Ðổi thay trên quê hương cách mạng Bình Tân
Trong kháng chiến, xã Bình Tân là một trong những vùng căn cứ địa cách mạng của huyện Tây Sơn. Trong đó, chiến thắng Thuận Ninh năm 1965 không chỉ là trận thắng Mỹ đầu tiên của quân và dân huyện Tây Sơn mà còn là chiến thắng của quân và dân tỉnh Bình Định đánh bại cuộc hành quân đổ bộ bằng đường không của quân Mỹ trên chiến trường Bình Định, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước năm 1975.
Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, 50 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Tân đã đoàn kết một lòng vượt qua mọi khó khăn thách thức để xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Sau 50 năm ngày giải phóng, Bình Tân đã có sự phát triển vượt bậc. Ảnh: Đ.N
Một điểm nổi bật trên lĩnh vực phát triển KT-XH của xã Bình Tân thời gian qua là phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Đến nay, trên địa bàn xã có 12 DN và 6 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Điển hình có Công ty TNHH MTV Hà My hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chăn nuôi. Hiện Công ty đang nuôi 300 nghìn con gà mái đẻ với hệ thống thiết bị kỹ thuật nuôi tự động hiện đại khép kín, đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Ông Nguyễn Xuân Quý, Quản lý Công ty TNHH MTV Hà My cho biết, Công ty nhận được rất nhiều sự quan tâm, giúp đỡ của xã Bình Tân, huyện Tây Sơn trong thực hiện các thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, được sự ủng hộ của người dân địa phương trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Bình quân mỗi tháng Công ty đạt sản lượng 7,5 triệu quả trứng, doanh thu khoảng 10 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 50 lao động ở địa phương với mức thu nhập bình quân từ 8 - 9 triệu đồng/người/tháng.
Ông Hồ Sỹ Lai, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tân cho hay, với lợi thế của địa phương là có diện tích đất rừng rộng, những năm qua, người dân địa phương đã quan tâm trồng rừng theo hướng trồng cây gỗ lớn và gắn phát triển rừng có chứng chỉ FSC, nhờ đó giá trị sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn ngày càng cao. Đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn xã ngày càng tăng về số lượng, tỷ lệ bò lai trên 95%, heo lai trên 100%. Cùng với hệ thống kênh mương được đầu tư xây dựng rộng khắp, xã đã vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi phần lớn diện tích cây mì kém hiệu quả sang trồng đậu phụng và một số loại cây trồng cạn khác, đạt hiệu quả kinh tế tốt hơn.
Chỉ tính riêng 5 năm qua (2020 - 2025), tốc độ tăng trưởng bình quân các ngành sản xuất chính ở Bình Tân đạt 12,84%, tăng 0,84% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ lệ các ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ và giảm dần tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp; đời sống nhân dân ngày càng nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt 65,4 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm 2,5%/năm, xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2021.
ÐINH NGỌC