Hòa Bình
Truyện ngắn của VŨ THỊ HUYỀN TRANG
Tôi tên Hòa Bình, bà tôi bảo đó là một cái tên thiêng liêng, tôi sinh ra giữa niềm chờ mong của mẹ cha và cả hai bên nội ngoại, giữa tháng ngày đất nước rộn vui chất ngất với thống nhất, hòa bình. Bà tôi thường khoát tay kể, khi ấy hòa bình như cánh chim vĩ đại bay khắp trên quê hương, bay đến đâu người ta òa lên mừng vui, rạng rỡ đến đó, nhiều người ràn rụa nước mắt… Hòa bình là một phép lạ do chính con người dựng xây nên ngay trên quê hương thân yêu.
Nhưng mọi người thường chẳng ai gọi tôi bằng cái tên khai sinh đẹp đẽ ấy. Giống như những đứa trẻ con ở quê, tôi cũng được đặt một cái tên ở nhà xấu xí cho dễ nuôi. Người ta gọi tôi là Giun Đất bởi lúc nào cũng thấy tôi lầm lũi, chui lủi nghịch ngợm một mình trong vườn. Tôi không thích cái tên có phần nhem nhuốc ấy tẹo nào. Khi tôi phụng phịu nói với bà, bà cười rồi bảo sẽ gọi tôi là Hoa Bỏng, tôi nghe mà vẫn chưa thích lắm nhưng dù sao vẫn hơn Giun Đất.
***
Tôi bị bệnh mù màu bẩm sinh. Tự bản thân tôi không biết về điều đó. Bố mẹ tôi cũng không biết, họ đi biền biệt. Bà là người đầu tiên phát hiện ra tôi mắc chứng rối loạn sắc giác. Ấy là khi bà sai tôi ra chợ lựa mua giấy gói màu đỏ về gói oản cho nhà chùa thì tôi mang về toàn giấy gói màu xanh. Ấy là khi tất cả những bông hoa trong bài tập vẽ về nhà tôi đều tô màu đen, ông mặt trời màu tím còn môi cười màu vàng ruộm. Tôi cứ thắc mắc hoài tại sao tất cả các cây sáp màu đều có màu sắc gần giống hệt nhau mà người ta phải làm nhiều đến mười hai cây sáp trong một hộp… Tôi hỏi bà:
- Vậy thế giới của bà thì thế nào?
Bà vừa xoa đầu tôi vừa thở dài bảo: Tội nghiệp Hoa Bỏng của bà. Ông trời thế là tước đi của cháu sự lung linh, kỳ diệu từ đôi mắt, cái cửa sổ tâm hồn của cháu tôi vì thế mà khuyết thiếu đi nhiều. Sau này để bù đắp cho đôi mắt, cháu nhất định phải nhìn vạn vật xung quanh bằng trái tim nhiều hơn những người bình thường khác. Trời đất không cho ai hết thứ gì, cũng không lấy đi hết của ai thứ gì; hễ khuyết chỗ này ắt sẽ được bù chỗ khác! Cháu đã nhớ chưa? Việc của mình là tìm ra chỗ được bù ấy và dùng cho kỳ hết để không phụ lòng trời đất!
Tranh của họa sĩ HÀ HUY MƯỜI
Thế nên ngày nọ khi tôi nói với bà rằng dường như màu sắc tất cả các loài hoa đều giống nhau duy chỉ có hương thơm là khác, thì bà nhìn tôi ám áp bảo: - Thế là cháu đã bắt đầu biết nhìn vạn vật bằng trái tim rồi đấy.
Tôi chưa đủ khôn ngoan để hiểu vì sao lúc ấy nước mắt lại lăn dài trên gò má nhăn nheo của bà. Bởi tôi đã lại thắc mắc về cái tên Hoa Bỏng của mình: - Bà ơi! Tại sao bà lấy một loài hoa chẳng có hương thơm để đặt tên cho cháu.
- Ờ thì… có những thứ chẳng có mùi hương ngào ngạt cũng chẳng có màu sắc rực rỡ nhưng lại rất có ích cho đời, cho người. Cây bỏng trông thế nhưng lại chữa lành các vết bỏng, xoa dịu cơn đau. Mà cháu biết không, loài bỏng rất dễ thích nghi với nhiều loại đất đai, khí hậu. Nên dù khô cằn, khắc nghiệt nó vẫn sống và phát triển. Chỉ cần một mẩu lá thôi cũng có thể mọc lên nhiều mầm con xanh tốt…
- Vậy hoa bỏng màu gì hả bà?
- Màu đỏ.
- Màu đỏ thì nhìn như thế nào hả bà?
Bà ngừng têm trầu, khẽ đặt bàn tay nhăn nheo của bà lên ngực trái tôi và cười bảo: À… Màu đỏ là màu ấm áp của trái tim, cháu ạ.
- Màu ấm áp của trái tim? A, thế thì cháu biết rồi, ông mặt trời cũng màu đỏ phải không bà?
Bà ôm tôi vào lòng, vỗ về tôi bằng mùi trầu không còn nồng trong hơi thở. Với tôi sắc màu đầu tiên tôi tự cảm nhận bằng trái tim mình thật là kỳ diệu. Kỳ diệu hơn hết thảy mọi thứ tôi từng khám phá. Kỳ diệu hơn mọi bài giảng trên trường lớp của thầy cô. Sau này mỗi lần muốn cảm nhận lại sự kỳ diệu đó, tôi vẫn thường ngồi trong góc vườn im ắng. Nhắm mắt và tưởng tượng có một luồng ánh sáng mát rượi đang từ từ bảo bọc lấy mình, chảy tràn trên mái tóc ngấm vào từng thớ thịt, nhấc tôi bay lên. Trong thế giới tưởng tượng ấy bao giờ cũng thấy từng cánh hoa bỏng nở bung ra thành bụi, thành vườn, thành một rừng hoa màu đỏ lấp lánh dưới ánh mặt trời…
* * *
Bố mẹ tôi đều làm việc trong ngành công an. Vì đặc thù công việc không có thời gian chăm sóc con cái nên gửi tôi về sống với nội. Thỉnh thoảng bố mẹ về thăm hai bà cháu, trong sự ngỡ ngàng có chút gì đó xót xa khi thấy tôi khôn lớn thiếu vắng cả bố lẫn mẹ. Một ngày nọ, mẹ nói sẽ đưa tôi về thành phố để tìm cách chữa bệnh mù màu nhưng tôi không chịu. Tôi sống với bà quen rồi, nhịp sống trầm lắng cũng rất hợp với tính cách của tôi. Phần bà vì biết y học vẫn chưa tìm ra cách chữa bệnh mù màu, hơn nữa cũng muốn giữ tôi lại để giúp tôi cảm nhận màu sắc tốt hơn nên khe khẽ bảo bố mẹ tôi cứ để tôi ở lại. Tôi bảo bà:
- Cháu có thể cảm nhận được màu sắc bằng trái tim mà bà, tuy không phải lúc nào cũng chính xác. Nhưng cháu thích sống gần bà hơn, để bà còn dạy cháu nhiều điều hơn nữa.
Nghe tôi nói bà chỉ cười ôm tôi vào lòng! Lần đầu tiên tôi cảm nhận môi bà có màu đỏ ấm áp như mặt trời lúc sớm mai. Màu đỏ là như thế! Mỗi một màu sắc lại phả vào tôi một làn sóng vi diệu, nó khiến trên thịt da tôi lăn tăn, không màu nào giống màu nào và rồi một ngày kia tôi còn có thể nhận biết cũng là màu xanh, màu đỏ nhưng chúng có nhiều sắc độ khác nhau, tôi cảm nhận được chúng bằng sự rung động của nhịp đập trái tim mình.
Tranh của họa sĩ TRƯƠNG ĐÌNH DUNG
Năm mười một tuổi, tôi bắt đầu gặp khó khăn do nhớ đường rất kém, rất hay nhầm lẫn bên phải, bên trái nên vẫn thường bị cô giáo nhắc nhở vì một mình quay một hướng khi tập nghi thức đội, sắp xếp đội hình đội ngũ. Tôi đủ lớn để cảm thấy xấu hổ khi liên tục lạc lõng giữa bạn bè. Cô giáo cho rằng tôi không tập trung nghe hiệu lệnh nên la mắng, còn bạn bè thì chế giễu vì “có mỗi thế mà cũng không làm được”. Không đủ bình tĩnh, tôi ngồi sụp xuống đất và ôm mặt òa khóc, lần đầu tiên tôi cảm thấy chán ghét bản thân mình. Hôm đó bà đã phải mất cả buổi tối để vỗ về tôi bằng những câu chuyện nhiệm màu. Trong lúc rúc sâu vào lòng bà để hít hà mùi trầu không, tôi đã hỏi bà:
- Làm thế nào để cháu có thể phân biệt được bên trái, bên phải hả bà?
Bà cười bảo:
- Ngày xưa bà cũng hệt như cháu bây giờ vậy. Chỉ có điều hồi ấy chiến tranh liên miên, bà không được học hành đến nơi đến chốn, càng không được tập đội hình đội ngũ. Nhưng thời loạn lạc, khi bà tham gia du kích thì nhiều lần lạc trong rừng vì không thể xác định phương hướng. Cuối cùng cháu biết bà đã nghĩ ra cách gì không?
- Có phải bà sẽ không đi một mình, lúc nào đi bên cạnh bà cũng có một người khác dẫn đường, đúng không ạ?
Bà lắc đầu cười: Để sống được thì mình không thể cứ mãi phụ thuộc vào người khác con ạ. Nhất là trong chiến tranh, tự bản thân mỗi người phải mạnh mẽ, kiên cường vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Bà đã nghĩ ra một cách rất đơn giản lại thuận tiện, chính xác. Ấy là cứ lúc nào muốn xác định phải trái là bà lẳng lặng dùng hai đầu ngón tay ở hai bàn tay miết vào hai bên đùi. Nếu tay nào viết ra chữ thì đó là bên phải, tay không thể viết ra chữ là bên trái. Cháu thử làm theo bà xem nào… Chậm một chút nhưng mình vẫn có câu trả lời con ạ!
Bà cầm hai bàn tay tôi miết nhẹ nhàng, tôi nhắm mắt và cảm nhận thấy sức sống từ bàn tay gầy guộc của bà truyền vào tôi. Trái tim tôi khẽ lâng lên từng đợt sóng mơ hồ. Những xúc cảm nhẹ nhàng không chỉ thấm đẫm vào tâm hồn tôi trong một khoảnh khắc mà đã tưới tắm, nuôi dưỡng tôi cả một quãng đời niên thiếu rất dài. Bà đã dạy tôi bù đắp những thiếu khuyết bẩm sinh và cảm nhận cuộc sống bằng trái tim mình. Bà dạy tôi biết cách yêu hết thảy mọi thứ xung quanh mình bằng ham muốn được gần gũi và khám phá. Không gì là không thể và tôi lớn lên như thế…
Quê nhỏ năm xưa giờ đã lên thành phố. Những con đường tôi từng đi lạc giờ mất dấu khi nhà cửa san sát mọc lên. Đường làng biến mất, phố xá mở rộng thênh thang, nhiều cột đèn giao thông nhấp nháy. Sau nhiều năm học nghề tại Thụy Sỹ tôi được mời về làm bếp trưởng tại khách sạn lớn nhất thành phố.
Ngôi nhà xưa bố mẹ vẫn giữ lại như một món quà dành cho tôi chỉ có điều theo năm tháng giờ đã phải tu sửa đi nhiều. Trong khu vườn tuổi thơ vẫn bốn mùa hương hoa khoe sắc, lặng lẽ những chùm hoa bỏng nở bằng màu của trái tim ấm nóng. Sau mỗi ngày làm việc tôi đều trở về nhà, ngồi lặng im ở góc vườn, nhắm chặt mắt để đón luồng ánh sáng chiếu rọi trong tâm thức đang lan tỏa thấm đẫm tâm hồn tôi, trái tim tôi. Tôi tưởng như đang cảm thấy bà trở về, dùng hai bàn tay gầy guộc của bà nắm lấy bàn tay bé nhỏ của tôi miết từng chữ một. Nhờ bà mà tôi đã không lạc phương hướng trong cuộc đời dài rộng. Nhờ bà tôi luôn cảm thấy có một nguồn năng lượng kỳ diệu cháy trong tim mình. Nhờ bà mà tôi tìm thấy mình trong mỗi ngày nỗ lực sống không mệt mỏi…
Công việc nấu ăn mang lại cho tôi nhiều hứng thú khi mỗi một món ăn tôi đều nghĩ sẽ nấu nó cho bà. Nhờ thế tôi dễ dàng sáng tạo ra món mới. Biến tấu của tôi luôn thu hút mọi thực khách vì sự lạ lẫm đến kỳ ảo của chúng. Tôi ước gì bà còn sống đến bây giờ dù mắt bà có mờ, tay có run, chân có chậm. Thì tôi sẽ đến bên, dắt bà vào một căn phòng, nơi mà tôi đã tự tay nấu cho bà một bữa tiệc nhiều mùi vị và màu sắc. Những sắc màu bà đã dạy tôi cảm nhận bằng cả trái tim… Đây là màu đỏ của cà rốt nó luôn làm nhịp đập trái tim tôi nhanh hơn. Đây là màu vàng của khoai tây bởi nó luôn khiến tôi thấy thư thả và khi cầm nó lên tay tôi cảm thấy cảm giác mát rượi. Đây là màu xanh của xà lách, của rau cải bởi chỉ vừa nhìn tôi đã thấy hưng phấn, rộn rã reo vui… Món ăn mà tôi thiết kế lên luôn quyến rũ, độc đáo và chưa bao giờ giống với bất cứ ai. Giới ẩm thực gọi tôi là “Phép lạ của Hòa Bình”… mỗi lần nghe gọi thế tôi đều phất ngón tay ra dấu cảm ơn và đề nghị hãy gọi là “Phép lạ của bà tôi”…
Tôi nằm xuống, ngủ một giấc thật bình yên. Trong giấc mơ tôi thấy mình bay lên giữa một bầu trời nhiều sắc màu hòa quyện. Tôi nghe thấy có rất nhiều tiếng gọi, người gọi tôi là Hòa Bình, người gọi là Giun Đất, rồi cả tiếng ai đó gọi thân thương từ cõi xa xăm… Bà đứng đó nhìn tôi cười hiền hậu, bà bảo “Hoa Bỏng của bà ơi! Lại đây với bà nào”. Tôi ùa vào lòng bà, hít hà mùi trầu không đang tỏa ra từ đôi môi bà màu đỏ. Bà cháu tôi cùng dắt tay nhau đi dạo trên những cung đường thành phố…