừa truyền thống “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, truyền thống toàn dân đánh giặc của dân tộc, vận dụng quan điểm “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” của chủ nghĩa Mác- Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định những quan điểm rất cơ bản: dân là chủ; kháng chiến, kiến quốc là sự nghiệp của dân; có dân là có tất cả; khởi nghĩa toàn dân để giành lại nền độc lập cho dân tộc; kháng chiến toàn dân để giữ vững nền độc lập ấy. Toàn dân, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, là toàn thể dân tộc, là mọi con dân nước Việt, mọi người con Lạc cháu Hồng. Điều này đã được Người nói rõ trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc thuổng, gậy gộc. Ai cũng ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Người đã nhiều lần khẳng định 20 triệu đồng bào Việt Nam quyết đánh tan mấy vạn quân thực dân phản động. Trong kháng chiến chống Mỹ, Người khẳng định cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến toàn dân; 31 triệu đồng bào ở cả hai miền Nam Bắc, bất kỳ già trẻ, gái trai là 31 triệu chiến sĩ anh dũng diệt Mỹ cứu nước.
Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra nhiệm vụ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Trong thời gian tạm hoãn với địch, Người đã khẩn trương triển khai nhiều việc để củng cố nền quốc phòng toàn dân, chuẩn bị sẵn sàng để bước vào cuộc kháng chiến lâu dài. Trong chống Mỹ, đất nước còn tạm thời bị chia hai miền, việc xây dựng nền quốc phòng đã được đẩy mạnh ở miền Bắc, nhằm xây dựng quân đội, xây dựng lực lượng hậu bị, dân quân tự vệ, xây dựng công nghiệp quốc phòng, kết hợp kinh tế với quốc phòng, làm cho tiềm lực quốc phòng tăng lên gấp nhiều lần.
Tình hình thế giới và khu vực hiện nay diễn biến hết sức phức tạp và khó lường, đòi hỏi chúng ta phải vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, củng cố nền quốc phòng toàn dân một cách vững chắc, hoàn thành mọi nhiệm vụ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
TRUNG NGÔN