Các nước chia sẻ kinh nghiệm xây dựng nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển các dự án đổi mới sáng tạo
Diễn đàn Khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia lần thứ 6 tại Bình Định năm 2025, diễn ra sáng 27.3, với chủ đề “Hội tụ nguồn lực toàn cầu phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo địa phương trong kỷ nguyên kinh tế số”, không chỉ là cơ hội để chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm, mà còn là cầu nối quan trọng thúc đẩy hợp tác giữa các startup, nhà đầu tư, DN và các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước.
Diễn đàn có sự tham gia của các đại sứ quán và tổ chức quốc tế - những đối tác quan trọng trong quá trình hội nhập và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn cầu. Tại sự kiện, họ đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về hỗ trợ đổi mới sáng tạo, đặc biệt là đối với Việt Nam, trong đó có tỉnh Bình Định.
Báo Bình Định lược trích một số kinh nghiệm, sáng kiến nổi bật từ các quốc gia, tổ chức này.
* Ông Kanat Tumysh, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Kazakhstan tại Việt Nam:
Kinh nghiệm phát triển Trung tâm đổi mới sáng tạo Kazakhstan và bài học cho Bình Định
Ông Kanat Tumysh, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Kazakhstan tại Việt Nam. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Tại Kazakhstan, chúng tôi đã và đang thực hiện một chiến lược quốc gia nhằm phát triển công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin và đổi mới sáng tạo. Kazakhstan là một trong những quốc gia dẫn đầu về chính phủ điện tử và công nghệ tài chính, với sự tăng trưởng vượt bậc trong ngành công nghệ thông tin. Đặc biệt, việc thúc đẩy hợp tác với các công ty công nghệ thông tin lớn từ khắp nơi trên thế giới đã giúp Kazakhstan xây dựng nền tảng vững chắc cho công nghệ điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu.
Một trong những điểm nhấn trong chiến lược đổi mới sáng tạo của Kazakhstan là sự ra đời của hệ thống “Cửa sổ duy nhất của Hệ thống đổi mới quốc gia’ (www.astanahub.com), giúp DN và cộng đồng đổi mới sáng tạo dễ dàng tiếp cận các biện pháp hỗ trợ và đảm bảo tính minh bạch trong quá trình phát triển sáng tạo. Các dự án đổi mới sáng tạo được tài trợ mạnh mẽ và tạo điều kiện thuận lợi để các công ty công nghệ phát triển.
Bài học quan trọng từ Kazakhstan mà tôi muốn chia sẻ với Bình Định là việc xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hiệu quả, nơi các trung tâm nghiên cứu, phát triển và khởi nghiệp đóng vai trò cốt yếu. Bằng cách hợp tác chặt chẽ với cộng đồng DN và các tổ chức quốc tế, chúng tôi đã đạt được thành công nhất định trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất quốc gia. Tôi hy vọng Bình Định sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, xây dựng các nền tảng hỗ trợ DN và phát triển các dự án sáng tạo, đồng thời thúc đẩy hợp tác với Kazakhstan thông qua Hiệp hội DN Việt Nam. Tôi cũng mong muốn đề xuất ký kết một thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Bình Định với Kazakhstan, qua đó mở rộng mối quan hệ hợp tác giữa hai bên.
* Ông Shovgi Mehdizada, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Azerbaijan tại Việt Nam:
Hợp tác để phát triển DN đổi mới sáng tạo gắn liền với chuyển đổi xanh
Ông Shovgi Mehdizada, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Azerbaijan tại Việt Nam. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Tôi đã có vinh dự thăm nhiều tỉnh của Việt Nam, nhưng Bình Định đặc biệt tạo ấn tượng mạnh mẽ và thúc đẩy tôi quay lại lần nữa. Hôm nay, chúng ta đang cùng nhau thảo luận về DN vừa và nhỏ xanh, một chủ đề quan trọng trong bối cảnh hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia như Azerbaijan, Kazakhstan và Pakistan. Các chuyến thăm lịch sử của lãnh đạo giữa Việt Nam và Azerbaijan đã góp phần tạo nên tình bạn vững chắc giữa hai quốc gia, với sự tham gia tích cực của các tổ chức như Hiệp hội DN Việt Nam với Cơ quan hỗ trợ DN nhỏ và vừa Azerbaijan (KOBIA).
Năm rồi Azerbaijan tổ chức Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) tại Baku. Đây là sự kiện toàn cầu quan trọng với sự tham gia của 80 nhà lãnh đạo thế giới, diễn ra trong bối cảnh khó khăn do chiến tranh, thiên tai và khủng hoảng kinh tế. Việt Nam cũng đã tích cực tham gia các cuộc thảo luận lớn tại COP29, đặc biệt là về hành động kỹ thuật số xanh và chuyển đổi xanh của DN vừa và nhỏ.
Biến đổi khí hậu không chỉ là vấn đề của các chuyên gia môi trường mà là thách thức toàn cầu đối với tất cả chúng ta. Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động và xây dựng hệ thống đấu tranh hiệu quả, nhưng cần sự hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan, trong đó các tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận như Hiệp hội DN Việt Nam là đối tác không thể thiếu.
* Ông Denis FourMeau, Tùy viên hợp tác khoa học và đại học, Đại sứ quán Pháp:
Thúc đẩy hợp tác dài hạn Pháp - Việt trong các ngành công nghệ và đào tạo nhân lực phục vụ phát triển
Ông Denis FourMeau, Tùy viên hợp tác khoa học và đại học Đại sứ quán Pháp. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Nhiều năm qua, lĩnh vực công nghệ của Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển bùng nổ, được thúc đẩy bởi lực lượng lao động trẻ, năng động và sự hỗ trợ ngày càng tăng từ chính phủ cũng như các bên liên quan. Những diễn đàn, hội thảo và sự kiện khởi nghiệp diễn ra tại Bình Định trong hai ngày qua là minh chứng rõ nét cho sự phát triển và cam kết hỗ trợ này.
Nhận thức được tiềm năng đổi mới sáng tạo của Việt Nam, Pháp mong muốn thúc đẩy hợp tác song phương dài hạn trong các ngành công nghệ và đào tạo nhân lực phục vụ phát triển. Vì vậy, tôi vinh dự thông báo rằng Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam sẽ chính thức khởi động “Năm Đổi mới sáng tạo Pháp - Việt” vào tháng 5.2025, nhân chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Việt Nam. “Năm Đổi mới sáng tạo Pháp - Việt” diễn ra từ tháng 5.2025 đến tháng 10.2026, sẽ thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực công nghệ và đào tạo. Các startup và giới trẻ Việt Nam sẽ là đối tượng trọng tâm, được tạo điều kiện để khám phá và phát triển tiềm năng thông qua các sự kiện, cuộc thi hackathon và chương trình đào tạo chuyên đề.
TRỌNG LỢI