Tuy Phước đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP
Phát huy kết quả đã đạt được từ chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), năm 2025 huyện Tuy Phước có kế hoạch phát triển thêm 11 sản phẩm đạt OCOP 3 sao; đồng thời tích cực hỗ trợ các chủ thể quảng bá sản phẩm đến với khách hàng.
Theo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện, đến cuối năm 2024, Tuy Phước có 52 sản phẩm OCOP, gồm 49 sản phẩm OCOP 3 sao và 3 sản phẩm OCOP 4 sao, gồm: Yến sào Năm Công của hộ kinh doanh Lê Văn Công (xã Phước Sơn), Tương ớt Magic Ngon của Công ty TNHH Phước An (xã Phước An) và Chanh muối Bà Nhiêm của Cơ sở Bà Nhiêm (xã Phước Nghĩa).
Tại xã Phước Hòa, nhắc tới chả lụa, nhiều người sẽ nghĩ đến Cơ sở Nem chả Thủy Đạt. Cơ sở có hơn 20 năm hoạt động, lượng khách hàng truyền thống khá dồi dào, năm 2024 chủ cơ sở Cao Thị Bích Thủy quyết định làm hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP 3 sao và đã được công nhận. “Ấn tượng lớn nhất trong tôi sau khi sản phẩm được dán nhãn mác chính là thái độ của khách hàng - dù là khách quen, vẫn thể hiện sự yên tâm hơn. Đặc biệt khách mới, không chỉ mua để trải nghiệm thử mà họ còn giới thiệu ngay với bạn bè, người quen”, bà Thủy chia sẻ.
Để các sản phẩm OCOP trên địa bàn đến gần hơn với người tiêu dùng, trong năm 2024, huyện Tuy Phước đã tổ chức phiên chợ giới thiệu sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu. Ảnh: N.N
Tháng 12.2024, sản phẩm Chanh muối Bà Nhiêm của Cơ sở Bà Nhiêm (xã Phước Nghĩa) là 1 trong 2 sản phẩm của Tuy Phước được nâng từ 3 sao lên 4 sao. Chị Nguyễn Vũ Mỹ Nguyên, chủ cơ sở cho biết: Sau khi sản phẩm đạt OCOP 3 sao năm 2023, nhận thấy lợi ích rõ ràng của việc được chứng nhận OCOP, tôi nỗ lực đầu tư để nâng hạng cho sản phẩm, tham gia nhiều hội chợ, mở rộng thị trường cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Chỉ một năm sau, chúng tôi thành công khi được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.
Rõ ràng, chương trình OCOP giúp khơi dậy tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy kinh tế nông thôn Tuy Phước phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, bền vững. Dù vậy, số lượng sản phẩm và DN tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP vẫn còn ít so với tiềm năng và không đồng đều giữa các địa phương.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tuy Phước cho hay, tới đây huyện chủ động rà soát, hướng dẫn các DN, cơ sở sản xuất, HTX, chủ hộ kinh doanh tiếp tục nâng cao chất lượng, quy trình, truy xuất nguồn gốc sản phẩm để đăng ký tham gia chương trình, phát triển sản phẩm OCOP. Phối hợp đơn vị tư vấn, hướng dẫn chủ thể hoàn thiện hồ sơ công nhận sản phẩm; tham mưu Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP theo đúng quy định. Huyện phấn đấu có thêm 11 sản phẩm được đánh giá, công nhận OCOP 3 sao và 1 sản phẩm nâng hạng lên 4 sao. Đồng thời, tổ chức thẩm định công nhận lại 8 sản phẩm hết hạn.
Cùng với đó, huyện cũng sẽ phối hợp với các sở, ngành hỗ trợ xây dựng quy trình truy xuất nguồn gốc, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm ưu tiên cho các sản phẩm OCOP, đồng thời xác định các loại nông sản cần hỗ trợ tiêu thụ, làm việc với các nhà phân phối, chế biến nông sản lớn của cả nước để hình thành các kênh tiêu thụ nông sản bền vững. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa, các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm OCOP để tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
“Chúng tôi cũng đề nghị Sở Công Thương hỗ trợ các DN, HTX, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn phát triển kênh phân phối thương mại điện tử, giúp các cá nhân, DN dễ dàng hơn khi giới thiệu và đưa sản phẩm OCOP của mình đến tay khách hàng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh phát triển thị trường”, ông Xuân cho hay.
NGỌC NGA