Đổi mới tư duy làm luật, từng bước hoàn thiện thể chế
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội thông qua ngày 19.2.2025, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.4.2025. Phóng viên Báo Bình Định có cuộc trao đổi với ông Phạm Dân, Phó Giám đốc Sở Tư pháp về những điểm mới nổi bật của Luật cũng như công tác chuẩn bị triển khai thi hành của tỉnh ta.
Ông Phạm Dân, Phó Giám đốc Sở Tư pháp
* Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2025 có vai trò quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Xin ông cho biết vài nét khái quát về Luật này?
- Luật gồm 9 chương với 72 điều, giảm 8 chương và 101 điều so với Luật Ban hành VBQPPL năm 2015. Luật gọn hơn nhưng sát thực tiễn, khắc phục những bất cập, tồn tại của Luật hiện hành. Đồng thời có nhiều điểm mới mang tính cải cách, thể hiện quyết tâm đổi mới tư duy xây dựng pháp luật trong kỷ nguyên mới, nhằm thực hiện hiệu quả một trong ba đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
* Theo ông, đâu là những điểm mới nổi bật?
- Với việc giảm hơn một nửa số lượng chương, điều so với Luật năm 2015, Luật chỉ quy định cụ thể trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành VBQPPL của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, rút ngắn thời gian ban hành, vừa nâng cao năng suất nhưng vẫn đảm bảo chất lượng VBQPPL.
Luật cũng đã đơn giản hóa hệ thống VBQPPL, trong đó bỏ thẩm quyền ban hành VBQPPL của chính quyền cấp xã (nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND). Đồng thời, cho phép Chính phủ được quyền ban hành thêm một hình thức VBQPPL là nghị quyết, nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách phát sinh từ thực tiễn.
Luật cũng đổi mới việc xây dựng chương trình lập pháp của Quốc hội theo hướng vừa có chiến lược dài hạn, vừa mang tính linh hoạt, bám sát thực tiễn, tách bạch quy trình làm chính sách với việc lập chương trình lập pháp hằng năm. Đồng thời quy định quy trình thông qua các đạo luật trong một kỳ họp của Quốc hội, đơn giản hóa quy trình, thủ tục rút gọn và bổ sung quy trình thông qua văn bản trong trường hợp đặc biệt đối với các dự án, dự thảo văn bản xử lý các tình huống khẩn cấp của quốc gia. Điều này giúp VBQPPL đáp ứng kịp thời những yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.
* Trong những điểm mới, tham vấn chính sách là vấn đề được nhiều người quan tâm…
- Đúng vậy, đây được xem là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật. Tham vấn chính sách là việc trao đổi trực tiếp giữa cơ quan lập đề xuất chính sách với cơ quan, tổ chức, cá nhân được tham vấn nhằm lựa chọn giải pháp, hoàn thiện chính sách của dự án luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tham vấn chính sách được thực hiện công khai, nhằm tìm kiếm giải pháp tối ưu khắc phục bất cập của quy định pháp luật hiện hành; đảm bảo chính sách phù hợp “ý Đảng - lòng dân”, tháo gỡ các “điểm nghẽn” pháp lý, khơi thông mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển KT-XH, như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới tư duy làm luật.
Sở Tư pháp tổ chức buổi họp góp ý dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Công chứng năm 2024. Ảnh: ĐVCC
* Ông có thể cho biết tình hình công tác xây dựng, ban hành VBQPPL trên địa bàn tỉnh thời gian qua, cũng như chuẩn bị thi hành Luật thời gian tới?
- Công tác xây dựng, ban hành VBQPPL những năm qua được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo sâu sát; các cơ quan, đơn vị đã kịp thời rà soát các VBQPPL của cấp trên và tình hình thực tế địa phương để tham mưu UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh quyết định nhiều chính sách quan trọng.
Quá trình tham mưu xây dựng VBQPPL, Sở Tư pháp đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường các biện pháp thực hiện Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL giai đoạn 2022 - 2027”, theo Quyết định 407/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2024, HĐND, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh đã ban hành 185 VBQPPL. Trong đó, HĐND, UBND tỉnh ban hành 94 VBQPPL (21 nghị quyết, 73 quyết định); chính quyền cấp huyện ban hành 46 VBQPPL, cấp xã ban hành 45 VBQPPL. Việc ban hành VBQPPL cơ bản đảm bảo trình tự thủ tục quy định, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển mọi mặt đời sống.
Về chuẩn bị thi hành Luật, Bộ Tư pháp đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức, hướng dẫn thi hành. Trong thời gian này, Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh kế hoạch triển khai thi hành Luật trên địa bàn tỉnh, văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương thực hiện một số nhiệm vụ. Trong đó, trọng tâm là tổ chức các hội nghị, chương trình phổ biến, quán triệt nội dung của Luật; đồng thời tập huấn chuyên sâu đối với đội ngũ làm công tác xây dựng, tham mưu ban hành VBQPPL.
Sở cũng tham mưu UBND tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị quan tâm xây dựng tổ chức pháp chế trong đơn vị gắn với việc bố trí cán bộ, công chức có năng lực, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm tham gia xây dựng, soạn thảo văn bản theo tinh thần Nghị định số 56/2024/NĐ-CP; ban hành văn bản tuân thủ đúng quy trình, thủ tục, đảm bảo thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của địa phương.
* Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN CHƠN (Thực hiện)