Hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2025
(BĐ) - Chiều 7.3, tại TP Quy Nhơn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức Hội nghị “Đánh giá cơ hội, thách thức và đề xuất giải pháp đạt mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2025”. Hội nghị có sự tham dự của các ông: Nguyễn Tuấn Hưng, đại diện Cục Lâm nghiệp - Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường); Cao Chí Công, Phó Chủ tịch Hiệp Hội gỗ và Lâm sản Việt Nam và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các hiệp hội ngành gỗ, DN chế biến, xuất khẩu gỗ trong và ngoài nước. Về phía tỉnh có Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, đại diện lãnh đạo các sở, ngành và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, các DN trong tỉnh.
Ông Nguyễn Tuấn Hưng, đại diện Cục Lâm nghiệp - Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) khai mạc hội nghị. Ảnh: HẢI YẾN
Chủ trì hội nghị, ông Nguyễn Tuấn Hưng, đại diện Cục Lâm nghiệp - Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) nhấn mạnh: Năm 2024, ngành gỗ Việt Nam đã duy trì tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 14,5 tỷ USD, trong đó Bình Định đóng góp hơn 1 tỷ USD. Tuy nhiên, năm 2025 dự báo vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt là các hàng rào thương mại, yêu cầu truy xuất nguồn gốc ngày càng khắt khe từ thị trường EU, Mỹ. Hội nghị lần này nhằm tìm kiếm giải pháp đồng bộ giúp ngành gỗ phát triển bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn (ở giữa, hàng ngang) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HẢI YẾN
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn khẳng định: Bình Định là một trong những trung tâm chế biến gỗ lớn của cả nước, với hơn 300 DN hoạt động trong lĩnh vực này. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, ngành gỗ Bình Định đã đạt kết quả ấn tượng năm 2024, với kim ngạch xuất khẩu 1,71 tỷ USD, vượt kế hoạch đề ra. Năm 2025, mục tiêu xuất khẩu đặt ra là 1,5-1,8 tỷ USD, đòi hỏi sự đổi mới mạnh mẽ trong sản xuất, quản trị và thị trường. Các DN cần đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và mở rộng thị trường. Chính quyền tỉnh cam kết đồng hành, tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi để ngành gỗ phát triển bền vững. Địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận nguồn nguyên liệu hợp pháp, ứng dụng công nghệ tiên tiến và mở rộng thị trường xuất khẩu. Chúng tôi mong muốn các bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: HẢI YẾN
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về hàng loạt vấn đề quan trọng, trong đó có chính sách thuế quan của Mỹ, các yêu cầu nhập khẩu gỗ có chứng chỉ FSC, các biện pháp ứng phó với nguy cơ phòng vệ thương mại. Đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề xuất cần có chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho DN đầu tư máy móc hiện đại, mở rộng vùng nguyên liệu đạt chuẩn.
Đáng chú ý, đại diện các DN chế biến gỗ tại Bình Định, Đồng Nai, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh chia sẻ về những khó khăn trong tiếp cận nguồn nguyên liệu ổn định, chi phí logistics tăng cao và những rào cản kỹ thuật khi xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ. Theo ông Lê Văn Lương Giám đốc Công ty CP Công nghệ gỗ Đại Thành, chế biến gỗ xuất khẩu tại Bình Định: DN đang đối mặt với nhiều áp lực về nguồn vốn, chi phí đầu vào tăng, trong khi nhu cầu tiêu thụ tại một số thị trường lớn như Mỹ, EU có dấu hiệu chững lại. Chúng tôi mong muốn Chính phủ có các chính sách hỗ trợ thiết thực hơn về thuế, tín dụng để giúp ngành gỗ giữ vững đà tăng trưởng.
Đại diện Cục Lâm nghiệp cũng cho rằng, bên cạnh những thách thức, ngành gỗ Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội khi nhu cầu nội thất gỗ trên thế giới tiếp tục tăng. DN cần tập trung vào chuỗi cung ứng bền vững, đẩy mạnh sản xuất xanh, tăng cường liên kết để nâng cao giá trị sản phẩm.
Các đại biểu báo cáo về chương trình, chính sách, định hướng phát triển ngành chế biến gỗ và thương mại lâm sản Việt Nam bền vững gắn với tăng trưởng xanh trong bối cảnh mới. Ảnh: HẢI YẾN
Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Tuấn Hưng khẳng định, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, hiệp hội ngành gỗ để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN tiếp cận các thị trường xuất khẩu tiềm năng. Ông nhấn mạnh: Mục tiêu năm 2025, ngành gỗ Việt Nam phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 16 tỷ USD. Để làm được điều này, cần sự chung tay của cả DN, chính quyền địa phương và các bộ, ngành trong việc thúc đẩy phát triển rừng trồng bền vững, đảm bảo nguồn nguyên liệu hợp pháp, đáp ứng yêu cầu thị trường quốc tế.
Hội nghị đã đưa ra nhiều khuyến nghị quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành gỗ, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác giữa các DN trong và ngoài nước, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao giá trị xuất khẩu gỗ Việt Nam.
HẢI YẾN