Cạnh tranh cung cấp năng lượng hạt nhân ở Đông Nam Á
Trong bối cảnh chính phủ các nước ở Đông Nam Á tìm cách đảm bảo nguồn cung năng lượng cho tương lai, hợp tác hạt nhân đang nổi lên với tư cách là vấn đề cạnh tranh mang tính chiến lược.
Với dự báo nhu cầu năng lượng sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2050, Đông Nam Á đang trở thành điểm nóng trong cuộc đua năng lượng toàn cầu nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng. Trong bối cảnh đó, năng lượng hạt nhân, nguồn điện vừa được kỳ vọng vừa gây ra tranh cãi, nhanh chóng trở thành mặt trận chính để các nhà cung cấp ganh đua định hình viễn cảnh năng lượng của khu vực này.
Nhà máy điện hạt nhân Bataan ở Philippines không hoạt động kể từ khi kế hoạch vận hành bị tạm dừng vào năm 1986. Ảnh: Reuters
Tháng 1.2025, Indonesia công bố kế hoạch xây dựng 20 nhà máy điện hạt nhân mới, trong đó dự án đầu tiên có thể vận hành vào năm 2036. Nếu thành công, nước này sẽ là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á có nhà máy điện hạt nhân hoạt động. Indonesia dự định sử dụng công nghệ lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR), vốn được đánh giá là mới, an toàn, chi phí rẻ và xây dựng nhanh. Tuy nhiên, kế hoạch này của Indonesia cũng gây lo ngại vì nguy cơ động đất và núi lửa phun trào. Dù vậy, Jakarta vẫn hợp tác với công ty ThorCon (Mỹ) để phát triển ít nhất 20 lò phản ứng.
Ngoài ra, công ty điện lực Indonesia PT PLN cũng bắt tay với các công ty khác của Mỹ và Nhật Bản để nghiên cứu xây dựng SMR ở các khu vực hẻo lánh, trong khi Hàn Quốc, Pháp, Trung Quốc và Nga cũng bày tỏ sự quan tâm với lĩnh vực hạt nhân của Indonesia. Tháng 8.2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Indonesia Prabowo đã thảo luận về hợp tác hạt nhân. Tập đoàn Rosatom (Nga) và BATAN (Indonesia) cũng ký kết thỏa thuận hợp tác về xây dựng các nhà máy điện hạt nhân nổi, nhưng chưa công bố kế hoạch cụ thể. Tuy nhiên, sự tham gia của Nga trong lĩnh vực năng lượng ở Đông Nam Á ít nhiều bị hạn chế bởi cuộc chiến ở Ukraine.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn đang tham gia tích cực vào thị trường này với các kế hoạch điện hạt nhân đầy tham vọng, nhất là thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc có kế hoạch xây 30 lò phản ứng hạt nhân với các nước tham gia BRI. Tuy nhiên, tham vọng hạt nhân của Bắc Kinh gây ra nhiều lo ngại về tính an toàn do nhiều nước thành viên BRI thiếu hụt hạ tầng kỹ thuật, chuyên gia bản địa và khung quy chế để đảm bảo các lò phản ứng vận hành an toàn. Các nước này phải phụ thuộc vào Trung Quốc về mặt công nghệ và, do đó, có thể dẫn đến viễn cảnh Bắc Kinh dùng các thỏa thuận năng lượng để gây sức ép về kinh tế và chính trị.
Mỹ và Hàn Quốc cũng có những lợi thế cạnh tranh khác để có thể hợp tác hiệu quả và trở thành lựa chọn cho giải pháp năng lượng hạt nhân ở Đông Nam Á. Năm ngoái, Mỹ ký 2 thỏa thuận năng lượng hạt nhân với Singapore nhằm tăng cường hợp tác sâu hơn cả về vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân và dự án hạt nhân dân sự. Các thỏa thuận này cho phép việc chuyển giao nguyên liệu, thiết bị, linh kiện hạt nhân, cũng như thông tin về nghiên cứu nguyên tử và sản xuất năng lượng hạt nhân.
Ngoài ra, Mỹ cũng có nhiều thỏa thuận với Philippines, Indonesia và Việt Nam.
Tương tự, Hàn Quốc là một trong những quốc gia sản xuất năng lượng hạt nhân hàng đầu thế giới. Trong 2 năm qua, hoạt động xuất khẩu cơ sở hạ tầng và công nghệ hạt nhân của nước này tương đương 21,9 tỷ USD. Hàn Quốc cũng thiết lập thỏa thuận nghiên cứu kinh tế và công nghệ hạt nhân với Philippines. Ngày 7.1, Hàn Quốc và Mỹ ký biên bản ghi nhớ về hợp tác lâu dài nhằm dọn đường cho việc hợp tác năng lượng hạt nhân dân sự tại các quốc gia thứ ba.
Các quốc gia Đông Nam Á hiện phải đưa ra những quyết định quan trọng và những lựa chọn này sẽ định hình tương lai năng lượng, kinh tế và chính trị của khu vực trong những thập kỷ tới. Năng lượng hạt nhân không chỉ là sản xuất điện mà còn liên quan đến tầm ảnh hưởng, chiến lược toàn cầu.
LÊ QUẢNG (Theo The Diplomat)