Làm giàu từ sản xuất bánh tráng theo dây chuyền công nghệ cao
Nhờ mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại và mở rộng quy mô sản xuất, anh Lê Văn Tuấn, ở thôn Đông Bình, xã Nhơn Thọ, TX An Nhơn không chỉ làm giàu từ nghề bánh tráng truyền thống mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.
Gia đình anh Tuấn đã gắn bó với nghề làm bánh tráng truyền thống hàng chục năm qua. Trước đây, việc sản xuất hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, các công đoạn tráng bánh đều thực hiện bằng tay, vừa tốn nhiều thời gian, công sức, vừa không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của thị trường.
Anh Lê Văn Tuấn (bìa phải) chia sẻ về cách vận hành máy để cho ra những chiếc bánh tráng mỏng ưng ý nhất. Ảnh: MINH KHOA
Trăn trở tìm hướng đi mới, năm 2018, anh Tuấn được Hội Nông dân xã Nhơn Thọ hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay và quyết định đầu tư 200 triệu đồng để lắp đặt dây chuyền tráng bánh tự động. Đây là mô hình sản xuất bánh tráng bằng máy đầu tiên tại địa phương, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng trong nghề làm bánh của gia đình anh.
Dù áp dụng máy móc hiện đại, sản phẩm từ cơ sở sản xuất của anh Tuấn vẫn giữ được hương vị thơm ngon đặc trưng của bánh tráng truyền thống. Hiện nay, cơ sở của anh sản xuất gần 350 kg bánh tráng mỗi ngày, vào mùa cao điểm dịp cuối năm có thể đạt hơn 1.000 kg/ngày.
Nhờ chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý, bánh tráng của anh Tuấn được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh đặt mua. Để tiếp tục nâng cao năng suất, anh tiếp tục đầu tư đường điện 3 pha, bổ sung 1 dây chuyền tráng bánh tự động, giúp gia tăng sản lượng và ổn định chất lượng sản phẩm.
Không chỉ mang lại thu nhập cao cho gia đình, cơ sở của anh còn tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động nữ địa phương, với mức thu nhập ổn định trên 7 triệu đồng/người/tháng.
Từ năm 2020, sản phẩm bánh tráng của anh Tuấn được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đây là bước đệm giúp thương hiệu bánh tráng của anh mở rộng thị trường tiêu thụ ra các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, TP Hồ Chí Minh và khu vực lân cận.
Không dừng lại ở đó, anh còn đầu tư bao bì, nhãn hiệu chuyên nghiệp, giúp nâng tầm giá trị sản phẩm. Nhờ vậy, doanh thu của cơ sở đạt trên 1 tỷ đồng/năm. Anh Tuấn cho biết: “Tôi sẽ tiếp tục mở rộng cơ sở, đầu tư thêm thiết bị hiện đại để nâng cao sản lượng, mở rộng thị trường và tạo thêm nhiều việc làm ổn định cho lao động địa phương”.
Không chỉ thành công trong sản xuất kinh doanh, anh Tuấn còn là hội viên nông dân tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Anh đã hiến đất làm đường bê tông nông thôn, đóng góp vào quỹ vì người nghèo, quỹ hỗ trợ nông dân và nhiều chương trình ý nghĩa khác tại địa phương.
Bên cạnh đó, anh còn là tuyên truyền viên nhiệt tình trong các chương trình về ATGT, phòng chống bạo lực gia đình do Hội Nông dân tổ chức, góp phần nâng cao nhận thức cho bà con trong khu vực.
Ghi nhận những đóng góp của anh, năm 2024, UBND tỉnh đã trao bằng khen vì có mô hình sản xuất hiệu quả và ổn định trong giai đoạn 2021 - 2023.
MINH KHOA