Phòng ngừa, ngăn chặn thanh thiếu niên phạm tội:
Cần giải pháp căn cơ, đồng bộ - Kỳ 2: Nguyên nhân và những hệ lụy
Tội phạm thanh thiếu niên gia tăng với hành vi ngày càng nghiêm trọng, do thiếu sự quan tâm từ gia đình, ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội và môi trường xung quanh. Các em dễ bị chi phối cảm xúc, dẫn đến những hành động bộc phát, manh động, thậm chí là gây án có tổ chức… để lại nhiều hệ lụy nặng nề.
Nguyên nhân phạm tội
Theo nhận định của Th.S Nguyễn Thị Thùy Trang, giảng viên Bộ môn Tâm lý học (khoa Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Quy Nhơn), độ tuổi thanh thiếu niên (TTN) có tâm lý chưa ổn định và dễ bị chi phối bởi cảm xúc bộc phát. Do đó, khi gặp mâu thuẫn, các em không biết cách giải quyết một cách bình tĩnh, sáng suốt mà thường lựa chọn bạo lực để thể hiện mình trước bạn bè. Điều này dẫn đến việc sử dụng bạo lực như một phương thức giải quyết vấn đề, từ đó dẫn đến những vụ án nghiêm trọng.
Quang cảnh phiên tòa xét xử bị cáo Lê Hoàng Linh (SN 2005, ở xã Nhơn Hạnh, TX An Nhơn) cùng đồng bọn về tội giết người và gây rối trật tự công cộng. Ảnh: K.A
Một trong những ví dụ cho thấy sự thiếu kiềm chế cảm xúc và bộc phát trong hành vi của TTN, từ đó dẫn đến phạm tội là vụ hỗn chiến xảy ra tại ngã tư Hồ Giới (thôn Phổ Đồng, xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước). Mâu thuẫn giữa hai nhóm thanh niên do Lê Hoàng Linh và Mai Võ Thái Phong (cùng SN 2005, ở TX An Nhơn) cầm đầu đã dẫn đến việc huy động hàng chục người mang theo dao, kiếm, phảng, rựa để giải quyết. Kết quả là 1 người bị thương nặng, 41 người bị truy tố, trong đó có 26 người dưới 18 tuổi.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân quan trọng khác là sự thiếu quan tâm và giáo dục từ gia đình. Nhiều bậc phụ huynh vì mải mê kiếm sống, ít có thời gian dành cho con cái, khiến các em dễ bị lôi kéo vào các hành vi xấu mà gia đình không hay biết.
Trường hợp của Nguyễn Đức Thắng (SN 2006, ở huyện Tây Sơn) là minh chứng cho điều này. Thắng bỏ học từ sớm, thường xuyên tụ tập với nhóm bạn xấu. Đỉnh điểm là việc Thắng rủ 2 người bạn mang dao tìm và chém vào người đã vô tình va chạm giao thông với mình, vào đêm 23.4.2023.
Ngoài yếu tố gia đình, mạng xã hội và các trò chơi trực tuyến cũng là một trong những nguyên nhân khiến TTN dễ sa ngã vào con đường phạm pháp. Các video bạo lực, cờ bạc trực tuyến và các trò chơi có tính bạo lực đã tạo ra môi trường tiêu cực, khiến các em dễ bị lôi kéo vào hành vi phạm pháp. Như trường hợp Nguyễn Văn Hậu (SN 2003, ở huyện Tuy Phước) tham gia cờ bạc trực tuyến, dẫn đến hành vi trộm cắp vàng của mẹ để trả nợ, mặc dù Hậu thừa hiểu gia đình mình khó khăn.
CA làm việc với đối tượng Nguyễn Văn Hậu (SN 2003, huyện Tuy Phước) phạm tội trộm cắp tài sản, hiện đang tại ngoại. Ảnh: K.A
Thượng tá Trương Văn Phụng, nguyên Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, CA tỉnh (từ ngày 1.3.2025 là Trưởng Phòng Công tác chính trị), nhận định tội phạm ở lứa tuổi này ngày càng có xu hướng bạo lực hơn, không chỉ xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân mà còn liên quan đến các băng nhóm tự phát trên mạng xã hội. Đáng lo ngại, mạng xã hội và các trò chơi trực tuyến không chỉ là nơi khơi mào xung đột mà còn có thể kích động hành vi bạo lực, đẩy TTN vào con đường phạm tội nếu thiếu sự giám sát, định hướng kịp thời từ gia đình…
Nhiều hệ lụy
Tội phạm TTN không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến nạn nhân mà còn gây tổn hại lớn đối với gia đình của các em và xã hội nói chung.
Trường hợp của Lê Hoàng Linh là ví dụ cho sự trượt dài của bản thân. Trước khi tham gia vụ hỗn chiến, Linh từng thụ án 18 tháng tù giam vì hành vi gây rối trật tự công cộng. Thế nhưng, sau khi mãn hạn tù, Linh tiếp tục lún sâu hơn vào con đường phạm pháp, lần này với tội danh giết người và gây rối trật tự công cộng. Có thể thấy, Linh đã tự tay phá hủy tương lai của bản thân, đồng thời gieo nỗi đau cho người thân của nạn nhân, nỗi lo lắng cho cộng đồng.
Tương tự, người thân của tội phạm cũng không bình yên, họ cũng chịu nỗi đau lớn khó nguôi ngoai. Nói cách khác, không chỉ hứng chịu cú sốc tinh thần mà họ còn đối diện với sự kỳ thị của cộng đồng. Mẹ của Nguyễn Văn Hậu, người đã mất toàn bộ số vàng tích góp vì con trai, đau đớn chia sẻ: “Tôi đã hết lòng vì con, không nghĩ rằng con mình lại có thể phạm tội. Chỉ đến khi sự việc vỡ lở, tôi mới nhận ra mình đã quá chủ quan khi tin tưởng con một cách tuyệt đối”.
Hay như sự tiếc nuối, tự trách bản thân của ông N.T.T. - ông ngoại của nạn nhân V.T.D., người bị đánh tử vong vì bị nghi lấy trộm điện thoại của người khác. Ông T. nghẹn ngào: “Khi đó, dù trời đã khuya nhưng cứ nghĩ chắc không có gì nghiêm trọng. Nếu như gia đình quan tâm hơn thì cháu tôi không thiệt mạng như thế, đây là nỗi đau quá lớn”.
Với xã hội, sự gia tăng tội phạm TTN đặt ra thách thức lớn cho công tác quản lý và giáo dục thế hệ trẻ. Các vụ án liên tiếp xảy ra không chỉ gây mất ANTT mà còn để lại những hệ lụy kéo dài, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của cộng đồng.
Theo kiểm sát viên Mai Văn Cường (Viện KSND tỉnh), người đã trực tiếp tham gia công tố nhiều vụ án mà đối tượng gây án là TTN chia sẻ, tình trạng bạo lực trong xã hội đang gia tăng và xu hướng này ngày càng nghiêm trọng hơn. Hầu hết các vụ án do TTN gây ra đều có kịch bản chung: Mâu thuẫn nhỏ bị kích động bởi bạn bè, hành động bộc phát mà không lường trước hậu quả.
“Để ngăn chặn tình trạng này, ngoài việc xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, rất cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội trong việc giáo dục và tuyên truyền pháp luật cho TTN”, ông Cường nhấn mạnh.
KIỀU ANH - DƯƠNG LINH
• Kỳ cuối: Cộng đồng cùng chung tay