Giúp người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng
Thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17.8.2023 của Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, thời gian qua, Ngân hàng CSXH huyện Phù Mỹ đã phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền, phổ biến và nhanh chóng đưa chính sách này vào cuộc sống, mang lại nhiều cơ hội cho người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống.
Có dịp theo chân cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Phù Mỹ, chúng tôi đến thăm mô hình phát triển chăn nuôi tiêu biểu của hộ gia đình ông Phan Đức Quang (SN 1980, ở xã Mỹ Chánh).
Ông Quang cho biết: Trước đây, ông có thời gian chăn nuôi vịt ở huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum); năm 2020, có một người bạn nhờ ông dẫn đường cho một số người sang Lào làm ăn bằng đường tiểu ngạch với tiền công từ 1,2 - 2 triệu đồng/người, nhận thấy dễ kiếm tiền nên ông đồng ý làm và bị lực lượng BĐBP tỉnh Kon Tum tuần tra phát hiện, bắt giữ. Sau đó, ông bị TAND huyện Ngọc Hồi kết án 5 năm tù giam về tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép.
Nhờ chấp hành án tốt, năm 2024 ông Quang được tha tù trước thời hạn và trở về địa phương. Với quyết tâm làm lại cuộc đời, được sự giúp đỡ của chính quyền và cơ quan chức năng, ông được Ngân hàng CSXH huyện hỗ trợ vay 100 triệu đồng theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17.8.2023 của Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù (gọi tắt là Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg) để đầu tư nuôi gối đầu trên 7.000 con vịt lớn, nhỏ (trong đó có 2.000 con vịt đẻ trứng), 11 con heo, 2 con bò. Từ hoạt động chăn nuôi, nay ông đã thu lãi gần 45 triệu đồng/tháng.
Nhờ nguồn vốn vay theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, ông Phan Đức Quang (ở xã Mỹ Chánh) đã phát triển chăn nuôi vịt đẻ trứng, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Ảnh: T.C
Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh Trần Quốc Vinh, ngay sau khi nắm thông tin về chương trình hỗ trợ vốn vay theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, chính quyền xã phối hợp với lực lượng CA xã tiến hành rà soát những trường hợp đủ điều kiện, rồi lập danh sách đề nghị Ngân hàng CSXH huyện xem xét cho vay vốn phát triển sản xuất, giải quyết việc làm. Hiện địa phương có 7 trường hợp được vay vốn với số tiền 520 triệu đồng. Hầu hết trường hợp vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, phát triển kinh tế gia đình hiệu quả.
Tại xã Mỹ Tài, thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, Ngân hàng CSXH huyện phối hợp với UBND xã, CA xã và các hội, đoàn thể rà soát và cho 4 trường hợp mới chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương được vay tổng cộng 290 triệu đồng để phát triển kinh tế, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, sớm ổn định cuộc sống.
Giữa năm 2023, sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, anh Trần Quang Khanh (SN 1988, ở xã Mỹ Tài) được Ngân hàng CSXH huyện tạo điều kiện vay 100 triệu đồng để mua máy cày, mở dịch vụ cày thuê cho các hộ quanh vùng, nhờ đó anh có thu nhập gần 12 triệu đồng/tháng, từng bước ổn định cuộc sống.
Anh Khanh bộc bạch: “Khi được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg tôi rất phấn khởi. Với những người đã từng lầm lỡ như tôi thì đây thực sự là “phao cứu sinh” để làm lại cuộc đời. Tôi nhất định sẽ phát triển kinh tế từ số tiền được vay và cố gắng trả nợ đúng hạn”.
Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Chính phủ là chính sách nhân văn, cung cấp kịp thời nguồn vốn nhằm tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn chính sách để học nghề, đầu tư sản xuất kinh doanh; đồng thời giúp các cơ sở sản xuất kinh doanh tạo việc làm, sinh kế cho những người chấp hành xong án phạt tù làm lại cuộc đời. Tính đến ngày 27.3, Ngân hàng CSXH huyện đã cho 34 trường hợp được vay với tổng dư nợ là 2,78 tỷ đồng.
Ông Phan Phương Trình, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Phù Mỹ cho biết, thời gian tới, Ngân hàng sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền, rà soát và lập danh sách những người đã chấp hành xong án phạt tù mới trở về địa phương có nhu cầu vay vốn và hỗ trợ vay đúng quy định; tuyên truyền về những mô hình sử dụng vốn có hiệu quả nhằm tạo sức lan tỏa; tổ chức các lớp tập huấn về quản lý tài chính, kỹ năng sản xuất kinh doanh, giúp họ sử dụng nguồn vốn hiệu quả, góp phần cùng các địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm ANTT tại địa phương.
TRIỀU CHÂU