Dừa Hoài Nhơn …
Cây dừa từ lâu đã trở thành hình ảnh rất đỗi quen thuộc trong đời sống của người dân TX Hoài Nhơn. Với diện tích trồng lên tới 2.850 ha, cây dừa không chỉ đem lại nguồn thu nhập ổn định mà còn là biểu tượng gắn liền với bản sắc văn hóa địa phương.
Dừa xanh phủ mát xóm làng
Là “thủ phủ” dừa của tỉnh Bình Định, ở TX Hoài Nhơn dừa tập trung nhiều tại các phường, như: Hoài Hảo (306 ha), Hoài Thanh Tây (hơn 272 ha), Hoài Châu (262 ha), Tam Quan Nam (hơn 241 ha), Hoài Xuân (hơn 215 ha), Hoài Tân (201,2 ha) và Hoài Thanh (182 ha), tạo nên một vùng dừa xanh mát đặc trưng.
Ông Phan Đông Ri, ở khu phố Ngọc An Đông, phường Hoài Thanh Tây, chia sẻ, cây dừa được chăm sóc theo phương pháp hữu cơ, không dùng phân bón hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật. Mỗi năm, ông thu hoạch khoảng 4.000 quả, mang lại lợi nhuận hơn 40 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Những sản phẩm dừa từ Hoài Nhơn đều được thị trường ưa chuộng, đặc biệt là dừa hữu cơ, với sự tham gia thu mua của HTX Nông nghiệp Ngọc An.
Cây dừa được trồng ở nhiều nơi trên địa bàn Hoài Nhơn. Ảnh: T. LỢI
Theo ông Trương Nam Phong, Trưởng Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị TX Hoài Nhơn, dừa trên địa bàn chủ yếu được trồng trong các rẻo vườn thừa, xen lẫn trong khu dân cư. Hầu hết các vườn dừa ở Hoài Nhơn đều là dừa ta trưởng thành, công việc chăm sóc đơn giản, nhưng để nâng cao năng suất và giá trị cây dừa, thị xã đã triển khai một số mô hình hướng tới cải tạo vườn tạp, đầu tư thâm canh cây dừa, áp dụng biện pháp sinh học để phòng trừ sâu bệnh hại dừa.
Đặc biệt, Hoài Nhơn đã đạt được bước tiến quan trọng trong việc chứng nhận sản phẩm dừa hữu cơ. Hiện nay, có khoảng 100 ha dừa hữu cơ được chứng nhận tại phường Hoài Thanh Tây, chủ yếu là giống dừa ta; sản phẩm dừa hữu cơ được HTX Nông nghiệp Ngọc An thu mua với giá ổn định. Bên cạnh đó, thị xã cũng đang đề xuất cấp chứng nhận dừa hữu cơ cho khoảng 1.000 cây dừa lấy nước tại phường Hoài Xuân.
Để cây dừa phát triển bền vững
Mặc dù cây dừa mang lại giá trị kinh tế cao và gắn liền với văn hóa của người dân địa phương, Hoài Nhơn vẫn đối mặt với nhiều thách thức lớn trong việc phát triển cây dừa. Đô thị hóa đang làm giảm diện tích đất trồng dừa, trong khi vườn dừa thường được trồng rải rác và thiếu quy hoạch rõ ràng, khiến cho việc áp dụng kỹ thuật thâm canh và phát triển các mô hình vườn dừa tập trung gặp khó khăn. Thêm vào đó, việc chăm sóc cây dừa hiện vẫn chủ yếu theo phương thức quảng canh, thiếu sự ứng dụng các kỹ thuật hiện đại, dẫn đến năng suất chưa đạt tối đa.
Một vấn đề đáng lo ngại khác là dịch bệnh, đặc biệt là sự tấn công của bọ cánh cứng hại dừa. Dù cây dừa có khả năng chống chịu khá tốt, nhưng sâu bệnh vẫn ảnh hưởng đáng kể đến sản lượng và chất lượng dừa. Thêm nữa, cây dừa cần một thời gian dài từ 4 - 5 năm để cho quả ổn định, điều này đôi khi khiến người dân thiếu động lực đầu tư vào cây trồng này.
Ông Phan Đông Ri chăm sóc cây dừa. Ảnh: T. LỢI
Để phát triển cây dừa bền vững trong tương lai, UBND TX Hoài Nhơn đã đề ra một loạt giải pháp cụ thể. Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã, cho hay: Trước hết, thị xã sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giá trị văn hóa và kinh tế của cây dừa, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của cây dừa đối với đời sống và phát triển kinh tế của địa phương. Việc áp dụng các mô hình kỹ thuật tiên tiến và quy trình chăm sóc khoa học sẽ giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
Thị xã cũng sẽ tiếp tục rà soát và quy hoạch các vùng trồng dừa tập trung, phấn đấu đến năm 2030 diện tích cây dừa sẽ đạt 3.050 ha, trong đó dừa ta chiếm 2.537 ha và dừa lấy nước 513 ha. Bảo tồn giống dừa địa phương cũng là một yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững cây dừa. Những giống dừa lâu đời của Hoài Nhơn không chỉ có khả năng sinh trưởng tốt mà còn giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
“Thị xã phối hợp Sở NN&PTNT đã nghiên cứu, khảo sát và chọn 541 cây dừa ở 66 hộ trên địa bàn, với giống dừa ta còn đáp ứng tiêu chuẩn cây dừa mẹ để nhân giống”, ông Công nói.
Ngoài ra, việc phát triển du lịch gắn với cây dừa cũng là một giải pháp quan trọng. Hoài Nhơn đang tích cực quy hoạch các khu vực du lịch sinh thái tại các vùng trồng dừa, hình thành các điểm tham quan rừng dừa, các ngành nghề truyền thống, kết hợp giới thiệu các sản phẩm OCOP từ dừa (bánh tráng nước dừa, dầu dừa tinh khiết, bánh tráng dừa nướng…). Đây là cơ hội để nâng cao giá trị cây dừa, tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách.
Một yếu tố quan trọng khác là xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ cây dừa. HTX Nông nghiệp Ngọc An là một điển hình trong việc thu mua và chế biến các sản phẩm từ dừa, như dầu dừa và bánh tráng nước dừa, giúp nâng cao giá trị sản phẩm và tạo thu nhập ổn định cho người dân. Tuy nhiên, thị xã vẫn chưa có nhà máy chế biến dừa quy mô lớn, một thách thức lớn trong việc phát triển ngành chế biến sản phẩm từ dừa. Các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ như bánh dừa nướng, dừa sấy giòn, dầu dừa vẫn chưa đủ để tạo ra một chuỗi giá trị bền vững.
“Cây dừa vẫn giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa của TX Hoài Nhơn. Với các giải pháp đồng bộ và sự nỗ lực từ các cấp ngành, Hoài Nhơn sẽ tiếp tục phát triển cây dừa theo hướng bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm và cải thiện đời sống người dân, tạo ra những cơ hội mới cho ngành nông nghiệp và du lịch tại địa phương”, ông Công nhấn mạnh.
Để hỗ trợ người dân, UBND TX Hoài Nhơn đã triển khai nhiều chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, như hỗ trợ phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học và chế phẩm Trichoderma để bảo vệ cây trồng, cũng như hỗ trợ máy móc cho các cơ sở chế biến sản phẩm từ dừa.
TRỌNG LỢI