Thanh niên phải có hoài bão, tâm huyết phát triển quê hương
Ðó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn tại Hội nghị đối thoại với 250 cán bộ Đoàn, ĐVTN, được UBND tỉnh tổ chức tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, sáng 26.3.
Chú trọng phát triển nhân lực chất lượng cao
Tại hội nghị đối thoại, 12 lượt ý kiến, đề xuất đã được nêu, xoay quanh các vấn đề trọng tâm: Phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS).
Em Huỳnh Ngọc Minh Khuê (lớp 12A9, Trường THPT Trưng Vương, TP Quy Nhơn) đặt câu hỏi: “Thời gian qua, tỉnh đã thu hút các tập đoàn công nghệ lớn và có Trường ĐH FPT Quy Nhơn đào tạo trí tuệ nhân tạo, thiết kế vi mạch bán dẫn. Tuy nhiên, với mức học phí cao, nhiều học sinh khó có cơ hội tiếp cận. Vậy, tỉnh có định hướng như thế nào để các trường, đặc biệt là Trường ĐH Quy Nhơn mở rộng đào tạo ngành liên quan?”
Về vấn đề này, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn Đinh Anh Tuấn cho biết, Trường đã tuyển sinh các ngành liên quan đến trí tuệ nhân tạo từ năm 2022 và tiếp tục tuyển sinh trong thời gian tới. Trường ĐH Quy Nhơn cũng là đơn vị chủ lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực công nghệ bán dẫn, AI, an toàn - an ninh mạng giai đoạn 2025 - 2030 theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
“Trường cam kết duy trì học phí ở mức sàn do Bộ GD&ĐT quy định, đồng thời đề xuất tỉnh cần có chính sách hỗ trợ sinh viên theo học các ngành này, giúp các em yên tâm học tập, phát triển theo ngành học đã chọn”, ông Đinh Anh Tuấn thông tin.
Bên cạnh đào tạo, nghiên cứu khoa học cũng là vấn đề được quan tâm. Anh Nguyễn Đức Tôn (Bí thư Đoàn Trường ĐH Quy Nhơn) đặt câu hỏi: Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định KHCN, ĐMST và CĐS là yếu tố quyết định sự phát triển của đất nước. Vậy tỉnh có những chính sách nào để hỗ trợ, khuyến khích thanh niên tham gia các lĩnh vực trên?
Theo Giám đốc Sở KH&CN Trần Kim Kha, tỉnh đã triển khai các nhóm giải pháp nhằm khuyến khích thanh niên ĐMST, bao gồm quỹ phát triển khoa học và ĐMST để hỗ trợ thanh niên tiếp cận các ưu đãi, đầu tư hạ tầng công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ bán dẫn và sinh học.
“Bên cạnh đó, Sở đã và đang đẩy mạnh công tác tham mưu với UBND tỉnh để tạo mạng lưới kết nối thanh niên với chuyên gia, nhà khoa học, DN, đồng thời đưa giáo dục STEM vào trường học để học sinh tiếp cận sớm với công nghệ, từ đó định hướng ngành học từ sớm cho các em”, ông Kha cho biết.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn tặng hoa chúc mừng 94 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26.3.1931 - 26.3.2025). Ảnh: D.L
Nhiều đề xuất từ thực tiễn
Hội nghị cũng ghi nhận các đề xuất từ thực tiễn của cán bộ, ĐVTN nhằm thực hiện hiệu quả công tác số hóa trên mọi lĩnh vực.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Trang (Bí thư Đoàn phường Trần Phú, TP Quy Nhơn), đề xuất tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với CĐS, đặc biệt chú trọng tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về lợi ích và cách sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.
Chị Trang nói: “Từ thực tế cho thấy, vẫn còn trường hợp người dân chưa hiểu rõ hiệu quả của việc áp dụng số hóa vào giải quyết thủ tục hành chính, dẫn đến chưa nắm rõ các thao tác cơ bản khi thực hiện thủ tục. Do vậy, để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, cần xây dựng các video hướng dẫn, infographic minh họa sinh động, giúp người dân, đặc biệt là người lớn tuổi, dễ tiếp cận và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường số”.
Còn chị Lê Mộng Huyền (giảng viên khoa Kinh tế và Kế toán, Trường ĐH Quy Nhơn) đặt vấn đề: Cán bộ, viên chức cũng cần được học tập, tập huấn năng lực số, để đội ngũ này có thể ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo vào công việc.
“Thời gian tới, tôi mong muốn lãnh đạo tỉnh và các ban, ngành liên quan cân nhắc việc xây dựng hệ thống e-learning để cán bộ có thể học tập mọi lúc, mọi nơi, phát huy tinh thần tự học. Đây là yếu tố quan trọng trong việc hình thành lực lượng tri thức trẻ làm chủ KHCN, CĐS của tỉnh nhà”, chị Huyền bày tỏ.
Ở góc độ DN, anh Vũ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, cho rằng cần nâng cấp hệ sinh thái hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp để không chỉ giúp DN khởi nghiệp mà còn hỗ trợ các DN vừa và nhỏ phát triển bền vững. Bởi hiện nay, nhiều bạn trẻ chỉ cải tiến bao bì, quảng bá sản phẩm mà chưa đầu tư vào công nghệ lõi - yếu tố quyết định lợi thế cạnh tranh dài hạn.
“Tỉnh nên xây dựng đề án chung về hệ sinh thái ĐMST, hỗ trợ tiếp cận vốn, kết nối chuyên gia, đầu tư công nghệ số và AI trong quản trị; tạo điều kiện hỗ trợ nhiều hơn các DN vừa và nhỏ để có thể nâng cấp, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, quản trị”, anh Quân đề xuất.
Anh Nguyễn Đức Tôn (Bí thư Đoàn Trường ĐH Quy Nhơn) đặt câu hỏi về các chính sách hỗ trợ, khuyến khích thanh niên tham gia vào các lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Ảnh: D.L
Để thanh niên làm chủ công nghệ
Phát biểu tại hội nghị đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn ghi nhận và cảm ơn những ý kiến, đề xuất của ĐVTN; đồng thời khẳng định: Bình Định đang tập trung phát triển KHCN, ĐMST và CĐS để tạo đột phá trong tăng trưởng kinh tế. Tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương quan trọng, trong đó có Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW, định hướng rõ ràng cho các lĩnh vực này. Đặc biệt, tỉnh đang thu hút các tập đoàn công nghệ lớn đầu tư vào chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, đồng thời xây dựng hệ sinh thái ĐMST, phát triển kinh tế số với mục tiêu đóng góp 25 - 30% GRDP vào năm 2030.
Cùng với đó, để hỗ trợ lực lượng trẻ, tỉnh cũng triển khai hàng loạt chính sách cụ thể, như: Dành 3% ngân sách hằng năm cho KHCN, ĐMST và CĐS; đầu tư, phát triển hạ tầng công nghệ, thúc đẩy giáo dục STEM, đào tạo nhân lực chất lượng cao thuộc các ngành công nghệ thông tin, AI, công nghệ bán dẫn… Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học cũng đang được triển khai.
Trước những cơ hội này, thanh niên tỉnh nhà cần chủ động học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng số, mạnh dạn khởi nghiệp, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, cần tích cực nghiên cứu, ĐMST, góp phần đưa công nghệ số vào các lĩnh vực trọng yếu của tỉnh như nông nghiệp, du lịch, hành chính công. Đặc biệt, thanh niên phải phát huy vai trò của “Tổ công nghệ số cộng đồng”, hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ số, thúc đẩy chính quyền điện tử.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho rằng, Bình Định có đủ điều kiện để phát triển, nhưng để quê hương bứt phá bền vững, lực lượng tiên phong phải là chính con em địa phương.
“Thanh niên không chỉ giữ gìn mảnh đất này mà còn phải đi đầu trong phát triển, thu hút đầu tư, làm cho Bình Định trở thành nơi trù phú, đáng sống. Thanh niên cần có hoài bão, tâm huyết, suy nghĩ nghiêm túc về định hướng phát triển của tỉnh, xác định rõ con đường của mình, gắn sự phát triển cá nhân với sự phát triển quê hương”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
DƯƠNG LINH