“Ngày giải phóng” ở Mỹ đã đến!
"Ngày giải phóng" của Mỹ như ông Trump tuyên bố đã đến, nhưng theo nhận định của Ngân hàng Goldman Sachs, nhiều khả năng nền kinh tế nước này trong năm nay sẽ được "giải phóng" khỏi... đà tăng trưởng!
Suốt nhiều tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi 2.4 là "Ngày giải phóng" đối với nước Mỹ. Đó là ngày mà ông chủ Nhà Trắng lên kế hoạch áp một loạt mức thuế quan lên các nước nhằm hiện thực hóa chương trình kinh tế đầy tham vọng của mình.
Tổng thống Donald Trump ký một sắc lệnh hành pháp tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng vào hôm 31.3, đứng cạnh ông là ca sĩ, rapper người Mỹ Kid Rock - Ảnh: AFP
Những tính toán của Washington
Theo kế hoạch, vào lúc 16h ngày 2.4 giờ Mỹ (tức 3h ngày 3.4 giờ Việt Nam), ông Trump công bố cái gọi là "thuế quan đối ứng" quy mô lớn lên các nước. "Từ "đối ứng" rất quan trọng. Những gì họ làm với chúng tôi, chúng tôi cũng làm với họ", ông Trump nhấn mạnh trước báo giới gần đây.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt đã xác nhận mốc thời gian triển khai này trong họp báo ngày 1.4. Bà cho biết Tổng thống Trump đã hội ý với đội ngũ thương mại để hoàn thiện những điểm then chốt trong chiến lược nhằm chấm dứt "hàng thập niên thương mại không công bằng".
Theo báo New York Times, nhìn từ một góc độ, "Ngày giải phóng" là sự tiếp nối hợp lý của mục tiêu mà ông Trump đã công bố trong bài phát biểu nhậm chức.
"Thay vì đánh thuế công dân của chúng ta để làm giàu cho các quốc gia khác, chúng ta sẽ áp thuế lên nước ngoài để làm giàu cho người dân của chúng ta", ông Trump từng nói.
Điều đó cho thấy ông Trump không có ý định dùng thuế làm công cụ đàm phán, mà thay vào đó, chúng được kỳ vọng trở thành một nguồn thu lâu dài cho Mỹ.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick đã nói: "Chúng sẽ giúp giảm thâm hụt và cân bằng ngân sách. Hãy để những kẻ sống nhờ vào nền kinh tế của chúng ta trả tiền và chúng ta sẽ trả ít hơn".
Tuy nhiên nhìn theo hướng kém lạc quan hơn, việc áp các mức thuế như vậy có thể phá hủy ba trụ cột liên minh, gồm xuyên Đại Tây Dương, xuyên Thái Bình Dương và với Canada. Các mối quan hệ quốc phòng, sự phụ thuộc lẫn nhau trong thương mại và sợi dây gắn kết được vun đắp nhiều thập niên qua tại các khu vực này vốn luôn đan xen chặt chẽ với nhau.
Khi được hỏi liệu chính quyền có lo ngại các mức thuế này là bước đi sai lầm hay không, bà Leavitt tỏ ra tự tin: "Chúng không sai. Chính sách này sẽ hiệu quả".
Trong những tuần gần đây, chính quyền ông Trump đã cân nhắc nhiều chiến lược thuế quan khác nhau. Một phương án được Nhà Trắng xem xét là áp mức thuế đồng nhất 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu - đề xuất mà các cố vấn cho rằng có thể giúp Chính phủ Mỹ thu về hơn 6.000 tỉ USD.
Các cố vấn của ông Trump cũng thảo luận về phương án áp dụng các mức thuế khác nhau tùy theo rào cản thương mại mà từng quốc gia đặt ra đối với hàng hóa Mỹ. Họ còn nói rằng một số quốc gia có thể hoàn toàn tránh được thuế nếu đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Thư ký báo chí Nhà Trắng tiết lộ nhiều chính phủ nước ngoài đã gọi điện cho Tổng thống Trump và đội ngũ ông để thảo luận về thuế, nhưng ông Trump chỉ tập trung vào lợi ích của nước Mỹ.
Viễn cảnh áp thuế quan những ngày qua đã khiến các thị trường trở nên bất ổn, và các nhà đầu tư muốn có bức tranh rõ ràng về chính sách thuế đối ứng của ông Trump.
Lợi bất cập hại?
Tổng thống Trump đang tìm cách thiết lập lại trật tự kinh tế toàn cầu bằng loạt thuế áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Canada, Mexico, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác. Ông lập luận rằng những biện pháp này sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất bên trong nước Mỹ và tạo nguồn thu.
Tuy nhiên, chiến lược của ông Trump đang làm đảo lộn các thỏa thuận thương mại tự do hàng thập niên với các đồng minh thân thiết của Mỹ. Chính sách này đã châm ngòi cho các biện pháp trả đũa từ các đối tác thương mại lớn, gây chấn động thị trường và làm rạn nứt các mối quan hệ ngoại giao.
Canada đã tuyên bố sẽ bảo vệ người lao động, doanh nghiệp và nền kinh tế của nước này trước các mức thuế mới cùng những lời đe dọa từ Tổng thống Trump. Thủ tướng Canada Mark Carney vừa qua nói rõ Mỹ "không còn là đối tác đáng tin cậy".
Hôm 1.4, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh Liên minh châu Âu "không phải là bên khơi mào cuộc đối đầu này, nhưng nếu cần thiết, chúng tôi hiện có một kế hoạch trả đũa mạnh mẽ".
Trong khi đó, Trung Quốc đã áp thuế trả đũa hồi tháng 3 đối với nhiều loại hàng hóa của Mỹ và cảnh báo sẽ đáp trả nếu chính quyền ông Trump tiếp tục áp thuế đối ứng với đất nước tỉ dân.
Truyền thông Trung Quốc tiết lộ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã đồng ý cùng nhau phản ứng với thuế quan của Mỹ, sau khi ba nước vừa tổ chức cuộc đối thoại kinh tế đầu tiên sau 5 năm.
Các chuyên gia thương mại chỉ ra rằng thuế không thể cùng lúc giúp ông Trump đạt được tất cả mục tiêu mà ông đã đề ra. Trên thực tế, nhiều mục tiêu trong số đó còn mâu thuẫn lẫn nhau.
Chẳng hạn, nếu thuế quan của ông Trump thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất nhiều hơn tại Mỹ, người tiêu dùng Mỹ sẽ mua ít hàng nhập khẩu hơn. Nhưng hệ quả là nguồn thu từ thuế nhập khẩu của Chính phủ Mỹ sẽ giảm đi, trái ngược với kỳ vọng ban đầu.
Các chuyên gia về chính sách thương mại đều chỉ ra người tiêu dùng Mỹ nhiều khả năng sẽ phải gánh chịu chi phí từ các mức thuế mới, giống như họ đã từng phải chịu trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump.
Các nhà bán lẻ thường tăng giá sản phẩm, trong khi các nhà sản xuất sử dụng nguyên liệu nhập khẩu phải đối mặt với chi phí cao hơn.
(Theo THANH BÌNH/NGHI VŨ/TTO)