CUỘC THI VIẾT “KHÁT VỌNG NGƯỜI BÌNH ÐỊNH : ÐỘT PHÁ - VƯƠN TẦM”
Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn phát triển rừng gỗ lớn: Vượt qua thách thức, vươn tới thành công
Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn là một trong những đơn vị tiên phong trong quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng, đồng thời đảm nhiệm nhiệm vụ quan trọng là phục hồi và phát triển rừng theo hướng bền vững. Ðiểm nổi bật trong phát triển rừng của công ty là mô hình trồng rừng gỗ lớn, giúp phục hồi nguồn tài nguyên rừng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế lâm nghiệp, là giải pháp hữu hiệu cho vấn đề thiếu hụt nguồn gỗ từ rừng tự nhiên, góp phần giảm biến đổi khí hậu.
Khi nguồn thu nhập chính từ khai thác gỗ tự nhiên bị cắt đứt hoàn toàn, các công ty lâm nghiệp - trong đó có Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn - buộc phải tìm ra hướng đi mới để duy trì và phát triển; quyết định trồng rừng gỗ lớn tuy có nhiều thách thức, nhưng nếu thành công sẽ giúp đơn vị phát triển bền vững.
Trồng rừng gỗ lớn - giải pháp bền vững
Ông Nguyễn Ngọc Đạo, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, chia sẻ: “Chúng tôi đã sớm nhận thấy rằng việc trồng rừng gỗ nhỏ không thể giải quyết được các vấn đề cơ bản mà ngành lâm nghiệp đang đối mặt. Để tạo ra giá trị bền vững, chúng tôi cần hướng tới việc phát triển rừng gỗ lớn, có thể đáp ứng nhu cầu gỗ chất lượng cao cho ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường”.
Ông Nguyễn Ngọc Đạo (ngoài cùng bên trái) và nhân viên kiểm tra rừng gỗ lớn tại xã Đak Mang, huyện Hoài Ân. Ảnh: XUÂN DŨNG
Với nhận thức đó, từ năm 2010 công ty quyết định chuyển hướng mạnh mẽ sang mô hình trồng rừng gỗ lớn với mục tiêu không đơn thuần là cung cấp gỗ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến mà còn góp phần bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng. Đây là một bước đi táo bạo, đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ trong chiến lược phát triển rừng của công ty. Sau đó công ty triển khai trồng 30 ha rừng gỗ lớn tại xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn.
Một trong những yếu tố quan trọng giúp mô hình trồng rừng gỗ lớn thành công là việc tích cực áp dụng KHKT vào quá trình trồng, chăm sóc và khai thác rừng. Liên tục trong các năm 2014, 2015, 2016 công ty trồng thêm 600 ha rừng gỗ lớn tại xã Đak Mang, huyện Hoài Ân; đến năm 2023, công ty đã bắt đầu khai thác một phần diện tích này. Năm 2024, công ty khai thác 80 ha rừng gỗ lớn tại đây, năng suất đạt 250 m3/ha, hiệu quả mang lại tốt hơn nhiều so với trồng rừng gỗ nhỏ. Đến cuối năm 2024, công ty đã hình thành và phát triển một vùng kinh doanh gỗ lớn với quy mô ổn định lên đến 750 ha. Trong đó, 576 ha là diện tích trồng mới và 174 ha là diện tích chuyển hóa từ rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, tập trung tại các xã Đak Mang, Bók Tới (huyện Hoài Ân), Bình Tân, Bình Thuận (huyện Tây Sơn). Toàn bộ diện tích rừng trồng gỗ lớn của công ty đều đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững theo Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS) theo Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 1.10.2018 của Thủ tướng Chính phủ. VFCS là thương hiệu của Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (VFCO) được Tổ chức chứng nhận chứng chỉ rừng quốc tế PEFC công nhận vào tháng 10.2020.
Thành quả đáng tự hào
Việc đạt được chứng chỉ VFCS/PEEC là một cột mốc quan trọng trong chiến lược phát triển rừng gỗ lớn của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, khẳng định cam kết bền vững của công ty đối với việc quản lý rừng có trách nhiệm và bảo vệ môi trường. Chứng chỉ này là minh chứng cho nỗ lực của công ty trong việc bảo vệ rừng bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm gỗ. Bước tiếp theo trong chiến lược của công ty là mở rộng diện tích rừng đạt chứng chỉ VFCS.
Sản phẩm thu hoạch từ rừng gỗ lớn của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn. Ảnh: XUÂN DŨNG
Tháng 4.2024, thêm 1.284,7 ha rừng trồng của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn được Công ty TNHH Bureau Veritas Certification Việt Nam đánh giá và cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn VFCS/PEFC ST 1003:2019. Đây là thành quả của quá trình công ty xây dựng và triển khai mô hình sản xuất kinh doanh lâm nghiệp với hệ thống quản lý rừng bền vững, tuân thủ đầy đủ 7 nguyên tắc và tiêu chuẩn VFCS.
Chứng chỉ VFCS không chỉ giúp công ty tiếp cận các thị trường xuất khẩu quốc tế mà còn tăng cường uy tín và trách nhiệm của công ty trong ngành lâm nghiệp. Việc có chứng chỉ này cũng mở ra cơ hội hợp tác với nhiều đối tác quốc tế yêu cầu các tiêu chuẩn về quản lý rừng nghiêm ngặt và bảo vệ môi trường.
Theo ông Nguyễn Ngọc Đạo, công ty sẽ không dừng lại ở việc đạt chứng chỉ cho một phần diện tích mà tiếp tục mở rộng và áp dụng quy trình VFSC cho toàn bộ diện tích rừng của mình trong tương lai. Đây là một phần trong chiến lược dài hạn của công ty nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ tài nguyên rừng.
Việc áp dụng chứng chỉ VFCS vào quy trình sản xuất và khai thác rừng giúp công ty nâng cao chất lượng sản phẩm gỗ, mở rộng thị trường xuất khẩu, và khẳng định vị thế của mình trong ngành lâm nghiệp. Chứng chỉ này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn tạo ra giá trị bền vững, bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng, đồng thời giúp công ty tiếp tục mở rộng thị trường quốc tế. Bên cạnh trồng rừng gỗ lớn để cung cấp gỗ, công ty hướng tới cung cấp tín chỉ CO2.
Tầm nhìn và chiến lược dài hạn
Nhìn lại hành trình phát triển rừng gỗ lớn của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, ông Đạo cho biết, một trong những yếu tố quan trọng nhất đưa công ty vượt qua khó khăn là tầm nhìn chiến lược dài hạn. “Chúng tôi không chỉ nghĩ về lợi ích ngắn hạn mà luôn có chiến lược phát triển lâu dài, phải luôn chuẩn bị cho tương lai. Để phát triển bền vững, công ty không thể chỉ tập trung vào việc khai thác gỗ mà phải chú trọng vào việc duy trì chất lượng đất trồng, bảo vệ môi trường sinh thái và đảm bảo cuộc sống của người dân quanh khu vực trồng rừng”.
Hướng dẫn tỉa cành đúng kỹ thuật bằng cưa sào để tạo dáng cây thẳng, có được gỗ lớn, chất lượng cao. Ảnh: DNCC
Để duy trì sự phát triển bền vững, công ty luôn đổi mới và sáng tạo, không ngừng nghiên cứu và áp dụng các công nghệ mới vào quy trình sản xuất, áp dụng nhiều công nghệ mới như cơ giới hóa trong trồng và khai thác rừng, từ máy khoan hố đến máy múc đất, giúp nâng cao hiệu quả công việc và giảm thiểu chi phí. Đây là một trong những yếu tố giúp đơn vị duy trì tính cạnh tranh và tạo ra sản phẩm gỗ chất lượng cao.
Với những thành công đạt được, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trong ngành lâm nghiệp, đặc biệt là trong việc phát triển rừng gỗ lớn. Ông Đạo cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn lên 1.800 ha vào năm 2030, đẩy mạnh cơ giới hóa và áp dụng các công nghệ mới giảm phát thải trong trồng rừng và khai thác. Mục tiêu của chúng tôi không chỉ là phát triển trồng rừng gỗ lớn, quản lý bền vững rừng trồng của công ty mà còn tạo ra các mô hình để hỗ trợ các hộ dân trồng rừng về kỹ thuật, để người dân trồng rừng gỗ lớn, tạo liên kết quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng”.
Nhờ vào những quyết định đúng đắn, chiến lược phát triển bài bản và sự kiên trì trong suốt quá trình thực hiện, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn không chỉ giúp tạo ra một nguồn nguyên liệu gỗ chất lượng cao, mà còn góp phần vào việc bảo vệ môi trường, cải thiện sinh kế cho người dân và đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành lâm nghiệp Việt Nam.
Câu chuyện của ông Nguyễn Ngọc Đạo và công ty của mình là một minh chứng sống động cho việc phát triển lâm nghiệp bền vững, gắn liền với sự đổi mới, sáng tạo và trách nhiệm xã hội.
XUÂN DŨNG