Cấp nước cho 1,6 triệu dân Bình Định như thế nào?
Mấy năm gần đây, cùng với bài toán an sinh xã hội, an ninh trật tự thì việc đảm bảo nhu cầu cơ bản nhất là nước sạch cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Tháng 3.2025, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án phát triển cấp nước cho 1,6 triệu dân Bình Định đến năm 2030. Xung quanh vấn đề này, Báo Bình Định có cuộc trao đổi với ông Võ Hữu Thiện, Phó Giám đốc Sở Xây dựng.
Ông Võ Hữu Thiện. Ảnh: M.H
* Hiện trạng hệ thống cấp nước trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào, thưa ông?
- Hiện, tỉnh có 3 khu vực sử dụng nước chính là khu vực đô thị lớn gồm TP Quy Nhơn, TX An Nhơn, TX Hoài Nhơn. Cùng với đó là các khu đô thị mới gắn với khu công nghiệp, thị trấn, trung tâm huyện, xã và khu vực nông thôn.
Các đơn vị quản lý, khai thác hệ thống cấp nước tổng công suất thiết kế khoảng 117.400 m3/ngày đêm, cung cấp cho các khu đô thị, khu kinh tế, thị trấn, thị tứ, khu công nghiệp. Đối với 20 đô thị, đến nay hầu hết hộ dân đã được cung cấp nước sạch, từ 21 nhà máy xử lý nước sạch của 10 đơn vị, với tổng công suất khai thác 103.236 m3/ngày đêm. Tỷ lệ dân số đô thị được cấp nước sạch tập trung trung bình toàn tỉnh đạt 88,8%, riêng TP Quy Nhơn 99,1%; tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch đạt 16,4%.
Khu vực nông thôn hiện có 131 công trình cấp nước tập trung, tổng công suất thực tế/thiết kế là 94.423/124.984 hộ, đạt 75,5% (gồm 25 công trình bơm dẫn, công suất thiết kế 38.040 m3/ngày đêm và 106 công trình tự chảy, công suất thiết kế 16.774 m3/ngày đêm). Tổng số hộ ở khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh là 270.501/270.501 hộ (100%); trong đó, 99.387 hộ (36,7%) sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tập trung, 171.114 hộ (63,3%) sử dụng nước từ cấp nước nhỏ lẻ.
Tuy nhiên, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đối với các công trình cấp nước nhỏ lẻ chất lượng nước không thật sự ổn định, thường biến động, chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai, biến đổi khí hậu…
* Như ông nói, ở khu vực nông thôn tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch tập trung của tỉnh thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu của kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia cấp nước sạch vệ sinh nông thôn, chưa kể mức độ bền vững của các công trình cấp nước tập trung nông thôn hiện nay còn nhiều vấn đề đáng bàn?
- Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định mục tiêu phát triển dài hạn của tỉnh. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, 100% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh (trên 80% được sử dụng nước sạch tập trung); tỷ lệ này với đô thị là trên 95%.
Tỉnh đã có các quy hoạch cấp nước đô thị và khu công nghiệp, quy hoạch thủy lợi, chiến lược Quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2045, tăng khả năng cung ứng cho nhiều người dân được tiếp cận nguồn nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung.
Công ty CP Cấp thoát nước Bình Định là đơn vị cấp nước chủ yếu cho các đô thị trên địa bàn tỉnh. Ảnh: M.H
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế tỷ lệ trung bình người dân đô thị được cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đến nay đạt 86,01%, trong khi khu vực nông thôn chỉ mới 36,7%. Kết quả này thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu chung của kế hoạch thực hiện chiến lược Quốc gia cấp nước sạch vệ sinh nông thôn đến năm 2030 là 65% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Đáng nói, hiện có 19 công trình cung cấp nước sạch được đánh giá hoạt động bền vững (tỷ lệ 14,5%), 77 công trình hoạt động kém bền vững (58,8%) và 35 công trình không hoạt động (26,7%).
Trong khi đó, quá trình đô thị hóa cao sẽ tạo ra sức ép rất lớn lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hệ thống cấp nước.
Ngoài ra, các yếu tố biến đổi khí hậu và nước biển dâng với mức độ ngày càng khắc nghiệt đang có những ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài đối với hệ thống cấp nước, nhất là suy kiệt nguồn nước và xâm nhập mặn.
Vì vậy, hệ thống cấp nước của tỉnh rất cần có một kế hoạch, chiến lược phát triển tổng thể trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài, để đạt được mục tiêu đến năm 2030 có trên 95% dân số đô thị được sử dụng nước sạch tập trung, trên 80% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch tập trung.
Nhà máy cấp nước sạch tập trung thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn) được đầu tư nâng cấp từ 2.000 m3/ngày đêm lên 5.000 m3/ngày đêm. Ảnh: M.H
* Cụ thể đề án cấp nước cho 1,6 triệu dân Bình Định tới đây như thế nào, thưa ông?
Để đảm bảo nhu cầu dùng nước sạch cho người dân và các tổ chức trên toàn tỉnh, trong tháng 3.2025, UBND tỉnh đã ban hành Đề án phát triển cấp nước của tỉnh, tính toán nhu cầu dùng nước đến năm 2030 và định hướng đến năm 2035.
Mục tiêu đến năm 2030 phải đảm bảo phủ dịch vụ cấp nước sạch 100% tại các đô thị, với tiêu chuẩn cấp nước từ 115 - 140 lít/người/ngày đêm (95% từ hệ thống cấp nước tập trung). Đảm bảo cấp nước đầy đủ theo nhu cầu cho các khu công nghiệp. Đặc biệt, tối thiểu 80% hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch, tối thiểu 80 lít/người/ngày đêm.
Cùng với tăng mạng lưới cấp nước, phải giảm tỷ lệ thất thoát nước sạch tại các đô thị xuống dưới 15%.
Tỉnh cân đối giữa sản xuất nước và tiêu thụ nước; giữa các vùng có khả năng khai thác và phân bổ cho vùng khan hiếm nước. Đồng thời xác định các dự án cấp nước động lực, cấp nước cho cả vùng như hồ Núi Một, hồ Đồng Mít… Quan trọng là xác định nguồn lực, tài chính để đầu tư các dự án này từ nguồn đầu tư công, xã hội hóa, nguồn đối tác công tư…
Đây là một nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự quan tâm của cả hệ thống chính trị trong đầu tư đồng bộ phát triển các hệ thống cấp nước tập trung. Hiện Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan xây dựng, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh thực hiện đề án, dự án phát triển hệ thống cấp nước sạch theo từng giai đoạn.
* Xin cảm ơn ông!
MAI HOÀNG (Thực hiện)