Bàn tay cha
Tạp bút của LÊ NAM
Tôi chưa bao giờ thực sự nhìn kỹ bàn tay cha - đôi bàn tay đã từ từ yếu dần kể từ khi cha bị tai biến hơn chục năm trước. Và sáng hôm ấy, tôi thảng thốt khi thấy đôi tay cha run rẩy từng chút, từng chút, chỉ để có thể cầm chắc đôi đũa, tự mình gắp thức ăn. Khoảnh khắc đó, tôi chợt hiểu ra, bàn tay cha không chỉ đang chống chọi với bệnh tật, mà còn đang níu giữ chút tàn dư cuối cùng của một thời trai trẻ mạnh mẽ.
Và tôi tự hỏi, suốt bao năm qua, mình đã vô tâm đến nhường nào…
Tôi nhớ những ngày còn bé, nhớ lại những năm tháng khó khăn của thời bao cấp. Cũng như bao gia đình khác ở Quy Nhơn, khi ấy, bữa cơm gia đình chẳng mấy khi đủ đầy, sự đạm bạc đã trở thành điều quen thuộc. Thịt, cá hiếm hoi đến mức chỉ xuất hiện vào những dịp đặc biệt. Nhưng giữa những ngày khó khăn ấy, bàn tay cha vẫn rắn rỏi, mạnh mẽ. Tôi nhớ mãi hình ảnh cha đạp xe chở cây đòn dông về để gác mái nhà. Những buổi chiều đi làm về, cha mẹ lại cần mẫn tự xây từng viên gạch một, từng đường bay một mà rồi thành ngôi nhà đơn sơ nhưng tràn đầy tình yêu thương.
Nhà văn Chu Lai từng nói: “Mười người ra đi thì chín người không trở về. Chiến tranh chưa bao giờ là ngày hội. Tôi may mắn trở về đến nỗi cảm giác có tội với bạn bè, đồng đội.” Cha tôi cũng như thế, sau năm 1975, khi trở về quê nhà Bình Định và sinh sống ở Quy Nhơn, cha mang theo những vết thương hằn sâu trên đùi, trên đầu, và cả trong tâm khảm - ký ức về những đồng đội đã ngã xuống nơi chiến trường. Cha hay nói: “Ba may mắn hơn những đồng đội của mình.” Và có lẽ, chính vì thế, cha đã sống mỗi ngày với lòng khiêm nhường, tự trọng, như để xứng đáng với những đồng đội mãi mãi không về.
Những ngày đầu sau chiến tranh, cuộc sống chồng chất khó khăn. Nhưng bàn tay cha chưa bao giờ ngơi nghỉ. Đôi bàn tay chai sạn ấy không còn cầm súng, mà thay vào đó là những viên gạch, những tấm ván, những luống rau xanh để dựng lại cuộc đời. Tôi nhớ những ngày cha lặng lẽ cùng đồng nghiệp gồng mình chống bão ở cơ quan, những buổi lom khom cuốc đất trồng rau, hay những chiều muộn lụi cụi lợp lại mái nhà dột. Bàn tay cha thô ráp, chai sạn, nhưng chưa bao giờ mất đi hơi ấm. Cha tránh nói về chiến tranh, về những mất mát, nhưng tôi hiểu, cha luôn sống với lòng biết ơn những đồng đội đã hy sinh. Thay vào đó cha dạy tôi lòng biết ơn, sự tử tế và đức trung thực. Và nhờ có cha, mái ấm gia đình tôi vẫn vững vàng trước mọi giông tố, như chính cách cha đã kiên cường bước qua những ngày tháng khốc liệt nhất của cuộc đời.
Đôi bàn tay ấy đã nắm chặt tay tôi khi tôi rụt rè bước vào lớp học đầu tiên. Đôi bàn tay ấy dắt tôi qua những con đường bụi mờ. Và đôi bàn tay ấy cũng lặng lẽ vỗ nhẹ lên vai khi tôi lần đầu tập đi xe đạp rồi vấp ngã. Không có lời dỗ dành, không có câu “Cố lên con nhé”, chỉ có một cái vỗ thật khẽ. Mãi sau này, tôi mới hiểu rằng: “Không sao, đứng dậy đi con“. Bàn tay cha không chỉ nâng niu, mà còn dạy tôi cách mạnh mẽ bước qua những thử thách đầu đời. Rồi đến ngày tôi rời quê lên thành phố học, lòng đầy chênh vênh trước ngã rẽ cuộc đời. Tôi nhìn cha, mong một lời khuyên, nhưng cha chỉ lặng lẽ nắm tay tôi rồi nhẹ nhàng đẩy về phía trước. Khi ấy, tôi chợt hiểu rằng: “Cứ đi đi, cha luôn ở phía sau“.
Tôi trưởng thành, mải mê với những ước mơ, những hành trình của riêng mình mà quên mất rằng cha vẫn luôn dõi theo. Cha ít nói, nhưng đôi bàn tay gầy guộc ấy vẫn luôn âm thầm nâng đỡ tôi. Khi tôi gặp khó khăn, cha nhẹ nhàng đặt bàn tay lên vai, cái siết tay không còn mạnh mẽ như trước, nhưng vẫn đủ để truyền cho tôi sự vững tin. Tôi chợt nhận ra, dù thời gian có lấy đi bao nhiêu sức lực, dù những vết chai sần dần nhường chỗ cho những nếp nhăn, bàn tay cha vẫn mãi là điểm tựa cho tôi.
Thời gian trôi đi, bàn tay ấy giờ đã run rẩy, yếu ớt. Những ngón tay từng vững vàng dìu tôi những bước đầu tiên, giờ cầm chén trà cũng không còn chắc chắn. Tôi thấy cha ngồi lặng lẽ bên hiên nhà, xoa đôi bàn tay gầy guộc đã hằn sâu những dấu vết thời gian. Đôi bàn tay từng nâng đỡ tôi nay lại cần một bàn tay khác dìu dắt. Tôi nắm lấy tay cha, siết nhẹ, như một lời hứa rằng từ nay, tôi sẽ không để bàn tay ấy cô đơn thêm nữa.