Khoảng trống phía sau các tay vợt
Rạng sáng 20.3, VĐV Nguyễn Thùy Linh nhận thất bại trước đối thủ người Trung Quốc Dai Wang tại vòng 1 Giải Thụy Sỹ mở rộng (Swiss Open) 2025. Như vậy, đại diện duy nhất của cầu lông Việt Nam (đang xếp hạng 27 thế giới) đã sớm nói lời chia tay giải đấu này, dù cô có thứ hạng trên đối thủ đến 44 bậc. Thất bại của Thùy Linh được cho là ở yếu tố thể lực, khi cô tỏ ra đuối sức ở hiệp thứ 3, dù đã giành chiến thắng ở hiệp đầu tiên.
Trong khi đó, hai tay vợt nam hàng đầu của Việt Nam là Nguyễn Hải Đăng và Lê Đức Phát cũng đang có mặt tại Ba Lan để tham dự Giải cầu lông Ba Lan mở rộng 2025. Dù cùng nằm trong danh sách 100 tay vợt hàng đầu thế giới, nhưng với trình độ hiện nay, việc kỳ vọng Hải Đăng và Đức Phát sẽ giành được thành tích cao ở những giải đấu tầm thế giới như những gì mà đàn anh Nguyễn Tiến Minh từng làm được (4 lần tham dự Olympic) là rất khó. Chỉ tính riêng khu vực châu Á, các tay vợt Việt Nam hiện nay đã rất khó cạnh tranh với VĐV của những quốc gia có phong trào cầu lông mạnh như Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản…
Trên thực tế, phong trào cầu lông của Việt Nam phát triển khá mạnh trong nhiều năm qua, nhưng số lượng VĐV đủ sức góp mặt ở các giải thế giới chỉ lẻ tẻ vài ba người. Việc thiếu điều kiện cọ xát với những tay vợt xuất sắc là rào cản lớn trong việc nâng cao trình độ chuyên môn của các VĐV trong nước. Trong vài năm gần đây, Nguyễn Thùy Linh tham gia khá nhiều giải đấu tổ chức ở nước ngoài, nhưng cô gần như đơn độc trong các hành trình đó. Nếu không có chiến lược đầu tư cho các VĐV trẻ cùng sự hỗ trợ tốt hơn cho những tay vợt có chuyên môn tốt tham gia cọ xát thường xuyên, cầu lông Việt Nam còn rất lâu mới có được những tấm huy chương thế giới như những gì người Indonesia từng giành được.
HOÀNG QUÂN