Tự tin, vươn lên làm chủ từ sinh kế phù hợp
Bên cạnh sự trợ lực từ các cấp, ngành và hội, đoàn thể, bằng sự nỗ lực, chăm chỉ, không khuất phục nghịch cảnh, nhiều phụ nữ đã thoát nghèo thành công, mang lại cuộc sống tốt hơn cho gia đình. Thành công của những phụ nữ dưới đây sẽ kể cho chúng ta nghe phần nào đó hành trình vượt lên của họ.
Cố gắng cải thiện kinh tế gia đình
Vốn dĩ cuộc sống đã khó khăn, năm 2023, chị Đỗ Thị Mai (SN 1972, hộ cận nghèo ở xã Nhơn Khánh, TX An Nhơn) còn trải qua nỗi đau mất chồng do căn bệnh hiểm nghèo. Từ đó, chị một mình bươn chải cố gắng cải thiện kinh tế gia đình, nuôi con ăn học.
Chị Đỗ Thị Mai chăm sóc các phôi nấm. Ảnh: Hội LHPN xã Nhơn Khánh
Theo chị Mai, Hội LHPN xã tạo điều kiện cho chị vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH An Nhơn và giới thiệu chị tham gia lớp học nghề chăn nuôi. Từ đó chị mạnh dạn chăn nuôi heo, gà và trồng nấm.
Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi ngày càng cao khiến lợi nhuận không còn được bao nhiêu. Để giảm chi phí, chị chủ động liên hệ nhiều hàng quán tại địa phương và phường Bình Định (TX An Nhơn) để xin thức ăn thừa. Như vậy, cứ 2 lần/ngày chị luân phiên đi lấy thức ăn thừa ở 25 hàng quán để nuôi 5 heo sinh sản và 10 heo lấy thịt. Lợi nhuận thu được mỗi năm khoảng 70 triệu đồng.
Ngoài ra, nhờ sự hỗ trợ của Hội LHPN xã và ý thức tự tìm tòi, chị Mai đầu tư trồng 200 phôi nấm bào ngư, mỗi tháng thu hoạch 2 lần, mỗi tháng mang lại cho chị thêm khoản lãi 3 triệu đồng. Nhờ sự chăm chỉ, nuôi dạy các con nên người, ngoài đưa gia đình thoát cận nghèo vào năm 2024, chị Mai còn giúp gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa tiêu biểu.
Cũng là chỗ dựa của cả gia đình, chị Trần Thị Hà (SN 1984, phường Đập Đá, TX An Nhơn) chạy đôn đáo làm đủ mọi việc để chăm lo cho chồng bị đau ốm thường xuyên và 3 con đang trong độ tuổi ăn học. Là hộ nghèo của địa phương, chị được tạo điều kiện vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH An Nhơn để mua máy xay bột và một số dụng cụ để xây lò tráng bánh.
Ngoài nghề bánh tráng, chị còn tận dụng nước bột để nuôi heo, mướn ruộng trồng lúa để lấy gạo tráng bánh, giảm bớt việc phụ thuộc gạo nguyên liệu. Nhờ siêng năng, chăm chỉ, đến nay gia đình chị Hà đã thoát nghèo, các con học hành giỏi giang.
“Thời gian đầu, phải thử nhiều lần mới có thể làm được chiếc bánh đều tay, việc tìm kiếm khách hàng cũng là một trong những điều khó khăn nhất. Ban đầu, tôi đến các chợ, liên hệ các hàng quán để chào mời, giới thiệu, lâu dần nhiều người đã mở lòng chấp nhận. Ngoài ra, tôi còn tráng bánh thuê cho một số hộ dân xung quanh để kiếm thêm thu nhập”, chị Hà chia sẻ.
Vượt qua nghịch cảnh
Mẹ mất sớm, bố sa vào rượu chè, chị Trần Thị Oanh (SN 1993, ở phường Hoài Thanh Tây, TX Hoài Nhơn) đã sớm thấm thía thế nào là sự chật vật, túng bấn của cảnh nghèo. Sau khi kết hôn, dù vợ chồng đồng lòng vươn lên nhưng cuộc sống của gia đình chị cũng không khá hơn khi vừa chăm 2 em vừa nuôi dạy con nhỏ.
Chị Trần Thị Oanh (thứ hai từ trái sang) được Hội LHPN phường Hoài Thanh Tây (TX Hoài Nhơn) hỗ trợ sinh kế. Ảnh: Hội LHPN TX Hoài Nhơn
Sau khi tham gia lớp học nghề may do Hội LHPN phường tổ chức, chị làm việc cho một số cơ sở may mặc trên địa bàn. Nhờ đó, không những chị đã giải quyết xong nợ nần mà còn nâng cao tay nghề. Tiếp đó, qua định hướng, hỗ trợ về vốn và sinh kế của Hội LHPN phường, chị mạnh dạn mở tổ may gia công với 4 công nhân.
Theo chị Oanh, công việc này không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, chi tiết để tạo ra sản phẩm chất lượng, đạt yêu cầu của khách hàng. Đặc biệt, có thể vừa làm vừa chăm sóc gia đình nên nghề này rất phù hợp với đa số phụ nữ tại nông thôn.
“Từ khi thành lập tổ may đến nay, đã có nhiều thành viên trong tổ thoát nghèo, thu nhập ổn định từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Tôi mong muốn tổ may sẽ ngày càng phát triển để tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho các chị em trong khu phố”, chị Oanh bày tỏ.
Dù gia cảnh khó khăn và bị tật gù lưng ảnh hưởng đến vận động từ bé, chị Võ Thị Diễm (SN 1982, ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) vẫn một lòng tin rằng cuộc sống tốt đẹp đang ở phía trước. Kết hôn với người chồng khiếm thị và mất một tay trái, chị Diễm càng khao khát tìm được hướng đi phù hợp để cải thiện cuộc sống gia đình.
Chị Võ Thị Diễm tại cơ sở đan nhựa giả mây. Ảnh: T.K
Theo chị Diễm, dù đã thử nhiều nghề nhưng do hạn chế về sức khỏe nên chị đều cảm thấy rất khó khăn. Năm 2023, được địa phương và hội, đoàn thể hỗ trợ, chị thành lập cơ sở đan nhựa giả mây. Thời gian đầu, chị nhận 300 khung mẫu/ngày để gia công với thu nhập 6 - 7 triệu đồng/tháng. Sau đó, chị đầu tư thêm trang thiết bị, liên hệ với nhiều công ty để nhận hàng trực tiếp. Từ đó, ngoài mang lại thu nhập ổn định cho gia đình, cơ sở còn giải quyết việc làm cho khoảng 20 lao động nhàn rỗi tại địa phương.
“Nghề đan nhựa giả mây không cần đi lại, di chuyển nhiều nên không chỉ phù hợp với sức khỏe của tôi mà còn của nhiều người tại địa phương. Dù hiện tại vẫn còn nhiều khó khăn nhưng tôi sẽ cố gắng để cơ sở ngày càng phát triển”, chị Diễm tâm sự.
THẢO KHUY