Myanmar đối mặt khủng hoảng y tế sau động đất
Nhiệt độ cao và mưa lớn đe dọa tính mạng những người sống sót sau động đất ở Myanmar, trong khi các tổ chức cứu trợ cảnh báo nguy cơ dịch bệnh bùng phát.
Ngày 3.4, chính quyền quân sự Myanmar cập nhật số người chết trong trận động đất mạnh 7,7 độ đã tăng lên 3.085, hơn 4.715 người bị thương và 341 người mất tích.
Người dân xếp hàng để nhận viện trợ thực phẩm sau động đất tại Sagaing, Myanmar ngày 3.4 - Ảnh: AFP
Thảm họa chồng thảm họa
Các nước vẫn đang tiếp tục hỗ trợ Myanmar khắc phục hậu quả, trong khi chính quyền quân sự đã thông báo ngừng bắn trong ba tuần. Theo Đại sứ quán Myanmar tại Nhật Bản, đã có 53 chuyến bay vận chuyển hàng viện trợ từ các nước. Hơn 1.900 nhân viên cứu hộ từ 15 quốc gia đã có mặt để hỗ trợ công tác tìm kiếm và cứu nạn.
Chiều 3.4, lô hàng viện trợ khẩn cấp thứ hai từ Trung Quốc đã đến Myanmar, bao gồm: 800 lều, 2.000 cái mền, 3.000 hộp bánh quy và các nhu yếu phẩm khác. Lực lượng cứu hộ Trung Quốc đang tiếp tục hoạt động tại Mandalay, một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất.
Hôm 2.4, cơ quan cứu hỏa Myanmar chia sẻ video về khoảnh khắc xúc động tại thủ đô Naypyidaw khi các nhân viên cứu hộ giải cứu được một người đàn ông sau hơn 100 giờ bị mắc kẹt. Tuy nhiên, thử thách đang gia tăng khi cái nóng và mưa trái mùa có thể làm trầm trọng thêm tình hình.
"Mưa sắp trút xuống, nhưng vẫn còn quá nhiều người bị chôn vùi. Đặc biệt ở Mandalay, nếu trời bắt đầu mưa, những người bị chôn vùi dưới đống đổ nát có thể sẽ chết đuối ngay cả khi họ đã sống sót đến thời điểm này", một nhân viên cứu trợ nói với Reuters.
Khủng hoảng y tế
Các phóng viên AFP đã chứng kiến cảnh tượng hỗn loạn tại Sagaing, cách tâm chấn chưa đầy 15km, vào ngày 2.4 khi hàng trăm người tuyệt vọng xếp hàng chờ nhận đồ cứu trợ. Thành phố này bị tàn phá trên diện rộng, Tổ chức Y tế thế giới cho biết cứ ba ngôi nhà tại đây thì có một căn đã bị đổ sập.
Gần một tuần sau thảm họa, nhiều người dân vẫn chưa được hỗ trợ. "Chúng tôi có giếng nước uống, nhưng không có nhiên liệu để chạy máy bơm. Chúng tôi cũng không biết mình sẽ chịu cảnh mất điện trong bao lâu", bà Aye Thikar, một nữ tu 63 tuổi, chia sẻ.
Các tổ chức cứu trợ cảnh báo thiệt hại do động đất đang đẩy Myanmar vào một cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng. Ông Mikhael De Souza, điều phối viên của Tổ chức Bác sĩ không biên giới, cảnh báo: "Nguồn nước đang thiếu hụt nghiêm trọng tại những khu vực bị ảnh hưởng. Tình trạng này không chỉ đe dọa sự sống còn tức thời, mà còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong tương lai".
(Theo THANH BÌNH – TỐ OANH/TTO)