Phòng ngừa, ngăn chặn thanh thiếu niên phạm tội:
Cần giải pháp căn cơ, đồng bộ - Kỳ cuối: Cộng đồng cùng chung tay
Dù các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực ngăn chặn, phòng ngừa và đồng hành cùng thanh thiếu niên, nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Vì vậy, cần có những giải pháp căn cơ, đồng bộ để ngăn ngừa tội phạm trong thanh thiếu niên.
Công tác phòng ngừa còn bất cập, hạn chế
Một thực tế đáng chú ý là mặc dù các chương trình như “Thắp sáng ước mơ hoàn lương”, “Hành trình của niềm tin”… hay các hoạt động tuyên truyền pháp luật đã giúp nhiều thanh thiếu niên (TTN) nhận thức được hậu quả của hành vi phạm tội, nhưng hiệu quả của các chương trình này vẫn còn hạn chế, đặc biệt đối với những đối tượng chưa có quyết tâm thay đổi. Những chương trình này chủ yếu tập trung vào việc giáo dục và nâng cao nhận thức, nhưng lại thiếu sự can thiệp sâu và sự đồng bộ trong việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ thực tiễn.
Bị cáo Trương Hồ Anh Quân (SN 2004, TX An Nhơn) vừa bị TAND tỉnh tuyên phạt 27 tháng tù giam về hành vi “Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng” chia sẻ, từng nhiều lần bị xử phạt hành chính và án tích về tội “Cố ý gây thương tích” đã phải chịu những cái nhìn dè bỉu và lời nói thiếu thiện cảm của không ít người. Chính vì vậy mà Quân không làm chủ được bản thân nên tiếp tục phạm tội. Tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa khẳng định đây là suy nghĩ lệch lạc, không thể biện minh cho hành vi vi phạm pháp luật. Những sai lầm trong quá khứ là hệ quả từ hành động của chính bị cáo. Thay vì lấy đó làm bài học để sửa đổi, trở thành người tốt hơn, bị cáo lại tiếp tục đi vào vết xe đổ, tự đẩy mình vào vòng lao lý. Nếu thực sự muốn được xã hội nhìn nhận tích cực, cách duy nhất là thay đổi bản thân, tuân thủ pháp luật và sống có trách nhiệm hơn.
Một vấn đề quan trọng nữa là sự thiếu phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội trong công tác phòng ngừa tội phạm TTN. Hoàn toàn bất ngờ khi biết con gái mình vi phạm luật giao thông, dương tính với ma túy, chị N.T.H.T. (ở phường Thị Nại, TP Quy Nhơn) chỉ nhận ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề khi cơ quan chức năng thông báo chi tiết sự việc; cho thấy gia đình chị H. đã thiếu chủ động trong giám sát, quan tâm con cái, vì thế không phát hiện sớm dấu hiệu bất thường của con mình. Điều này phản ánh một thực tế, khi gia đình không dành đủ sự quan tâm, thiếu phối hợp với nhà trường trong giáo dục, quản lý TTN, thì hệ lụy sẽ là tình trạng vi phạm pháp luật ở TTN gia tăng.
Ngoài ra, mặc dù các chính sách hỗ trợ như vay vốn, đào tạo nghề đã được triển khai, nhưng thiếu các chương trình hỗ trợ tâm lý và sự tái hòa nhập toàn diện. Sự thiếu vắng các chương trình tư vấn tâm lý và hỗ trợ sức khỏe tinh thần khiến nhiều TTN thiếu tự tin vào bản thân và dễ rơi vào con đường sai trái một lần nữa.
Việc tuyên truyền, giáo dục và phát hiện sớm các trường hợp TTN có nguy cơ phạm tội để có biện pháp ngăn chặn kịp thời được các cấp, các ngành thực hiện đa dạng.
- Trong ảnh: CA tỉnh thuyết minh về tác hại của các loại ma túy đến ĐVTN. Ảnh: D.L.
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Là đơn vị tổ chức các diễn đàn tư vấn tâm lý “Vượt qua chính mình” hằng năm, Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh đã chú trọng xây dựng kế hoạch, phối hợp cùng tổ chức đoàn các cấp triển khai cụ thể các nội dung: Tìm hiểu thực trạng về những vấn đề tâm sinh lý học đường của thanh thiếu nhi; tư vấn tâm lý phù hợp với lứa tuổi; giáo dục kỹ năng, phòng chống bạo lực, xâm hại và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện…
“Diễn đàn tư vấn tâm lý là một trong các chương trình chính, được triển khai xuyên suốt hằng năm với mục đích định hướng giáo dục cho học sinh tiểu học, THCS, THPT về tâm lý, tình cảm của lứa tuổi, những vướng mắc trong học tập, sinh hoạt; qua đó có thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ xã hội; góp phần xây dựng và hoàn thiện nhân cách cho các em, tránh sử dụng các hành vi bạo lực, có nguy cơ dẫn đến vi phạm pháp luật”, anh Trần Ngọc Quỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm chia sẻ.
Bên cạnh đó, gia đình cũng cần chủ động giáo dục con cái, chú ý đến hành vi của con và phối hợp chặt chẽ với nhà trường để phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường để can thiệp kịp thời. Phụ huynh nên dành thời gian trò chuyện, giúp con trẻ nhận thức đúng đắn về giá trị cuộc sống, hướng dẫn các em đối mặt với khó khăn, tìm cách xử lý, vượt qua phù hợp...
Nhà trường cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc giảm thiểu tội phạm TTN. Việc tăng cường giáo dục kỹ năng sống, đặc biệt qua các hoạt động ngoại khóa sẽ giúp học sinh nhận thức rõ các giá trị đạo đức và biết cách giải quyết mâu thuẫn một cách văn minh.
Tại xã Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân), mô hình “Quản lý, giáo dục TTN có nguy cơ vi phạm pháp luật” đã đạt được kết quả tích cực, giúp đỡ nhiều TTN cải thiện hành vi sau khi phạm tội. Ở xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước), Đội Thanh niên xung kích - ANTT - PCCC & CNCH đã khích lệ những thanh niên chậm tiến tham gia các hoạt động cộng đồng, tạo môi trường hòa nhập, giúp họ thay đổi nhận thức. Các mô hình như vậy cần được nhân rộng và được chính quyền, các tổ chức đoàn thể hỗ trợ tích cực.
Anh Nguyễn Trung Tín, Bí thư Xã đoàn Phước Lộc, chia sẻ: “Ban đầu, nhiều TTN còn giữ khoảng cách. Nhưng khi cảm nhận được sự quan tâm và hỗ trợ từ địa phương, họ đã thay đổi tích cực và sẵn sàng tham gia các hoạt động xã hội”.
Về phía chính quyền và các cơ quan chức năng, cần tăng cường phối hợp trong công tác giám sát và can thiệp đối với TTN có nguy cơ vi phạm pháp luật. Đại tá Huỳnh Bảo Nguyên, Phó Giám đốc CA tỉnh, cho biết: “CA tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác quản lý, giáo dục và phát hiện sớm các trường hợp TTN có nguy cơ phạm tội để có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Cùng với đó, chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với các tổ chức đoàn thể, nhà trường và gia đình để cùng chung tay trong công tác phòng ngừa tội phạm trong TTN”.
KIỀU ANH - DƯƠNG LINH