Không phải bệnh nào cũng lên thẳng bệnh viện cấp chuyên sâu
Trong năm 2025, ngành Y tế triển khai thực hiện nhiều quy định mới về chuyển tuyến trong khám chữa bệnh BHYT. Tuy nhiên, người bệnh cần hiểu rõ về quy định mới trong chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT để đảm bảo quyền lợi.
Bối rối với quy định chuyển tuyến mới
Mắc bệnh đái tháo đường, hai năm trước, ông H.T.K (60 tuổi, ở xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) đến khám và xin giấy chuyển tuyến từ một cơ sở y tế trên địa bàn huyện (nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu) và lên thẳng BVĐK tỉnh khám bệnh, sử dụng trong 1 năm. Nhưng đến đầu tháng 3.2025, ông K. không được khám bệnh theo diện được hưởng BHYT như trước mà phải quay trở lại TTYT huyện để xin thêm giấy chuyển tuyến mới đúng trình tự theo quy định mới.
Tương tự, cũng mất thời gian và mất công quay trở về TTYT huyện xin giấy chuyển tuyến khi đi khám chữa bệnh về ung thư tại BVĐK tỉnh, bà T.K.A (67 tuổi, ở xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ) cho biết khá bất ngờ vì cứ nghĩ rằng quy định mới thì được phép lên thẳng mà không cần giấy chuyển tuyến.
Bác sĩ CKII Trần Thượng Dũng, Trưởng khoa Khám bệnh - Cấp cứu (BVĐK tỉnh), cho hay, từ năm 2025, BVĐK tỉnh được xếp vào cấp khám, chữa bệnh chuyên sâu. Do đó, bệnh nhân không thể làm giấy chuyển tuyến thẳng từ cấp ban đầu lên ngay như trước đây. Sự thay đổi này khiến nhiều bệnh nhân bất ngờ, nhân viên của khoa cũng phải thêm việc liên tục hỗ trợ, giải thích cho bệnh nhân làm lại thủ tục theo quy định mới.
Không chỉ dừng lại ở giấy chuyển tuyến, ngay cả giấy hẹn tái khám của bệnh nhân mới xuất viện cũng đang khiến cả người bệnh lẫn đơn vị điều trị gặp khó khăn nhất định. Theo quy định mới, người bệnh có trách nhiệm đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đúng thời gian ghi trên phiếu hẹn khám lại. Trường hợp người bệnh không thể đến đúng thời gian hẹn thì cần liên hệ với bác sĩ điều trị hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để đặt lịch hẹn khác phù hợp.
Nguyên nhân là các cơ sở y tế cấp cơ bản không thực hiện những kỹ thuật này. Ngoài ra, bệnh nhân mắc 37 loại bệnh như suy thận mạn, thoái hóa cột sống, viêm da cơ địa… thì giấy chuyển tuyến vẫn được sử dụng trong vòng 1 năm kể từ ngày ký, nhưng vẫn phải xin từ cấp ban đầu, cơ bản rồi lên chuyên sâu. Trong trường hợp mắc bệnh mạn tính hoặc loại bệnh vượt năng lực chuyên môn, phạm vi hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở y tế cấp cơ bản, bệnh nhân mới có thể chuyển từ cấp ban đầu lên chuyên sâu; hoặc bệnh nhân có thể đến các cơ sở y tế cấp cơ bản, cụ thể là các TTYT có giường bệnh để xin giấy chuyển cơ sở khám chữa bệnh cấp chuyên sâu mà không phải chuyển theo từng cấp.
Theo bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Bảo, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp (BVĐK tỉnh), Thông tư 01/2025/TT-BYT của Bộ Y tế về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT, quy định 62 bệnh, nhóm bệnh được chẩn đoán xác định mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao nằm trong danh mục do Bộ Y tế ban hành có thể đến thẳng trực tiếp cơ sở khám chữa bệnh cấp chuyên sâu như BVĐK tỉnh mà không cần xin giấy chuyển viện.
Liên quan vấn đề này, bác sĩ CKII Đỗ Trí Đức, Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế) thông tin, từ năm 2025, việc xếp cấp chuyên môn của các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo 3 cấp. Cơ sở khám, chữa bệnh cấp ban đầu gồm trạm y tế, phòng khám đa khoa tư nhân. Cơ sở khám, chữa bệnh cấp cơ bản gồm BVĐK khu vực Bồng Sơn, các bệnh viện chuyên khoa, TTYT tuyến huyện, bệnh viện tư nhân. Cơ sở khám, chữa bệnh cấp chuyên sâu ở tỉnh Bình Định chỉ có BVĐK tỉnh.
Từ đầu năm 2025, việc thực hiện quy định chuyển tuyến bệnh nhân khám, chữa bệnh BHYT theo Thông tư số 01/2025/TT-BYT vẫn còn vướng mắc nhất định. Bệnh nhân chưa nắm rõ quy định, trong khi cơ sở khám chữa bệnh còn nhiều cách hiểu khác nhau.
Theo Thông tư số 01/2025/TT-BYT, việc chuyển tuyến khám, chữa bệnh BHYT được thực hiện trên nguyên tắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo có yêu cầu chuyên môn cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao, không phải tất cả bệnh nhân đều được chuyển lên cơ sở y tế cấp chuyên sâu. Các trường hợp chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT cần theo trình tự. Cụ thể, chuyển người bệnh từ cơ sở khám, chữa bệnh cấp ban đầu đến cơ sở khám, chữa bệnh cấp cơ bản; sau đó từ cơ sở khám, chữa bệnh cấp cơ bản đến cơ sở khám, chữa bệnh cấp chuyên sâu theo yêu cầu chuyên môn.
Hiện Bộ Y tế cũng đang ghi nhận các vướng mắc, bất cập để có điều chỉnh phù hợp trong thời gian tới, nhằm đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người bệnh.
MAI HOÀNG