Hội thảo tham vấn lấy ý kiến góp ý định hướng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
(BĐ) - Sáng 24.3, tại TP Quy Nhơn, Văn phòng điều phối Nông thôn mới (NTM) Trung ương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Hội thảo tham vấn lấy ý kiến góp ý định hướng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2026 - 2030 vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và TP Huế.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: T.LỢI
Báo cáo của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương cho biết, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được triển khai với mục đích cụ thể hóa, đưa các Nghị quyết của đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào cuộc sống, góp phần cải thiện sức sống và diện mạo nông thôn, thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, từng bước nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.
Đến tháng 3.2025, cả nước đã có 5.995/7.696 xã đạt chuẩn NTM; trong đó, có 2.352 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 597 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 305 huyện/645 đơn vị cấp huyện thuộc 59 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, trong đó có 20/219 huyện đã đạt chuẩn NTM được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.
Đối với vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, đến nay, có 563/766 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 136 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 11 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Ở cấp huyện, toàn vùng có 21 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM.
Để chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2026 - 2030 tiếp tục đạt được nhiều thành tựu hơn nữa, các đại biểu cho rằng, cần xây dựng NTM toàn diện, bền vững, gắn với công nghiệp hóa, đô thị hóa, chuyển đổi số và tăng trưởng xanh, bảo đảm thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu, vì lợi ích của người dân. Đồng thời, thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, NTM cấp thôn, bản phù hợp với điều kiện từng địa phương, bảo đảm cân bằng giữa các vùng miền. Phát triển hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, kết nối với đô thị; thúc đẩy kinh tế nông thôn theo hướng xanh, tuần hoàn, nâng cao năng suất lao động, cải thiện thu nhập người dân. Bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cảnh quan nông thôn, sử dụng hiệu quả tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bảo tồn bản sắc văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hướng tới nông thôn hiện đại, phồn vinh, dân chủ, văn minh, hạnh phúc.
TRỌNG LỢI