Mùa bình yên
Truyện ngắn của SƠN TRẦN
Trời vừa ngả bóng. Ánh nắng từ rặng dương nghiêng chếch xuống bãi cát, rơi dài mặt nước. Biển chiều xôn xao. Từng cơn gió nhẹ thổi qua vai mang theo dư vị của đại dương, mát rượi. San dừng lại ở đoạn bờ kè bị sạt lở vì trận triều cường vừa qua. Mắt anh thoáng buồn.
Biển mùa này dịu êm. Thuyền cập bến lần nào cũng đầy ắp cá, giá cả lại đang cao, ngư dân phấn khởi lắm. Mỗi sáng sớm, cô Tâm, mẹ của San xuống bến lấy cá, ít thôi, mang lên chợ xã bán, cũng là cách má giao lưu, gặp gỡ bà con. Cô bảo vậy. Nhưng thấy mẹ lớn tuổi, đã chịu vất vả nuôi mình khôn lớn, nhiều lần San khuyên mẹ nghỉ ngơi nhưng đều nhận lấy câu nói vừa trìu mến vừa thúc giục “con cưới vợ đi mẹ ở nhà bồng cháu”. Nói vậy thôi, chứ cô Tâm hiểu tính con trai mình và thương anh hết lòng. Cô còn biết San ấp ủ dự định trở lại nghề biển. Nhiều đêm, cô trằn trọc rồi âm thầm trở dậy, đứng trước bàn thờ hồi lâu.
***
Căn nhà nhỏ nằm cuối xóm, hướng mặt ra biển. Hôm nay, hai mẹ con ăn cơm sớm hơn thường lệ. San hỏi thăm mẹ về buổi chợ, về mùa cá cơm trúng đậm rồi nhẹ nhàng đặt chén cơm xuống mâm. Anh đưa mắt lên bàn thờ, giọng chậm rãi:
- Con phải trở lại nghề của ba, mẹ à!
Nghe San nói, cô Tâm khẽ giật mình, nhìn con trai. San quay lại, hơi nhíu mày trước thái độ nửa như ngạc nhiên nửa như lo lắng của mẹ.
- Biển giã bây giờ nhiều bất trắc lắm...
Hiểu được nỗi niềm của người đàn bà từng trải qua nhiều biến cố trong cuộc đời, San nghiêng người ôm lấy vai mẹ an ủi rồi đứng dậy đến bên bàn thờ. Cạnh di ảnh ba, chính giữa còn có di ảnh ông bà ngoại, di ảnh cậu Hai ở bên trái. Mẹ đã mang theo thờ khi theo ba về làng biển. Tháng Ba hàng năm, nhằm ngày tưởng niệm vụ thảm sát kinh hoàng vào năm 1968, mẹ đều bày một mâm lễ gồm nhang đèn và hoa quả. Bao giờ cũng thế, San nghe nhói trong tim khi nhớ lại những điều mẹ kể.
Ngày cả làng chịu cảnh tang thương, mẹ mới 5 tuổi. Ký ức non nớt còn sót lại trong trí nhớ mẹ là tiếng súng, tiếng la hét, ngọn lửa cháy bùng từ chái bếp. Lúc ấy ông bà ngoại chuẩn bị ra đồng, cậu Hai đi học. Khắp làng hỗn loạn. Mẹ chạy như bản năng và bị lạc. Mấy ngày sau được bà con đón về.
Thương mẹ chịu nhiều thiệt thòi, San dồn hết tình cảm quan tâm và lo lắng. Thế nên, tuy đã lớn tuổi, nhưng ít khi San xa nhà. Sau khi học xong trung cấp điện, anh về quê làm việc, tham gia dân quân xã, sớm hôm quây quần bên me.
Tranh của họa sĩ TRƯƠNG ĐÌNH DUNG
San đưa mẹ vào thăm khu chứng tích. Một không gian yên bình nằm giữa miền quê đang từng ngày phát triển, đổi thay. Những đồng lúa xanh, những rặng cây xanh và thoảng đâu đó là hương của các loài hoa và tiếng chim lảnh lót vang lên trong buổi chiều phai nắng. Chị hướng dẫn viên trong bộ áo dài truyền thống nền nã, dịu dàng, thuyết minh về những gì đã từng xảy ra tại địa điểm này cách nay gần 60 năm. Vẫn những điều San từng nghe nhưng lần nào cũng khiến anh xúc động, nghẹn ngào. Làm sao San và nhất là mẹ anh nguôi ngoai được khi nhìn lại những hình ảnh thương tâm về cuộc thảm sát kinh hoàng và ghê rợn nhất trong lịch sử còn lưu lại. Trong số 504 con người vô tội còn là những người thân yêu, ruột thịt của mẹ, của San. San thấy mẹ lặng người trước bức ảnh cô bé hoảng hốt chạy giữa khói đạn mịt mờ.
Ôm vai mẹ thật chặt, San cảm giác toàn thân mẹ đổ hẳn vào người mình và khóc. Nhiều du khách dừng lại, thăm hỏi, động viên. Khi biết cô Tâm là một nạn nhân và là một nhân chứng, ai nấy đều ngạc nhiên xúc động. San đưa mẹ ra về, tiếng chị hướng dẫn viên trầm lắng, dịu dàng đang dẫn du khách đi theo những thông điệp với nhiều cảm xúc đan xen.
San ngồi trên bậc đá trước nhà. Gió biển thổi nhẹ. Anh nhìn theo những cánh hải âu chao liệng trên bầu trời. Khung cảnh bắt đầu nhộn nhịp, hối hả khi thuyền chuẩn bị rời bến. Theo bờ kè, anh đi về phía ấy. Mùi của cá khô phơi dọc hai bên được thoảng nhẹ vào mũi, quen thuộc.
San thấy lòng bình yên lạ thường. Sáng sớm mai, những khoang thuyền long lanh mắt cá lần lượt vào bờ. Các cô, các chị xúm lại chọn mua những con cá ngon nhất, tươi nhất. Mẹ cũng hối hả chọn lấy một thúng, có thể nhiều loại cá. Lần nào cũng thế, mẹ để lại một con, khi thì kho mặn, khi thì nấu canh chua...
Dường như có điều gì đó khiến San bồn chồn thì phải. Anh nhìn ra khơi xa. Biển ngoài kia ru mãi khúc hát tự ngàn năm, trầm buồn và đầy huyền bí. Những ngọn đèn treo trên nóc thuyền neo ngoài vịnh chao theo nhịp sóng, ánh sáng chập chờn trên mặt nước...
Ký ức là một thứ gì đấy vô cùng đặc biệt, bám dính vào tâm tư con người, có thể được đánh thức và tái hiện ở bất cứ thời điểm và trạng thái nào đấy. Vậy mà đã gần mười lăm năm rồi. Mùa biển động. Năm ấy, San hơn mười tuổi. Những cơn giông biển buốt lạnh làng chài. Nhà nào cũng đóng chặt cửa, trẻ con, ông bà già không dám ra khỏi nhà. Con đường dẫn ra bến cá đầy cát. Gió ràn rạt thổi, cát dồn ụ, khuất lấp những vạt cỏ úa ven đường. Những người phụ nữ nhộn nhạo, đổ ra biển. Tiếng bước chân rầm rập. Tiếng gọi thất thanh. Họ ra biển ngóng thuyền cá của chồng, người thân mình về.
Những chiếc thuyền đánh cá nối nhau cập bến, đưa sâu vào vịnh, chằng níu cẩn thận. Tiếng khóc vỡ òa khi người thân của mình về bến an toàn của những người phụ nữ. Họ nán lại hỏi thăm vài câu rồi lần lượt dắt nhau vào xóm.
Thuyền của ba vẫn chưa thấy đâu. Gió mỗi lúc mạnh dần lên thành bão. Sóng bạc đầu cuồng nộ, phá phách bãi bờ. Mẹ nhìn trân vào những cặp mắt thuyền, hốt hoảng. Cứ thế, mẹ lê bước dọc bờ biển, gào tên ba. Mệt quá, mẹ đã ngã quỵ. Chỉ đến khi mở mắt trong phòng y tế xã, đầu hãy còn váng vất đau, mẹ ngơ ngác nhìn xung quanh. Còn San chỉ nghe loáng thoáng rằng cô ấy tỉnh rồi, cũng may, không thì thằng bé lại côi cút...
Mấy ngày sau, mẹ như kẻ mất hồn, cứ đi lang thang. Sau buổi học, San lại chạy đi tìm, dắt về. Nhìn đứa con nhỏ dại mà đã mất cha, mẹ lại nửa mê nửa tỉnh như thế, dân làng xót xa lắm. Họ thay nhau động viên, chăm sóc.
Tranh của họa sĩ VŨ TRỌNG ANH
Mùa tiếp mùa. Năm nối năm. Biển xô bờ, khoét hàm ếch, đẩy xóm chài lùi vào bên trong. Trước nhà là một hõm sâu, trơ ra gành đá lởm chởm. Cô Tâm hay ngồi trên bờ đá, sau buổi chợ chiều nhìn đăm đắm ra biển như đợi thuyền về. Nỗi đau của những người đàn bà ở xóm chài khó phai, bởi thỉnh thoảng, nhất là vào mùa giông, họ lại nhận tin dữ từ một chiếc thuyền nào đấy. Cũng như cô, những người đàn bà có chồng đi biển ở xóm chài này đều sợ mùa biển động. Giấc ngủ khó yên, cơn mơ chập chờn, nhiều trăn trở. Có người chịu không được cái quá khứ buồn đau ấy, đành bỏ xứ ra đi.
Xong cấp ba, San nằng nặc đòi nghỉ ở nhà xuống ghe đi biển. Cô Tâm lặng lẽ thắp hương lên bàn thờ, rồi lầm rầm khấn vái. Đoạn, cô cầm tay con, nói trong nước mắt:
- Không thể được con ơi, má không thể...
San ôm lấy mẹ. Lần đầu tiên trong đời, một thằng con trai vùng biển cao lớn, vạm vỡ khóc. Cô Tâm vuốt tóc con, an ủi. Ngày San khoác túi vào trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ nhập học là chuỗi ngày buồn nhất bủa vây cô Tâm trong căn nhà nhỏ nằm ở cuối xóm này...
Cô Tâm không sao chợp mắt được. Cô trằn trọc, nghĩ suy trước quyết định của San. Con trai lại muốn lênh đênh trên biển sau khi học ra trường, đi làm mấy năm, công việc đã dần ổn định. Tấm bằng tốt nghiệp đặt trang trọng bên di ảnh ba. Hỏi con vì sao lại lựa chọn như thế, nó chỉ cúi mặt mà không nói gì cả. Thương con mồ côi cha sớm, thua thiệt so với bạn bè cùng trang lứa, cô đã cố gắng bù đắp. San là đứa con biết nghĩ, hiếu thảo. Thương mẹ vất vả, ngược xuôi chạy chợ nuôi con nên tỏ ra chăm chỉ, ngoan ngoãn, một buổi đến lớp, về nhà là lo phụ mẹ việc vặt. Cả xóm chài ai cũng khen. Cô Tâm tự hào về con lắm.
Cô Tâm còn nhớ con từng dò ý mẹ là muốn có người bầu bạn sớm hôm không? Cô bất ngờ, xúc động, không giấu được niềm hạnh phúc khi có đứa con biết yêu thương, chia sẻ cùng mẹ như thế. Cô pha trò đôi câu gì đấy. Nghĩ rằng San sẽ quên đi nhưng một hôm nó đưa về nhà một người đàn ông lạ, người này cô cũng từng thấy mấy lần trên bãi. Ông là thợ mộc, chuyên đóng thuyền. Hai bác cháu đã có nhiều thời gian tiếp xúc với nhau.
Thực tình, đôi lúc cô Tâm cũng muốn có một người đàn ông để nương tựa, nhờ đỡ mỗi khi trái gió trở trời. Nếu con trai đi làm xa thì ngôi nhà vẫn còn hơi ấm của sự yêu thương, chia sẻ. Cô đắn đo trước sự thúc giục của con. Người đàn ông tuần vài lần lại ghé, có hôm ăn cùng hai mẹ con bữa cơm. San quý mến người đàn ông có thể thay ba nó đem lại hạnh phúc cho mẹ. Hai bác cháu cùng nhau đóng lại cái chân bàn long đinh, dọi lại mái tôn bị thủng, khuân đá lát lối ra đằng sau bếp hay chèn xung quanh nền nhà... Cô Tâm thấy vui lắm. Nhìn lên di ảnh chồng, cảm giác sự độ lượng toát ra từ ánh mắt người đàn ông phận mỏng khiến cô phần nào yên tâm.
San chuẩn bị đi biển, chuyến đầu tiên. Cô Tâm sắm một mâm lễ ra lăng ông Nam Hải bày biện nghiêm trang, quỳ xuống khấn cầu. Người thợ mộc xuất hiện bất ngờ cũng đôn đáo sửa chữa, sơn quét chiếc thuyền cũ đã lâu không dùng. Một thoáng buồn lướt qua gương mặt cô Tâm khi trông thấy con trai đứng trước bàn thờ và khóc. Hôm qua, hai mẹ con cũng vào chứng tích, thắp hương ở đài tưởng niệm. San nói thật nhiều để mẹ yên tâm. Bây giờ, San lặng yên bên bàn thờ. Có lẽ San đang nói với ba, với ông bà ngoại, cậu Hai về hành trình sắp tới. San sẽ nối nghiệp gia đình bên nội, gắn bó với biển.
Thuyền hạ thủy êm ả. Người xóm chài đến chúc mừng San và bạn thuyền đông lắm. Bạn thuyền bắt tay San động viên. Cô Tâm và người đàn ông thợ mộc ra tận bến tiễn con.
Mùa bình yên, biển cất lời trùng khơi tha thiết!