Khấm khá nhờ vốn vay giải quyết việc làm
Ngân hàng CSXH huyện Tây Sơn là đơn vị tích cực phối hợp với các ngành, các hội, đoàn thể nhận ủy thác, các tổ tiết kiệm và vay vốn khơi dòng tín dụng chính sách kịp thời đến với người dân. Nhờ đó đời sống nhiều hộ đã khá hẳn lên.
Gia đình bà Phúc có thu nhập ổn định nhờ vốn vay để mở rộng quy mô sản xuất bánh ít. Ảnh: VĂN PHONG
Cách đây 2 năm, gia đình bà Hồ Thị Mỹ Phúc, ở thôn Mỹ An, xã Tây Bình được vay 100 triệu đồng từ chương trình tín dụng chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm và duy trì mở rộng việc làm. Với số vốn này, cộng phần tích góp được của gia đình, bà Phúc mạnh dạn đầu tư mua sắm thiết bị máy móc, nguyên vật liệu, mở rộng quy mô cơ sở sản xuất bánh ít lá gai Hoàng Đông.
Bà Phúc chia sẻ: Để có được sản phẩm tốt bán ra thị trường, cơ sở phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đến nay, sản phẩm bánh ít lá gai Hoàng Đông đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Hiện tôi sản xuất khoảng 50.000 chiếc bánh ít/tháng, lãi khoảng 10 triệu đồng; cùng với đó còn tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động.
Tương tự, anh Phan Minh Phụng, ở thôn 3, xã Bình Nghi cũng được vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm để nuôi chim bồ câu Pháp sinh sản. Có được nguồn vốn vay ưu đãi, anh đầu tư xây dựng chuồng trại, mua con giống chất lượng về thả nuôi. Với 600 cặp chim bồ câu giống Pháp, bình quân mỗi tháng anh Phụng thu lãi khoảng 20 triệu đồng từ việc bán chim thịt thương phẩm và chim giống.
Trường hợp của bà Phúc, anh Phụng chỉ là hai trong số rất nhiều điển hình ở Tây Sơn khấm khá lên nhờ nỗ lực tự thân cộng với sự hỗ trợ tích cực của tín dụng chính sách. Bà Nguyễn Thị Thủy, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện, chia sẻ: Đến cuối năm 2024, tổng dư nợ của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đạt trên 640 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay chương trình giải quyết việc làm đạt trên 85 tỷ đồng, góp phần tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho hơn 1.685 lao động.
VĂN PHONG