CUỘC THI VIẾT “KHÁT VỌNG NGƯỜI BÌNH ÐỊNH : ÐỘT PHÁ - VƯƠN TẦM”
Hát bội Bình Ðịnh: Hãy tỏa lan rộng khắp ngay chính trên quê hương
Bình Ðịnh - mảnh đất thấm đẫm tinh thần thượng võ tôn văn - đã nuôi dưỡng một loại hình nghệ thuật độc đáo: Hát bội. Ðã bao đời nay, khi tiếng trống chầu rền vang như mang theo hơi thở của tiền nhân, sân khấu sáng lên những điệu thức để những vọng âm còn mãi luyến lưu... Bởi vậy nhiều người tin rằng nếu phải chọn một dạng âm thanh điển hình gợi nhớ đến Bình Ðịnh, họ chọn ngay tiếng trống chầu.
1. Đến giờ, tôi và ba tôi vẫn hay nhắc về kỷ niệm xem hát nơi quê nhà giàu truyền thống hát bội An Nhơn. Trong ký ức của ba tôi, những vở tuồng cổ như Thoại Khanh - Châu Tuấn, Phạm Công - Cúc Hoa, Hộ Sanh Đàn hay Ngũ hổ bình Nam... luôn sống động như mới hôm qua. Ở đó, những kép, những đào như Văn Chinh, Long Trọng, Tư Cá, Mộng Thu, Ngọc Cầm, Lệ Siềng… còn “đóng đinh” trong trí nhớ nhiều người.
Nét đẹp hát bội Bình Định trong bộ ảnh “Hát bội Bình Định” gồm 15 ảnh của NSNA Đào Tiến Đạt triển lãm tại Liên hoan Nhiếp ảnh châu Á năm 2024 (Asia Photo Festival 2024) do Hiệp hội Nhiếp ảnh gia châu Á (Asia Photographers Union - APU) tổ chức.
Cái hay của hát bội, theo ba tôi, không chỉ nằm ở những lớp diễn, vũ đạo mà còn ở tinh thần toát lên từ đó - một thứ tinh thần thấm đẫm đạo lý, lòng nhân và nghĩa khí. Ông nói, hiểu nội dung tuồng thì mới cảm được cái hay của vở diễn, mới thấy được sự tài hoa của người nghệ sĩ, mới thấm được cái tình, cái khí phách của những bậc tiền nhân. Và trong chừng mực nào đó có thể nói hát bội giáo dục con người ta biết sống nghĩa nhân, tử tế từng chút một theo từng đêm diễn một như thế. Tiếng trống chầu hát bội vì thế cứ cầm canh nhắc chừng suốt đời ba tôi!
Lớn lên, theo nghề tôi may mắn tiếp xúc với những nghệ sĩ, nghệ nhân mà từ bé thơ, có lẽ chỉ biết ngoái vọng họ qua những lớp phục trang và vân vi nét mặt. Càng tiếp xúc, tôi thêm hiểu những gian truân đời nghệ sĩ. Dù ở bất cứ đâu, cũng như những lữ khách trên đường dài, họ gánh trên vai cả một nền văn hóa. Mỗi độ xuân về, họ lại cháy hết mình để trọn dâng cho người mộ điệu, mỗi vở diễn như một gửi gắm những thông điệp đáng nhớ.
Một ngày giữa tháng Giêng hai năm trước, tôi có cơ duyên được xem lại vở Viên ngọc quý của cố NSƯT Tư Cá tại Nhơn Lý (TP Quy Nhơn). Sân khấu dựng ngay bên bờ biển, dưới chân lăng ông Nam Hải. Từng con sóng vỗ, từng cơn gió lồng lộng thổi qua những bộ giáp đường bệ của diễn viên, hòa cùng lời ca bi tráng tạo nên một không gian nghệ thuật tráng lệ đầy hoài niệm, thu hút hàng ngàn người dân thưởng thức. Tiếng trống chầu đĩnh đạc giục giã, lay động cả một vùng biển rộng.
Bên cánh gà, tôi gặp NSND Xuân Hợi đang tỉ mỉ hóa trang cho vai Mã Công - người cha của Mã Khắc Sinh. Xê xế đó, NSND Minh Ngọc cẩn thận kẻ chân mày, vẽ những đường nét sắc lạnh cho nhân vật vua Hung Nô. Đứng đó, giữa những người nghệ sĩ già dặn cùng những lớp diễn viên trẻ, tôi cảm nhận được ngọn lửa nghề vẫn âm ỉ cháy trong họ, mãnh liệt và bền bỉ. Có khi tôi nghĩ, hành trình của họ có lẽ cũng giống như hành trình của Mã Khắc Sinh đi tìm viên ngọc quý - đầy thử thách gian truân, mà nếu không đủ chân thành, tâm huyết thì khó bề thấy những quả ngọt…
Tiếng trống chầu hát bội từng nhịp, từng hồi tiếp thêm năng lượng để người nghệ sĩ dấn thân trên hành trình phụng hiến cho nghệ thuật!
2. Hát bội Bình Định mang một phong cách riêng, khi chứa đựng tinh thần võ học của quê hương Quang Trung. Nhìn nghệ sĩ nhập vai trên sân khấu, ta như thấy họ không chỉ diễn mà còn đang múa võ đầy khí chất, dùng hình thể để biểu đạt cảm xúc. Một cái phất tay có thể biểu thị sự quyết liệt, một cái lia mắt có thể chất chứa cả một nỗi oán hận ngút trời. Tôi may mắn được xem những nét diễn ấy qua cách diễn của lớp diễn viên gạo cội như các NSND: Hòa Bình, Xuân Hợi, Minh Ngọc, Phương Thảo..., cả những nghệ nhân đắm say với nghề như Nghệ nhân nhân dân Hà Thị Hạnh, những Nghệ nhân ưu tú Kim Chung, Hoàng Việt, Phạm Thị Kiều, Kiều My... Nhờ có những người tâm huyết như họ, mà hát bội được sống, được truyền thừa.
Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, nhiều năm qua hát bội đối diện nhiều khó khăn với thực trạng thiếu hụt diễn viên trẻ, nhạc công, kịch bản mới và chưa có chính sách đãi ngộ phù hợp. Thế nhưng, trong vài năm gần đây đã có nhiều tín hiệu lạc quan.
NSƯT Băng Châu, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống tỉnh, phấn khởi chia sẻ: “Năm qua, chúng tôi tổ chức nhiều chương trình kết hợp du lịch, biểu diễn phục vụ du khách trong và ngoài nước khi đến Bình Định, đồng thời, tích cực tổ chức trải nghiệm đưa nghệ thuật truyền thống vào trường học trên địa bàn tỉnh. Năm 2025, Nhà hát sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, trường học để đưa nghệ thuật truyền thống đến với học sinh, giúp các em hiểu và yêu hơn loại hình nghệ thuật này. Nếu các em được tiếp xúc từ sớm, sẽ có cơ hội phát hiện và bồi dưỡng những tài năng trẻ, góp phần xây dựng đội ngũ kế cận cho hát bội trong tương lai”.
3. Nhiều lần, tôi gặp các nhóm du khách nước ngoài đến Bình Định dành sự quan tâm cho hát bội, hào hứng tham gia hoạt động vẽ mặt nạ hát bội do anh Trần Ngọc Vân, một nghệ sĩ nhiếp ảnh yêu hát bội, thực hiện. Theo anh Vân, du khách nước ngoài luôn muốn tìm hiểu nét văn hóa đặc trưng của một vùng đất mà họ ghé thăm, và với Bình Định, nghệ thuật hát bội luôn có sức hút với họ. Khi nắm được vấn đề một vị khách đến từ Pháp khẳng định: “Hát bội là một kho báu văn hóa của Bình Định”. Trong cuộc gặp đầu xuân Ất Tỵ với nhà văn người Ý Elena Pucilo, bà cũng đã chia sẻ sự thích thú của mình khi khám phá hát bội Bình Định. Nữ nhà văn tâm sự: “Hát bội là opera của Bình Định, rất nên phát huy mảng di sản văn hóa này. Trong nhiều vở diễn được quay dựng lại, nếu có phụ đề sẽ tạo được nhiều lan tỏa hơn với bạn bè quốc tế”.
Du khách nước ngoài thích thú trải nghiệm hoạt động vẽ mặt nạ hát bội. Ảnh: TRẦN NGỌC VÂN
Ở Bình Định, ngoài Đoàn tuồng Đào Tấn (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh) còn có hơn 10 đoàn nghệ thuật tuồng không chuyên đang hoạt động. Theo NSND Hòa Bình, nguyên Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, Bình Định đang có lực lượng NSƯT, NSND trong nghệ thuật sân khấu truyền thống vào tốp đầu cả nước, chỉ sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; có đội ngũ những nghệ nhân nhiệt huyết yêu nghề; có lực lượng viết kịch tài hoa như Văn Trọng Hùng, Đoàn Thanh Tâm...; có Quỹ Vũ Ngọc Liễn - Hỗ trợ tài năng trẻ hát bội, bài chòi... Điều đó cho thấy, hát bội hoàn toàn có thể vươn xa nếu được đầu tư và quảng bá đúng cách.
Tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Văn hóa và Thể thao năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đã khá hào hứng khi nói về trải nghiệm cá nhân với loại hình nghệ thuật này. Để đi xa trước hết hát bội phải lan tỏa rộng khắp ngay chính trên quê hương Bình Định, để người Bình Định biết và hiểu rõ di sản mà mình đang thừa tự! - Phải có thật nhiều người dân Bình Định có thể nói về hát bội với du khách - ông nhấn mạnh! Và ông cũng không quên chỉ đạo Sở VH&TT, các địa phương chú trọng công tác bảo tồn, lan tỏa và phát huy các giá trị văn hóa; phía địa phương cần chú tâm hơn với nghệ thuật truyền thống của quê hương mình mà chủ động “đặt hàng”, mời đoàn nghệ thuật về biểu diễn.
Và gần đây nhất, trong cuộc gặp mặt văn nghệ sĩ xuân Ất Tỵ năm 2025, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn thêm một lần nữa nhấn mạnh sự đồng hành của chính quyền với nghệ thuật truyền thống, từ chính sách hỗ trợ nghệ nhân đến việc tạo điều kiện cho các đoàn nghệ thuật không chuyên hoạt động. Đó là những tín hiệu vui, mở ra cơ hội cho những nghệ nhân, nghệ sĩ gắn bó và phát huy di sản.
***
Giữa dòng chảy hiện đại, dù hát bội có lúc thăng trầm, nhưng tôi tin rằng, từ những hướng đi cụ thể, sự chung tay đồng lòng từ những bàn tay biết quý trọng biết gìn giữ, hát bội sẽ có cơ hội khẳng định tầm vóc và vị thế, tô đậm thêm bản sắc văn hóa Bình Định. Và một ngày nào đó hát bội Bình Định sẽ tiến lên sân khấu quốc tế, chinh phục bạn bè khắp nơi trên thế giới…
PHI NGUYỄN