Cho tiếng chiêng, tiếng đàn đá ngân xa…
Không chỉ chơi giỏi các loại nhạc cụ dân tộc của đồng bào Bana K’riêm ở Vĩnh Thạnh và cả một số loại nhạc cụ Tây Nguyên, nghệ nhân Nguyễn Thái Hùng (67 tuổi) ở khu phố Ðịnh Thiền, thị trấn Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh) đã truyền dạy và lập ban nhạc biểu diễn phục vụ những hội diễn văn nghệ, sự kiện du lịch ở địa phương.
Dù không phải là người Bana K’riêm nhưng nghệ nhân Nguyễn Thái Hùng đam mê những thanh âm từ các loại nhạc cụ của đồng bào Bana K’riêm và đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, từ đó theo học thành thạo nhiều loại nhạc cụ, như: Cồng, chiêng; đàn tơ rưng, đàn pơ lơn khơn, đàn đá, đàn kơ rông bút; trống; sáo la, sáo ta lía...
Nghệ nhân Nguyễn Thái Hùng (phía sau, bìa phải) biểu diễn đàn tơ rưng hòa tấu cùng ban nhạc. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Nghệ nhân Nguyễn Thái Hùng kể lại: “Năm 1978 tôi tham gia thanh niên xung phong. Trong đơn vị ngày ấy có những đồng đội người Tây Nguyên biết chơi nhạc cụ dân tộc. Tôi mê mẩn tiếng đàn tơ rưng réo rắt như dòng nước chảy giữa đại ngàn và theo học. Từ đó, niềm đam mê nhạc cụ dân tộc trong tôi cứ lớn dần lên. Sau này tôi có thời gian công tác trong Nông trường thuốc lá Sông Kôn, tiếp xúc nhiều bà con Bana K’riêm Vĩnh Thạnh và học thêm cồng chiêng, các loại nhạc cụ dân tộc khác”.
Dù biết sử dụng nhiều loại nhạc cụ dân tộc, nhưng thế mạnh của ông Hùng là thổi sáo. Ông chia sẻ: “Đồng bào Bana K’riêm có sáo la (thổi ngang) và sáo ta lía (thổi dọc) với thanh âm bay bổng rất hay, nhưng nhạc cụ này đến nay đã dần mai một vì ít người biết chơi. Còn đàn đá thì tôi học kỹ thuật biểu diễn từ đồng bào các dân tộc Tây Nguyên”.
Không chỉ chơi hay các loại nhạc cụ dân tộc, nghệ nhân Nguyễn Thái Hùng còn tự mày mò chế tác thêm một số loại nhạc cụ dựa trên nguyên lý hoạt động của các loại nhạc cụ dân tộc, rồi truyền dạy cho nhiều người trong huyện Vĩnh Thạnh, lập nên một ban nhạc để góp mặt biểu diễn trong các hội diễn ở địa phương, sự kiện do huyện tổ chức.
Nghệ nhân Nguyễn Thái Hùng cho biết: “Dựa trên các loại nhạc cụ của đồng bào Bana K’riêm, tôi chế tác thành các loại nhạc cụ để làm sao chơi được nhiều cung bậc, có đủ những cung trưởng, thứ, nốt thăng, giáng. Như dựa trên đàn kơ rông bút nguyên bản làm bằng ống tre nứa, tôi chế tác ra đàn kơ rông bút bằng ống nhựa, người chơi dùng hai miếng nhựa dẻo, hoặc xốp dẻo để đánh tạo ra tiếng bass đệm cho dàn nhạc khi hòa tấu. Tùy theo thể loại nhạc, khi biểu diễn có thể bổ sung đàn mandolin và guitar thùng vào dàn nhạc hòa tấu với các loại nhạc cụ dân tộc cho giai điệu hay hơn”.
Ban nhạc do nghệ nhân Nguyễn Thái Hùng lập ra có 10 thành viên, gồm người nhà ông và một số nghệ nhân trong huyện. Bé Nguyễn Đức Khánh (cháu ngoại ông Hùng), học sinh lớp 2, Trường Tiểu học thị trấn Vĩnh Thạnh, chia sẻ: “Con được ông ngoại dạy đánh trống từ năm học lớp 1 và theo ông đi biểu diễn trong nhiều sự kiện ở địa phương. Con rất vui và sẽ cố gắng học thêm các loại nhạc cụ khác nữa để biểu diễn”.
Cũng là thành viên ban nhạc và theo học đàn kơ rông bút hơn 1 năm, chị Đặng Thị Lan (em vợ ông Hùng) ở thôn Vĩnh Cửu, xã Vĩnh Hiệp, tâm tình: “Ban đầu học thấy rất khó, nhưng anh Hùng tận tình chỉ dạy tôi làm quen từng nốt nhạc, điều khiển đôi tay để tập vỗ cho ra thanh âm đều nhau. Đến nay, tôi đã thuần thục biểu diễn được đàn kơ rông bút hòa tấu cùng dàn nhạc”.
Gần đây nhất, tại Ngày hội hoa đào và Ngày hội thưởng ngoạn hoa trang suối Tà Má năm 2025 do UBND huyện Vĩnh Thạnh tổ chức, sự xuất hiện của ban nhạc “núi rừng” này biểu diễn những bản nhạc, như: Tiếng đàn ta lư, Xuân chiến khu, Cô gái vót chông, Bác đang cùng chúng cháu hành quân… thu hút đông đảo du khách dừng chân thưởng thức.
Nghệ nhân Nguyễn Thái Hùng chia sẻ: “Tôi rất vui vì góp phần quảng bá nhạc cụ dân tộc đồng bào Bana K’riêm đến với công chúng. Ban nhạc chúng tôi hoạt động cũng sẽ khuyến khích được nhiều người trẻ ngày càng yêu thích, hiểu hơn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, làm “sống lại” âm nhạc của đồng bào Bana K’riêm trên đất Vĩnh Thạnh”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN