Đừng quên chuyện rượu bia
Bao giờ cũng vậy, khoảng thời gian cuối năm cũ đầu năm mới dương lịch và dịp Tết cổ truyền là cao điểm của các hoạt động giao thông vận tải hàng hóa và hành khách. Lưu lượng tăng, hoạt động gấp gáp, liên tục xoay vòng, tăng chuyến của các phương tiện, nhất là ô tô, gây áp lực lớn đến sự an toàn trên các tuyến đường bộ. Từ áp lực này kéo theo TNGT cũng có chiều hướng gia tăng đáng kể.
Để giảm thiểu TNGT trong thời gian cao điểm này, bắt đầu từ ngày 15.12 vừa qua, các lực lượng đảm bảo an toàn giao thông như thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông đã tăng cường các hoạt động tuần tra, tiến hành kiểm tra và xử lý phương tiện không đảm bảo an toàn, xe quá khổ, quá tải… Đặc biệt, các hoạt động quản lý về an toàn phương tiện, trọng tải… gần đây đã được thực hiện khá thường xuyên, quyết liệt và bước đầu đã mang lại kết quả tích cực.
Tuy nhiên, trong các vấn đề liên quan đến TNGT trong thời gian cao điểm này thì việc sử dụng rượu bia cũng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất lớn. Dịp cuối năm, đầu năm thường có nhiều cuộc tiệc tùng, liên hoan tổng kết hay khai trương nên chuyện sử dụng bia rượu tăng hơn ngày thường.
Để hạn chế tác hại của bia rượu đối với an toàn giao thông, mới đây, Ủy ban an toàn giao thông quốc gia và Hiệp hội bia rượu, nước giải khát đã đưa ra “sáng kiến” đưa khách say trở về nhà và ngay lập tức nhận được phản hồi ở cả hai luồng ủng hộ và không ủng hộ. Trước đó, các cơ quan quản lý cũng đưa ra một số ý tưởng liên quan tới bia rượu như dự thảo của Bộ Y tế về cấm bán bia rượu sau 22 giờ, của Bộ Công Thương về cấm bán bia ở vỉa hè. Mặc dù các biện pháp hạn chế bia rượu tương tự đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng từ lâu, nhưng ở nước ta hiện vẫn chưa được ủng hộ, thậm chí đã vấp phải phản ứng không đồng tình khá quyết liệt của dư luận, nên chưa thể triển khai trong thực tế.
Vì vậy, việc kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe, người điều khiển phương tiện là cần thiết và có tác dụng phòng ngừa khá hiệu quả. Kiểm tra nồng độ cồn là chuyện không mới. Việc này đã từng được triển khai từ hai ba năm trước. Tuy nhiên, sau vài đợt ra quân rất khí thế ở các tụ điểm ăn nhậu tập trung, tuyến đường bia bọt… thì chuyện này cũng dường như thôi luôn. Vì vậy, trong đợt cao điểm ra quân bảo đảm an toàn giao thông này, bên cạnh việc xử lý nói trên, các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm về nồng độ cồn đối với những người điều khiển ô tô, mô tô khi tham gia giao thông. Theo nhiều ý kiến từ phía dư luận thì công tác này cần được tiến hành thường xuyên, liên tục và việc xử lý cần kiên quyết hơn, chế tài mạnh hơn để nâng cao hiệu quả phòng ngừa.
H.Đ