Cơ hội lớn cho năng lượng tái tạo
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 58/2025/NÐ-CP ngày 3.3.2025 quy định chi tiết một số điều của Luật Ðiện lực 2024 về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới, trong đó đưa ra nhiều cơ chế ưu đãi cho điện năng lượng tái tạo.
Phóng viên Báo Bình Định có cuộc trao đổi với ông Trần Thúc Kham, Phó Giám đốc Sở Công Thương, để làm rõ những chính sách mới và cơ hội cho DN.
• Thưa ông, Nghị định số 58/2025/NĐ-CP mang lại những cơ hội gì cho các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là những dự án có hệ thống lưu trữ điện?
- Nghị định số 58/2025/NĐ-CP đã ban hành cơ chế, chính sách đột phá, tạo bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển điện năng lượng tái tạo (NLTT) tại Việt Nam. Theo quy định mới, các dự án điện từ nguồn NLTT có lắp đặt hệ thống lưu trữ điện và có đấu nối với hệ thống điện quốc gia sẽ được ưu tiên huy động vào giờ cao điểm. Điều này giúp các nhà đầu tư tăng khả năng khai thác hiệu quả công suất phát điện, tối ưu hóa doanh thu.
Các dự án điện năng lượng mới còn được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như miễn tiền sử dụng đất, thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản (tối đa 3 năm) và giảm 50% tiền sử dụng khu vực biển trong thời hạn 9 năm tiếp theo. Những hỗ trợ này rất quan trọng, giúp giảm chi phí đầu tư ban đầu, tạo động lực để thu hút DN tham gia vào lĩnh vực này.
Với những điểm mới từ Nghị định số 58/2025/NĐ-CP, các DN có thêm động lực để đầu tư vào công nghệ tiên tiến nhằm tối ưu hóa việc phát điện và lưu trữ năng lượng.
- Trong ảnh: Với tổng công suất 330 MW, Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ) tạo ra sản lượng điện khoảng 520 triệu kWh/năm, có quy mô lớn nhất khu vực miền Trung. Ảnh: HẢI YẾN
• Ông đánh giá thế nào về tác động của chính sách này đến sự phát triển năng lượng tái tạo tại tỉnh Bình Định?
- Bình Định có tiềm năng lớn về NLTT, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời (ĐMT). Hiện nay, UBND tỉnh đang đề xuất kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương tăng quy mô công suất các dự án nguồn điện năng tái tạo cho tỉnh Bình Định trong Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII với tổng công suất khoảng 4.505 MW. Với cơ chế ưu tiên các dự án có hệ thống lưu trữ, DN sẽ có thêm động lực để đầu tư vào công nghệ tiên tiến nhằm tối ưu hóa việc phát điện và lưu trữ năng lượng.
Ngoài ra, Nghị định số 58/2025/NĐ-CP còn mở rộng đối tượng được phép bán lượng điện dư lên lưới điện quốc gia. ĐMT mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được bán sản lượng điện dư không vượt quá 20% sản lượng điện phát; các nguồn điện tự sản xuất, tự tiêu thụ khác được bán sản lượng điện dư không vượt quá 10% sản lượng điện thực phát; hộ gia đình sử dụng nhà ở riêng lẻ phát triển nguồn điện có công suất nhỏ hơn 100 kW có bán sản lượng điện dư vào hệ thống điện quốc gia được miễn hoặc không phải điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh... Điều này sẽ khuyến khích hộ gia đình và DN đầu tư vào nguồn điện NLTT không chỉ để tự tiêu thụ mà còn tạo thêm nguồn thu từ lượng điện dư.
Trong thời gian qua, Sở Công Thương đã cấp giấy chứng nhận đăng ký phát triển nguồn ĐMT mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ cho một số DN lớn. Hiện nay, còn nhiều DN đang đăng ký phát triển nguồn ĐMT mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ nhằm góp phần đảm bảo dự án theo tiêu chuẩn công trình chứng nhận xanh LEED và chứng chỉ NLTT quốc tế I-REC.
Sở Công Thương đang tiếp tục phối hợp với các sở, ngành để hỗ trợ DN tiếp cận chính sách ưu đãi và triển khai đầu tư các dự án điện NLTT một cách hiệu quả. Một số DN lớn đã thể hiện sự quan tâm và đang trong quá trình khảo sát, lập kế hoạch đầu tư.
• Vậy Sở Công Thương có kế hoạch gì để hỗ trợ DN và người dân trong việc tận dụng các ưu đãi từ Nghị định số 58/2025/NĐ-CP?
- Sở Công Thương sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền Nghị định số 58/2025/NĐ-CP đến các DN và hộ gia đình, để họ có thể tiếp cận các chính sách ưu đãi một cách nhanh chóng. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan để hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, cấp phép đầu tư, đấu nối vào lưới điện quốc gia.
Sở cũng khuyến khích các DN áp dụng công nghệ lưu trữ điện tiên tiến nhằm nâng cao hiệu suất sử dụng nguồn điện NLTT. Trong thời gian đến, Sở Công Thương sẽ phối hợp với Công ty Điện lực Bình Định và các đơn vị có liên quan tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Luật Điện lực 2024, các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật để người dân và DN được tiếp cận các quy định, chính sách khuyến khích, ưu đãi về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu.
• Xin cảm ơn ông!
• Bộ tiêu chuẩn về vấn đề xây dựng các công trình tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường sống của con người, quen được gọi là công trình xanh (Leadership in Energy & Environmental Design - LEED) là bộ tiêu chuẩn do Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ xây dựng và phổ biến từ năm 1995. LEED được coi là bộ chuẩn phổ biến nhất trên thế giới hiện nay về công trình xanh.
• Chứng chỉ Năng lượng tái tạo quốc tế (International Renewable Energy Certificate - I-REC) là một loại chứng chỉ quốc tế cho phép các tổ chức và cá nhân mua và sử dụng năng lượng tái tạo được sản xuất từ các nguồn tài nguyên tái tạo như gió, mặt trời, thủy điện, biomass...
HẢI YẾN (Thực hiện)