Tỉnh táo với quảng cáo công dụng “thần thánh” của nhau thai mèo đen
Thời gian qua, nhiều người khi rao bán nhau thai mèo đen trên mạng xã hội đã đưa ra nhiều thông tin cho rằng nó có công dụng chữa bệnh và nhiều tác dụng thần kỳ.
“Hiếm có khó tìm, nếu ai sở hữu được thì cả năm không lo tiền tài danh vọng”, đây là một trong những lời mời chào mà gần đây tài khoản “Đặng Hồng Thơm” thường đăng ở các hội nhóm Facebook của người dùng mạng xã hội trên địa bàn tỉnh.
Phóng viên liên hệ qua số điện thoại trong bài viết thì được một người phụ nữ cho biết, nhau thai mèo đen có thể chữa được bệnh hen suyễn, đặc biệt nếu bỏ vào ví, két sắt có thể giúp hút tài lộc, mang lại danh lợi cho chủ nhân.
Nhau thai mèo đen được rao bán trên Facebook với những lời quảng cáo có công dụng thần kỳ.
Không riêng chị này, một số người bán hàng khác thậm chí cho rằng sản phẩm có thể dùng chữa yếu sinh lý nam, trừ tà, mang lại may mắn trong đường tình duyên, giúp cầu được ước thấy, không làm cũng có ăn. Vì nhiều công dụng như vậy, một nhau thai mèo đen sau khi được xử lý, phơi khô, giá bán có thể lên đến 1 triệu đồng.
Trái ngược với những thông tin trên, một chuyên gia dược liệu hiện là hội viên Hội Đông y tỉnh khẳng định, không có bất kỳ tài liệu khoa học, công trình nghiên cứu nào thể hiện nhau thai mèo đen có công dụng chữa bệnh như trên. Trong khi đó, ghi chép trong cuốn Từ điển khoáng vật và động vật làm thuốc ở Việt Nam (NXB Y học, năm 1998) của tác giả Võ Văn Chi - người được mệnh danh “pho từ điển sống của thực vật Việt Nam”, cũng chỉ nói đến công dụng của thịt mèo (miêu nhục), xương mèo (miêu cốt) và hoàn toàn không hề đề cập đến nhau thai mèo.
Ở một góc nhìn khác, luật gia Huỳnh Văn Chưa, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) cho rằng, nhau thai mèo có thể mang lại may mắn, tài lộc tới đâu thì không biết, nhưng có một điều chắc chắn là người bán đang đối mặt với rủi ro pháp lý. Theo đó, hành vi này có thể rơi vào trường hợp lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan… quy định tại Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 37, Điều 1, Nghị định 14/2022/NĐ-CP). Theo đó, mức xử phạt đối với tổ chức vi phạm là từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng, còn đối với cá nhân là từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
NGUYỄN CHƠN