Tôi nhớ Vàm Cỏ Đông
Năm 1973, khi tôi từ chiến trường Nam Lộ Bốn (Mỹ Tho) trở về lại cơ quan binh vận ở R, tôi rất phấn khởi vì cơ quan tôi đã về đất Tây Ninh, đóng căn cứ ở Bến Tháp ngay sát sông Vàm Cỏ Đông. Đoạn sông này là biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và Campuchia. Từ Mỹ Tho, trước khi băng qua đồng Tháp Mười lên chiến khu, chúng tôi đã vượt qua sông Vàm Cỏ Tây, bây giờ lại được ở sát sông Vàm Cỏ Đông, thật thú vị.
Những ngày đầu tiên ở bên cạnh sông Vàm Cỏ Đông - con sông nổi tiếng qua ca khúc Vàm Cỏ Đông của Trương Quang Lục, lời thơ của nhà thơ Hoài Vũ, một ca khúc tôi đã thuộc nằm lòng - tôi cứ như trở về với dòng sông mà mình yêu thương, quen biết tự ấu thơ dù đây là lần đầu tiên tôi được vục mặt mình vào sông. Sông Vàm Cỏ Đông tuy không lớn nhưng đó là dòng sông thật sự rất đẹp.
Có những địa chỉ dọc sông Vàm Cỏ Đông mau chóng quen thuộc với chúng tôi, đó là Bến Tháp ngay sát cạnh căn cứ chúng tôi, là Xóm Giữa chỉ cách “cứ” chúng tôi ba cây số, là Lò Gò cách chúng tôi dăm cây số, là Xa Mát xa hơn, cũng chỉ cách chúng tôi mấy tiếng đồng hồ đi xe đạp. Ngày ấy, đường trong rừng tuy nhỏ hẹp nhưng dùng xe đạp hay xe máy đều được, và chúng tôi đi công tác ở Xa Mát, ở Tân Biên đều đi xe đạp. Kể cả đi Lộc Ninh cũng đi xe đạp, dù mất tới hai ngày. Xem ra so với anh chị em ở chiến trường miền Trung, thì ở chiến khu R (Nam Bộ) vẫn thuận lợi hơn.
Chỉ một địa chỉ gần căn cứ chúng tôi mà… chạy bộ cũng tới, đó là Trảng Còng. Ai nhớ lời bài hát Lên ngàn của nhạc sĩ Hoàng Việt, hẳn sẽ nhớ tên Trảng Còng - “Em chèo thuyền đi lên rẫy Trảng Còng…”. Căn cứ của chúng tôi ở cách Trảng Còng không bao xa. Năm nay, 2025, kỷ niệm 50 năm hòa bình thống nhất đất nước, xin cho tôi được hồi tưởng một chút về những năm tháng ấy...
Nhớ một lần, bạn tôi Cao Xuân Phách, cùng nhạc sĩ Xuân Hồng đi công tác đâu đó qua Trảng Còng và tình cờ gặp tôi. Chính anh Xuân Hồng đã kể chuyện về Hoàng Việt và Trảng Còng- một trảng rẫy nằm ven sông Vàm Cỏ Đông cho tôi nghe. Hồi kháng chiến chống Pháp, người dân từ “dưới ruộng” lên trảng này tăng gia sản xuất, trồng lúa rẫy, gặp mùa bão lụt năm Thìn (năm 1952) cảnh cực khổ càng thêm khổ cực… Tôi cứ mường tượng bối cảnh phải như thế thì mới có bài ca “Lên ngàn” bất tử đến thế. Về nguồn gốc tên gọi “Trảng Còng”, có người lý giải trảng rẫy này đến mùa nước ngập thường có rất nhiều con còng. Nhưng lại có người giải thích khác, gọi trảng còng vì trảng này mọc rất nhiều cây còng, một loại cây lấy gỗ. Nhưng tôi cứ thiên về giả thuyết đầu tiên. Phải vậy thì sau này mới có thêm câu hát ngọt ngào -“Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng/Về sông ăn cá/ Về đồng ăn cua/” mà người Nam Bộ nào cũng thuộc nằm lòng!
Nhóm anh em tuyên truyền binh vận chúng tôi ở bên sông Vàm Cỏ Đông đúng hai năm trời, trước khi “nhổ lều trại” về thẳng Sài Gòn. Những địa danh bây giờ thành những điểm du lịch về rừng nguyên sinh, phát huy như thế là quá linh hoạt, quá đúng, xứ sở ấy xứng đáng được thêm nhiều người biết đến.
THANH THẢO