Phòng ngừa, ngăn chặn thanh thiếu niên phạm tội:
Cần giải pháp căn cơ, đồng bộ - Kỳ 1: Tội phạm trẻ hóa, manh động, tàn bạo
LTS: Tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh đang trở thành vấn đề nhức nhối với mức độ và tính chất ngày càng nghiêm trọng. Điều đáng nói, nhiều hành vi phạm tội của thanh thiếu niên bắt nguồn từ sự thiếu giáo dục, quản lý và định hướng của gia đình, nhà trường, cũng như ảnh hưởng tiêu cực của môi trường sống. Báo Bình Định xin giới thiệu đến bạn đọc chuyên đề “Phòng ngừa, ngăn chặn thanh thiếu niên phạm tội: Cần giải pháp căn cơ, đồng bộ”, phản ánh thực trạng, nguyên nhân và giải pháp; góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy sự vào cuộc quyết liệt hơn từ các cấp, ngành và toàn xã hội.
Kỳ 1: Tội phạm trẻ hóa, manh động, tàn bạo
Thời gian qua, liên tiếp những vụ án nghiêm trọng do thanh thiếu niên gây ra trên địa bàn tỉnh cho thấy tình trạng tội phạm ngày càng trẻ hóa, manh động và tàn bạo. Điều đáng lo ngại là những đối tượng trên dù mới 14, 15 tuổi nhưng lại hết sức liều lĩnh, sẵn sàng dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, bất chấp hậu quả.
Từ bạo lực tự phát đến phạm tội có tổ chức
Vụ án giết người gây rúng động dư luận do Hoàng Lê Minh (SN 2004, ở TP Quy Nhơn) cùng đồng bọn thực hiện mà TAND tỉnh xét xử vào ngày 27.12.2024 vừa qua là một ví dụ cho sự manh động, liều lĩnh và tàn ác của tội phạm thanh thiếu niên (TTN).
Chỉ vì nghi ngờ nạn nhân V.T.D. (SN 2005, ở TP Quy Nhơn) lấy trộm điện thoại của một người trong nhóm, Minh cùng 6 đối tượng khác đã truy tìm D. Vừa thấy D., cả nhóm lập tức lao vào đánh hội đồng, trong đó Nguyễn Thị Anh Thư (SN 2004, ở TP Quy Nhơn) - nữ bị cáo duy nhất - lại là kẻ ra tay bạo liệt nhất khi dùng gạch đánh mạnh vào đầu nạn nhân.
Vụ án này không chỉ gây ra cái chết đau lòng mà còn cho thấy sự liều lĩnh, manh động, tàn ác và thiếu hiểu biết pháp luật của đối tượng trẻ tuổi. Những hành vi này phản ánh một thực tế đáng lo ngại: Tội phạm TTN ngày càng trở nên nguy hiểm hơn, có sự tham gia của nhiều dạng đối tượng khác nhau, mức độ tàn bạo ngày càng cao hơn.
Tình trạng TTN phạm tội không chỉ bộc lộ ở hành vi bạo lực đơn thuần mà còn lan rộng ra các dạng phạm tội khác, việc phạm tội có tổ chức tinh vi. Vụ án mua bán người dưới 16 tuổi do Đào Nguyễn Thành Huy (SN 2005, ở huyện Tuy Phước) cầm đầu là một ví dụ.
Với vẻ ngoài hiền lành của một sinh viên đại học, ít ai ngờ rằng Huy lại là kẻ môi giới thiếu nữ dưới 16 tuổi vào làm “cave” tại các quán karaoke, tham gia bắt giữ người trái pháp luật và tổ chức cưỡng đoạt tài sản. Với 3 tội danh: Mua bán người dưới 16 tuổi với tình tiết phạm tội đối với từ 2 đến 5 người; bắt giữ người trái pháp luật với tình tiết đối với người dưới 18 tuổi; cưỡng đoạt tài sản với tình tiết phạm tội đối với người dưới 16 tuổi; Huy bị TAND tỉnh tuyên phạt 9 năm tù giam - cái giá đắt cho lòng tham mù quáng, bất chấp tất cả.
Cơ quan CA làm việc với đối tượng TTN vi phạm pháp luật. Ảnh: K.A
Những kẻ thủ ác “trẻ người non dạ”
Thực tế cho thấy, hầu hết đối tượng phạm tội ở độ tuổi TTN đều có đặc điểm chung: Nhận thức pháp luật hạn chế, thiếu kỹ năng sống, dễ bị lôi kéo vào những hành vi phạm pháp. Không ít trường hợp bỏ học sớm, sống buông thả, bị ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường xung quanh, nhất là những trào lưu lệch lạc trên mạng xã hội.
Phiên tòa xét xử vụ án giết người do Hoàng Lê Minh cùng đồng bọn gây ra là một ví dụ. Khi đứng trước Hội đồng xét xử, những bị cáo tuổi đời còn rất trẻ hoàn toàn bàng quan, dửng dưng trước tội ác mà mình gây ra, trước tổn thất, mất mát không thể bù đắp được khi nhiều gia đình mất đi người thân, hệ lụy và những bi kịch mà họ phải gánh chịu.
Hay chỉ mâu thuẫn nhỏ, đôi lời thách thức vu vơ mà nhóm các bị cáo Bùi Định Tường (SN 2003), Huỳnh Văn Tiến (SN 2001) cùng trú huyện Tuy Phước; Trương Hồ Anh Quân (SN 2004), Nguyễn Thanh Lưu (SN 2007) cùng trú TX An Nhơn lại dùng súng, đạn để giải quyết. Nhìn cả 4 bị cáo đứng trước Hội đồng xét xử TAND tỉnh vào ngày 24.2.2025 ai cũng ngạc nhiên khi chúng còn khá trẻ, nhưng khi nghe thuật lại hành vi của chúng, những người lương thiện không khỏi bàng hoàng vì sự hung hăng, liều lĩnh, càn rỡ đến khó tin của chúng.
Không chỉ bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội, manh động, một bộ phận không nhỏ TTN còn vi phạm pháp luật chỉ vì thích thể hiện. Đơn cử như trường hợp L.P.N.T. (SN 2006, ở huyện Vân Canh); T. đặt mua tới 245 viên pháo bi để khi có dịp ăn nhậu, sinh nhật thì mang ra đốt cho vui…
Theo CA tỉnh, dù cơ quan chức năng đã tuyên truyền, cảnh báo nhiều, nhưng số vụ vi phạm pháp luật do TTN gây ra đang ở mức đáng báo động. Thượng tá Trương Văn Phụng, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (từ ngày 1.3.2025 là Trưởng Phòng Công tác chính trị, CA tỉnh) cho rằng: “Điều đáng lo ngại nhất là mức độ manh động của tội phạm TTN ngày càng cao. Không ít đối tượng dù đang ở độ tuổi “cắp sách đến trường” nhưng sẵn sàng dùng dao, gậy, thậm chí là súng tự chế để tấn công người khác. Tình trạng này không chỉ gây mất ANTT mà còn để lại những hậu quả xã hội nặng nề”.
Đồng quan điểm, Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, Kiểm sát điều tra (Viện KSND tỉnh) Đỗ Văn Quý nhấn mạnh: “Nhiều TTN phạm tội do thiếu hiểu biết pháp luật, hành động bộc phát. Tuy nhiên, vi phạm pháp luật dù ở độ tuổi nào cũng phải chịu trách nhiệm. Quan điểm của ngành tư pháp là xử lý nghiêm để đảm bảo tính răn đe, không để tình trạng phạm tội lặp lại”.
Năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.440 trường hợp vi phạm pháp luật, trong đó 402 trường hợp người vi phạm thuộc độ tuổi từ 14 đến dưới 18 (chiếm 16,1%). Đến năm 2024, con số này tăng lên 1.524 trường hợp với 328 bị can trong độ tuổi từ 14 đến dưới 18 (chiếm 14,9%). Đặc biệt, các hành vi bạo lực như sử dụng hung khí đánh nhau, cố ý gây thương tích và giết người đang có xu hướng tăng nhanh.
KIỀU ANH - DƯƠNG LINH
* Kỳ 2: Nguyên nhân và những hệ lụy