Vững tâm lý, rèn kỹ năng sống
Nhằm giúp học sinh rèn luyện kỹ năng sống và trang bị kiến thức cần thiết, Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh đã triển khai nhiều chương trình như “Học làm người có ích”, “Học làm chiến sĩ cảnh sát PCCC”, “Vượt qua chính mình”… Các hoạt động được thiết kế sinh động, phù hợp với từng nhóm đối tượng, mang đến những trải nghiệm bổ ích cho học sinh.
Hành trang cần thiết
Dành cho học sinh tiểu học và THCS, chương trình “Học làm người có ích” giúp các em phát triển kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm và ứng xử văn hóa thông qua những trò chơi thực tế. Không còn những bài giảng khô khan, chương trình khuyến khích học sinh thảo luận, xử lý tình huống và thể hiện suy nghĩ của mình.
Học sinh Trường Tiểu học Nhơn An (TX An Nhơn) hào hứng tham gia chương trình “Học làm chiến sĩ cảnh sát PCCC”. Ảnh: D.L
Hào hứng tham gia chương trình nói trên vào tháng 3 vừa qua, em Nguyễn Trần Khương (lớp 9A1, Trường Tiểu học & THCS Canh Hiển, huyện Vân Canh) cho hay: “Em tự nhận thấy mình chưa thực sự quen với làm việc nhóm bởi hơi e ngại việc bày tỏ suy nghĩ và bất đồng ý kiến với bạn bè. Khi trình bày vấn đề này tại chương trình, em được “tháo gỡ” nút thắt và biết thêm một số mẹo để tự tin hơn, biết hợp tác với bạn bè, cùng hoàn thành tốt việc chung”.
Nếu học sinh cấp I, cấp II cần tạo những thói quen có ích trong ứng xử, học tập thì ở lứa tuổi lớn hơn lại cần được hướng dẫn cách đối diện với những áp lực về học tập, tâm lý. Hiểu điều đó, Trung tâm đã tổ chức diễn đàn tư vấn tâm lý “Vượt qua chính mình”, giúp học sinh nhận diện và tháo gỡ những khúc mắc; hướng dẫn các em thực hành những phương pháp giải tỏa căng thẳng…
Không còn giữ vẻ trầm tư như đầu buổi, Vũ Minh Quân (lớp 12A5, Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn) nhẹ nhõm hơn sau khi được chuyên gia hướng dẫn cách kiểm soát cảm xúc và cân bằng thời gian học tập.
“Em hay lo lắng về điểm số và áp lực đồng trang lứa. Sau khi được nghe chuyên gia tư vấn, em hiểu rằng mình cần chia sẻ nhiều hơn với cha mẹ, học cách sắp xếp thời gian giữa học và giải trí để không bị căng thẳng”, Quân nói.
Bên cạnh kỹ năng sống, việc trang bị kiến thức an toàn, đặc biệt là phòng cháy, chữa cháy cũng rất quan trọng. Chương trình “Học làm chiến sĩ cảnh sát PCCC” được triển khai cho học sinh cả ba cấp, giúp các em biết cách xử lý khi xảy ra sự cố.
Lần đầu tiên trực tiếp sử dụng bình chữa cháy và tham gia tình huống giả định “thoát nạn trong đám cháy”, em Võ Phạm Phương Thùy (lớp 5C, Trường Tiểu học Nhơn An, TX An Nhơn) không giấu khỏi vẻ thích thú.
“Không chỉ biết lý thuyết về các vụ cháy nổ, em và các bạn đã được chú cảnh sát PCCC đưa ra những câu hỏi để tập phản xạ nhanh trong những tình huống khẩn cấp. Phần thực hành cũng hết sức thú vị khi chúng em được trải nghiệm nhiều điều mới mẻ. Nhờ đó, em đã tự tin hơn vì biết cách bảo vệ bản thân và giúp đỡ người khác”, Tú Quyên “bật mí”.
Đồng hành và đổi mới
Năm 2025, Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh cùng tổ chức Đoàn, Hội, Đội các cấp đã phối hợp với nhiều đơn vị để mở rộng quy mô tổ chức, nâng cao chất lượng các chương trình nhằm đổi mới nội dung, tăng hiệu quả tuyên truyền.
Theo Th.S Nguyễn Thị Thùy Trang (giảng viên Tâm lý học tại khoa Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Quy Nhơn), áp lực học tập, gia đình và mạng xã hội có thể khiến học sinh gặp phải tình trạng căng thẳng kéo dài nếu không được hỗ trợ kịp thời, đúng cách. Do đó, việc lắng nghe và đổi mới, nâng cao chất lượng các buổi tư vấn là điều cần thiết.
“Các buổi tư vấn sẽ được tăng thêm thời gian để học sinh chia sẻ những vấn đề cá nhân và nhận lời khuyên cụ thể từ người có chuyên môn. Các phương pháp như sử dụng nhiều hơn mô hình trực quan, khuyến khích các em tham gia trình bày và thảo luận cũng được áp dụng, giúp tăng hiệu quả tiếp nhận kiến thức và phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề”, Th.S Trang cho biết.
Một điểm mới khác trong các chương trình năm nay là tăng cường thực hành. Chẳng hạn, trong chương trình “Học làm chiến sĩ cảnh sát PCCC”, ngoài lý thuyết, học sinh được trải nghiệm nhiều hơn các tình huống giả định; thực hành kỹ năng thoát nạn trên cao bằng xe thang hoặc dây thả chậm; học cách dùng bình chữa cháy; tham quan các phương tiện, dụng cụ liên quan đến công tác PCCC&CNCH…
Trong khi đó, chương trình “Học làm người có ích” cũng được bổ sung nội dung về ứng dụng công nghệ số trong học tập và vui chơi, giúp học sinh làm quen với phương pháp tự học và cải thiện kỹ năng cần thiết trong thời đại số hóa. Đồng thời, để bổ trợ cho kỹ năng này, các diễn đàn truyền thông về kỹ năng sử dụng an toàn mạng cũng được Trung tâm tổ chức.
Anh Trần Ngọc Quỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh, cho biết: “Chúng tôi mong muốn mang đến cho học sinh những kiến thức thực tế, giúp các em tự tin và vững vàng hơn trong cuộc sống. Với sự đồng hành của tổ chức Đoàn, Hội, Đội và cơ quan chức năng, các chương trình giáo dục kỹ năng sống sẽ tiếp tục được hoàn thiện và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của học sinh và phụ huynh, từ đó tạo nền tảng vững chắc giúp các em phát triển toàn diện”.
DƯƠNG LINH