Chặn từ gốc!
Công nghệ thông tin phát triển đã mang lại vô vàn tiện ích phục vụ đắc lực cho cuộc sống. Mạng internet, hệ thống thông tin di động phát triển đã làm cho khoảng cách về không gian, thời gian hầu như không còn nếu xét về mặt giao tiếp thông tin liên lạc.
Tuy nhiên, bên cạnh vô vàn lợi ích không thể chối cãi thì cũng có một số mặt trái, gây phiền phức cho nhiều người, trong đó phiền toái hàng ngày mà gần đây hầu như bất cứ ai xài điện thoại di động (ĐTDĐ) hoặc các giao thức qua internet cũng gặp là “vấn nạn” tin nhắn rác. Đó là các loại tin nhắn với đủ các nội dung, từ xem bói, chuyện chăn gối, lô đề cho đến bán sim số đẹp, lừa đảo trúng thưởng xổ số, quảng cáo “hầm bà lằng”… từ các đầu số “không mời mà đến”. Có thể nói mà không sợ sai là gần như bất cứ ai xài ĐTDĐ đều nhận được tin nhắn rác. Và nó có thể đến vào bất kỳ giờ nào trong ngày, nếu ít thì vài ba tin, nhiều thì có thể lên đến hàng chục tin. Tin rác đã trở thành một vấn nạn quấy nhiễu thô bạo vào đời sống cá nhân, khiến người sử dụng điện thoại khó chịu, thậm chí bị stress, vì bị làm phiền vô cớ và mất không ít thời gian một cách vô ích. Đó là chưa kể đến chuyện nhắn tin lừa đảo khiến người sử dụng điện thoại chỉ cần nhấn phím trả lời là bị trừ tài khoản hàng chục ngàn đồng mỗi lần.
Để phòng chống thư rác trên lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, điện tử, Chính phủ đã ban hành Nghị định 77/2012, có hiệu lực từ ngày 1.1.2013, nhằm ràng buộc trách nhiệm của các công ty cung cấp dịch vụ nội dung và các nhà mạng trong việc ngăn chặn tin nhắn rác. Thực hiện Nghị định này, các nhà cung cấp dịch vụ mạng đã thực hiện biện pháp mạnh với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung bị phát hiện có vi phạm, như khóa cú pháp, tạm khóa hoặc cắt kết nối, thu hồi đầu số cung cấp dịch vụ nội dung, ngừng kết nối hàng loạt đầu số nhắn tin rác… Tuy nhiên, thực tế cho thấy các biện pháp này cũng vẫn không đủ sức ngăn chặn tin nhắn rác tấn công người tiêu dùng. Các dịch vụ phát tán tin nhắn rác đã tìm cách để không làm lộ đầu số nhắn tin khiến nhà mạng khó phát hiện để xử lý. Khi người sử dụng phần mềm chặn tin nhắn rác thì họ lại sử dụng những sim rác để tiếp tục chuyển tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo đến người sử dụng điện thoại. Khi bị khách hàng phản ánh, bị chặn số, các công ty lại mua sim số khác đã kích hoạt sẵn để tiếp tục nhắn tin, gây phiền phức cho khách hàng.
Trước tình hình trên, mới đây, ngày 24.12.2014, Bộ TT&TT đã ban hành Chỉ thị số 82/CT-BTTTT về việc ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và tăng cường quản lý thông tin trên mạng. Chỉ thị nhấn mạnh đến trách nhiệm của các nhà mạng phải xây dựng hệ thống kỹ thuật có khả năng ngăn chặn tin nhắn rác và yêu cầu xử lý mạnh tay các doanh nghiệp cung cấp nội dung phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, thậm chí chấm dứt hợp đồng với những trường hợp sai phạt nặng. Nhà mạng còn có trách nhiệm báo tin cho cơ quan chức năng và người tiêu dùng khi các vụ tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo có quy mô rộng và tính chất nghiêm trọng… Bên cạnh đó, Chỉ thị cũng yêu cầu tăng hiệu quả quản lý thông tin thuê bao di động trả trước, giảm thuê bao ảo, từ đó có cơ sở ngăn chặn, xử lý đối với các đối tượng phát tán tin nhắn rác. Đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội, khi nhắn tin đến khách hàng phải có cơ chế cảnh báo tự động (hiển thị bắt buộc) để người dùng có thể kiểm tra, không bị lừa đảo khi đăng nhập vào các trang này vì tò mò.
Đây được coi như một động thái “chặn từ gốc” trong việc giải quyết tin nhắn rác từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Hy vọng rằng, với việc quy trách nhiệm rõ ràng với các nhà mạng, doanh nghiệp cung cấp nội dung dịch vụ, cơ quan quản lý nhà nước sẽ kiểm soát tốt hơn đối với hoạt động dịch vụ tin nhắn qua mạng di động. Và cũng hy vọng rằng, từ đây người dùng ĐTDĐ sẽ tránh được những phiền nhiễu do vấn nạn tin rác gây ra như lâu nay.
Hy vọng là như thế!
HẢI ĐĂNG