ÔNG CAO THANH THƯƠNG - GIÁM ĐỐC SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ MÔI TRƯỜNG:
Phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng 3,6 - 3,8%
Sở Nông nghiệp và Môi trường vừa ban hành Kế hoạch hành động thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng nông, lâm, thủy sản năm 2025 trên địa bàn tỉnh đạt từ 3,6 - 3,8%. Ông Cao Thanh Thương, Giám đốc Sở cho biết, ngành đã đề ra nhiều giải pháp để đạt được mục tiêu này.
*Theo ông, đâu là những khó khăn ngành Nông nghiệp phải đối mặt trong năm nay?
- Khó khăn lớn nhất là tình hình thời tiết diễn biến bất thường, nhất là nguy cơ hạn hán, thiếu nước có thể xảy ra; rồi diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Giá bán một số mặt hàng nông sản không ổn định, ảnh hưởng đến khả năng đầu tư, thâm canh, tái đàn, phát triển chăn nuôi của người dân.
Bên cạnh đó, nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm nghiêm trọng do việc khai thác quá mức trong thời gian dài. Một số nghề khai thác không hiệu quả, có nguy cơ rất cao vi phạm khai thác thủy sản ở vùng biển nước ngoài, gây khó khăn trong việc chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh. Các DN nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao chưa hoạt động hết công suất, chưa triển khai hết quy mô đầu tư theo dự án đã đăng ký. Việc thực hiện trồng rừng sản xuất cây gỗ lớn gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững để nâng cao giá trị lâm sản hàng hóa còn gặp khó khăn.
Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp phân tán, thiếu sản phẩm chủ lực đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa và xuất khẩu. Việc kêu gọi các DN đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến nông sản vẫn còn khó khăn.
* Trên cơ sở đã nhận diện ra được những khó khăn, ngành có những giải pháp trọng tâm gì, thưa ông?
- Trước hết là tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi diện tích đất lúa, mía, mì kém hiệu quả sang các cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao. Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp. Hình thành các vùng sản xuất cây trồng chủ lực và cây ăn quả tập trung theo hướng liên kết các địa phương, tạo thành vùng nguyên liệu lớn để thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến. Tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Mỗi địa phương phấn đấu hình thành mới ít nhất 1 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Bên cạnh đó, tập trung phát triển 3 loại vật nuôi chủ lực của tỉnh là bò thịt, heo, gia cầm (chủ yếu là gà) nhằm nâng cao giá trị sản xuất; phát triển các vùng chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học gắn với bảo vệ môi trường. Triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ trong chăn nuôi, nhất là chính sách nuôi bò thịt chất lượng cao, gà thả đồi, tạo vùng nguyên liệu sản phẩm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm cung ứng cho thị trường và phục vụ nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh.
Tập trung đẩy mạnh công tác phát triển trồng rừng sản xuất cây gỗ lớn, gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững để phục vụ xuất khẩu. Nghiên cứu, đề xuất Đề án kinh doanh tín chỉ carbon. Kêu gọi các DN chế biến gỗ liên doanh, liên kết đầu tư trồng rừng để chủ động nguồn nguyên liệu.
Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT vào khai thác thủy sản để giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nghề cá từ khai thác. Phát triển các dự án ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản; khuyến khích đầu tư mở rộng công suất các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu. Đẩy nhanh xúc tiến đầu tư vào Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành (Phù Mỹ).
Cùng với đó, tiếp tục đôn đốc, hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án sản xuất, chế biến có quy mô lớn trên lĩnh vực nông nghiệp. Đây là yếu tố quan trọng giúp nâng cao hiệu quả cạnh tranh và giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh thời gian tới, góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho người dân, tạo tiền đề vững chắc phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh nhanh và bền vững.
Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt được một số kết quả đáng phấn khởi trong năm 2024. Ảnh: N.N
* Ngoài nỗ lực của ngành Nông nghiệp, sự đồng hành, chung tay của các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương cũng đóng vai trò quan trọng…
- Để góp phần cùng với tỉnh hoàn thành tăng trưởng 8,5 - 9%, ngành Nông nghiệp rất cần các sở, ngành, địa phương quan tâm, phối hợp chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Bố trí kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ, tạo nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất; hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước. Cung cấp thông tin yêu cầu của các thị trường về tiêu chuẩn nông sản, khả năng tiêu thụ theo thời gian để các địa phương hướng dẫn nông dân chủ động sản xuất. Tăng cường tổ chức các chương trình đối thoại, gặp gỡ DN, hiệp hội để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, xúc tiến thương mại, giới thiệu cơ hội đầu tư… trong chế biến và xuất khẩu hàng nông, lâm thủy sản.
Cùng với đó, hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu, hỗ trợ các nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ cao, cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp tập trung cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Có cơ chế hỗ trợ từ ngân sách địa phương gắn với các chương trình, dự án, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất. Theo dõi, dự báo sản lượng thu hoạch để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm, chủ động phối hợp các sở, ngành tổ chức tiêu thụ nông sản và xây dựng các chuỗi liên kết.
* Xin cảm ơn ông!
NGỌC NGA (Thực hiện)