Quy Hòa - ngày trở lại...
*Tản văn của NGUYỄN THỊ THANH LOAN
“Đường lên dốc đá nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa...” * Con đường dốc đá lởm chởm ngày xưa nay đã thành con đường trải nhựa láng. Đường vẫn quanh co lên xuống dốc rồi lại dốc và cuối con đường vẫn là Trại Phong Quy Hòa, như cách chúng tôi quen gọi ngày xưa còn nay chính danh là Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương Quy Hòa (Bộ Y tế) - một trong những bệnh viện hiếm hoi trên thế giới bố trí nơi cư trú lâu dài cho cộng đồng bệnh nhân, ở đây là bệnh nhân phong.
Làng Quy Hòa được người Pháp xây dựng từ đầu những năm 30 của thế kỷ XX. Những người mắc bệnh phong về đây để chữa bệnh, rồi họ tạo dựng gia đình, sinh con đẻ cái an cư hẳn ở đây. Họ sống trong những căn nhà xinh xắn, mỗi nhà mỗi kiểu kiến trúc khác nhau, nhà nào cũng đẹp. Họ trồng trọt, chăn nuôi chủ yếu là đánh bắt cá. Họ vất vả mưu sinh như những người bình thường, với những sinh hoạt bình thường chỉ khác là cách biệt lặng lẽ diễn ra. Quy Hòa cũng là nơi thi sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh Hàn Mặc Tử sống những ngày cuối đời.
Gần bốn mươi năm trước, chúng tôi - những sinh viên khoa Ngữ Văn Trường ĐH Sư Phạm Quy Nhơn - đã háo hức tìm đến đây. Ngoài nhu cầu muốn tìm hiểu về nơi cuối đời của một thi sĩ, tìm hiểu về cuộc sống của cộng đồng người phong người ta tìm đến đây còn vì phong cảnh nơi này rất đẹp. Chúng tôi đi bộ vì đa số ở nội trú, “cư dân nội trú” (cách gọi vui thời đó) không đứa nào có xe đạp, các bạn ngoại trú có xe đạp nhưng không đủ để chở hết. Thế là cả lớp kéo nhau đi bộ, con trai mang xách đồ ăn nước uống, con gái được đi tay không. Hăm hở đi, hăm hở hướng về Quy Hòa mà tiến. Nói cười, chọc ghẹo, rượt đuổi... Văn X hồn nhiên vô tư nghịch ngợm không khóa nào bằng, những trái tim thanh xuân háo hức nhẹ chân bon.
Ngày đó tự do vô tham quan không cần mua vé vào cổng. Chúng tôi bắt đầu đi khắp các hướng, ngỡ ngàng trước vẻ đẹp ở cái nơi từng nghe nhưng lần đầu được thấy. Ngỡ ngàng trước những con đường nhỏ phủ ngập tràn hoa giấy, loài hoa ưa nắng. Ngỡ ngàng trước những vườn dừa xanh mát, những rừng dương xạc xào trong gió. Biển xanh ngắt. Sóng rạt rào... Thỉnh thoảng có những người đàn ông vác lưới từ dưới biển lên. Mấy chị gái gánh củi dừa, vừa đi lượm ngoài biển. Những thân thể không còn nguyên vẹn, những đôi mắt buồn sâu thẳm, những khuôn mặt khắc khổ và đen đúa vì bệnh tật và nắng gió. Mấy đứa trẻ con mắt tròn xoe vô tư tập xe đạp trên đường...
Thương sao là thương. Thương những con người thầm mang nỗi đau nhưng bền bỉ sống, lặng lẽ mưu sinh tìm nguồn vui sống mà đi trọn kiếp người. Thương cảnh bình yên trong trẻo, thương nét nguyên sơ tinh khôi của trời xanh, biển xanh, nắng vàng và sắc màu hoa giấy, lơ phơ bay... Mới đó mà đã gần bốn mươi năm, tôi trở lại.
Tới nơi ngừng lại, mua vé vào cổng. Những con đường nhỏ trong làng vắng tanh, những rặng hoa giấy già cằn cỗi. Những căn nhà nhỏ xinh xắn ngày nào được mở rộng, cơi trước nới sau, không còn dấu tích của kiến trúc cũ. Chỉ vài căn giữ được nhưng không có người ở, cửa đóng im ỉm, cỏ mọc tràn lan cũ kỹ hoang phế. Khu bệnh viện, nhà thờ, khu tưởng niệm... còn tất cả nhưng khác xưa nhiều quá. Phải chăng ngày nay y học phát triển, bệnh nhân đã khỏe mạnh và họ đi làm bên ngoài? Phải chăng đã có nhiều người đã sang làng mới. Có lẽ là thế. Nên nét vắng vẻ và hiu hắt hôm nay có khi là dấu hiệu vui, là điều đáng mừng vì những người mắc bệnh phong đã hòa nhập, họ đã tìm được niềm vui sống. Nhìn theo hướng tích cực là nhắc đến bốn chữ Quy Hòa hôm nay là không còn động tới một nỗi đau, một nỗi bất hạnh nghiệt ngã như thuở ngày xưa. Mà thật vậy gần như giờ đây không ai gọi lên bốn chữ “Trại Phong Quy Hòa” nữa.
Quy Hòa hôm nay hiện lên với gương mặt khác. Một địa danh đã trở thành một di tích, di tích của nhân văn, của tình người, tình nhân loại. Một địa danh của bao kỷ niệm, của miền ký ức xa xăm. Quy Hòa hôm nay. Biển vẫn dạt dào, xanh ngắt. Sóng rạt rào vỗ bờ. Và vẫn “bờ cát dài thêm hoang vắng”* như lời bài hát ngày xưa. Và nắng. Nắng chang chang. Nắng vô tư không còn chút gì nuối tiếc. “Tìm vào cô đơn, đất Quy Nhơn gầy đón chân chàng đến. Người xưa nào biết chốn xưa ngập đường pháo cưới kết hoa. Chốn hoang liêu tiêu sơ Hàn âm thầm nghe trăng vỡ, xót thương thân bơ vơ cho đến một buổi chiều kia, hồn ngất ngây điên cuồng khi hồn phách vút lên cao. Mặc Tử nay còn đâu.”
Mặc Tử nay còn đâu? Nhưng lời hát, lời hát còn mãi... Và những cảm xúc của những trái tim thanh xuân, của các chàng trai cô gái sinh viên năm nhất ngày xưa, còn mãi...
* Lời bài hát Hàn Mặc Tử của Trần Thiện Thanh.