Tập trung nguồn lực bảo vệ môi trường
Thời gian qua, UBND tỉnh ưu tiên tập trung nguồn kinh phí chi thường xuyên hằng năm bố trí cho công tác bảo vệ môi trường theo định hướng phát triển bền vững. Bên cạnh đó, tỉnh triển khai nhiều giải pháp thu hút nguồn vốn vay, vốn viện trợ của nước ngoài và chú trọng sử dụng nguồn lực từ huy động xã hội hóa cho công tác bảo vệ môi trường.
Ưu tiên kinh phí bảo vệ môi trường
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, thời gian qua, UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, quy định sử dụng kinh phí, định mức chi sự nghiệp môi trường nhằm triển khai đồng bộ công tác bảo vệ môi trường (BVMT). Đồng thời, hướng dẫn các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng nhiệm vụ và dự toán kinh phí thực hiện từ nguồn kinh phí sự nghiệp BVMT theo quy định.
Từ năm 2016 - 2021, dự toán chi thường xuyên cho sự nghiệp môi trường trên địa bàn tỉnh hơn 223,8 tỷ đồng, chiếm 0,6% dự toán tổng chi thường xuyên. Còn từ năm 2022 - 2024, dự toán chi thường xuyên cho sự nghiệp môi trường trên địa bàn tỉnh hơn 336,7 tỷ đồng, chiếm 1,3% dự toán tổng chi thường xuyên.
Trong điều kiện ngân sách địa phương còn khó khăn, nhưng các năm qua, tỉnh đã rà soát, ưu tiên kinh phí chi thường xuyên hằng năm để bố trí cho công tác BVMT trên địa bàn tỉnh; nhất là hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Kinh phí sự nghiệp môi trường hằng năm được bố trí ngày càng tăng, đảm bảo lớn hơn 1% tổng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách tỉnh. Bà Hà Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, nhìn nhận: Nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường được các sở, ban, ngành, địa phương sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và tập trung vào những nội dung như truyền thông về môi trường; thực hiện các mô hình BVMT; thu gom, xử lý chất thải; quan trắc hiện trạng môi trường…
Bên cạnh đó, thời gian qua, Quỹ BVMT tỉnh (thuộc UBND tỉnh) thực hiện tốt công tác hỗ trợ tài chính thông qua hoạt động tài trợ, đồng tài trợ. Từ năm 2022 - 2024, Quỹ đã tài trợ hơn 1,2 tỷ đồng cho nhiều dự án. Ngoài ra, năm 2021 và 2023, Quỹ BVMT tỉnh cho 2 dự án thuộc hoạt động thu gom rác thải được vay hơn 1,6 tỷ đồng. Quỹ BVMT tỉnh thực hiện công tác hỗ trợ tài chính cho các đơn vị, địa phương đảm bảo gắn kết với việc triển khai các chương trình, kế hoạch BVMT của UBND tỉnh; góp phần thực hiện hiệu quả công tác BVMT, ông Mai Khoa, Phó Giám đốc Quỹ BVMT tỉnh, cho hay.
Xử lý, tiêu hủy chất thải nguy hại tại nhà máy của Công ty TNHH Thương mại và Môi trường Hậu Sanh. Ảnh: V.L
Huy động nguồn lực từ cộng đồng
Thời gian qua, việc đẩy mạnh xã hội hóa công tác BVMT luôn được UBND tỉnh chú trọng thực hiện thông qua việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ môi trường, bước đầu đem lại nhiều kết quả khả quan. Tại nhiều địa phương trong tỉnh đã hình thành một số đơn vị tư nhân đầu tư thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt; xử lý chất thải công nghiệp và nguy hại.
Đơn cử, Công ty TNHH Thương mại và Môi trường Hậu Sanh đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải nguy hại với công suất 400 kg/giờ tại xã Cát Nhơn (huyện Phù Cát), góp phần xử lý hiệu quả chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh. Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển đô thị Thiên Hương, Công ty TNHH Môi trường Cát Tiến, Công ty TNHH tổng hợp Gia Thịnh, Công ty TNHH xây dựng thương mại tổng hợp Thuận Hưng thực hiện tốt công tác thu gom rác thải sinh hoạt tại huyện Vân Canh, Phù Cát, TX Hoài Nhơn.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh triển khai nhiều giải pháp thu hút các nguồn vốn vay, vốn viện trợ của nước ngoài để thực hiện các dự án về BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh. Điển hình là dự án môi trường bền vững các thành phố Duyên hải - Tiểu dự án TP Quy Nhơn được thực hiện từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Trong đó, triển khai nhiều hợp phần về BVMT như nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước trên địa bàn TP Quy Nhơn; xây dựng 2 hệ thống xử lý nước thải tập trung; nâng cấp bãi chôn lấp chất thải Long Mỹ…
Theo TS Nguyễn Việt Cường, Chi cục trưởng Chi cục BVMT (Sở Nông nghiệp và Môi trường), các dự án, chương trình BVMT sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới và một số nguồn viện trợ không hoàn lại của Chương trình Phát triển LHQ, Ngân hàng Phát triển châu Á… góp phần quan trọng hoàn thiện cơ sở hạ tầng BVMT tại TP Quy Nhơn nói riêng, trên địa bàn tỉnh nói chung. Qua đó, nâng cao hiệu quả công tác BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân trên địa bàn tỉnh.
VĂN LỰC