Tạo lực hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển công nghiệp
TX Hoài Nhơn đang từng bước khẳng định vai trò một trong những đầu tàu công nghiệp của tỉnh, với hàng loạt chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư. Hàng chục dự án lớn được triển khai, hạ tầng công nghiệp ngày càng hoàn thiện, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững.
Hoàn thiện hạ tầng, đồng hành cùng doanh nghiệp
Với định hướng phát triển công nghiệp trở thành động lực kinh tế chủ đạo, UBND TX Hoài Nhơn đã tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư, đạt kết quả vượt chỉ tiêu.
Trong năm 2024, thị xã đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư 11 dự án (vượt chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao - 10 dự án), với tổng diện tích 71,47 ha, tổng vốn đầu tư hơn 990 tỷ đồng. Đặc biệt, một dự án đã chính thức đi vào sản xuất, góp phần tạo việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.
Nhà máy may của Công ty CP May Hoài Hương. Ảnh: HẢI YẾN
Theo ông Phạm Văn Chung, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TX Hoài Nhơn, để đạt được kết quả này, chính quyền thị xã đã chủ động tiếp xúc, mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đồng thời triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nhà đầu tư. “Chúng tôi xác định công tác xúc tiến đầu tư không chỉ dừng ở việc thu hút dự án mà còn phải đồng hành cùng doanh nghiệp trong suốt quá trình triển khai. Do đó, UBND thị xã luôn sẵn sàng tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư an tâm sản xuất, kinh doanh”, ông Chung chia sẻ.
Bên cạnh thu hút các dự án mới, Hoài Nhơn hiện có 682 doanh nghiệp, công ty, hợp tác xã và quỹ tín dụng hoạt động, đóng góp quan trọng vào phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Chính quyền thị xã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển bền vững.
Một trong những yếu tố giúp Hoài Nhơn trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư là sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng công nghiệp. Hiện tại, thị xã có 7 cụm công nghiệp (CCN), tỷ lệ lấp đầy đạt 78,42%, có 43 doanh nghiệp được chấp thuận đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 4.024 tỷ đồng, thu hút gần 7.000 lao động. Đặc biệt, 4 CCN gồm Tam Quan, Bồng Sơn, Hoài Châu và Tường Sơn đã đạt tỷ lệ lấp đầy 100%.
Đoàn doanh nghiệp của Nhật Bản khảo sát tại Công ty cổ phần IPP Sachi. Ảnh: HẢI YẾN
Theo ông Nguyễn Hữu Vinh, Giám đốc Công ty cổ phần IPP Sachi - chuyên sản xuất bánh tráng xuất khẩu tại Hoài Nhơn, sự đầu tư mạnh vào hạ tầng của chính quyền là yếu tố giúp các doanh nghiệp yên tâm mở rộng quy mô: “Khi chúng tôi tiếp cận đầu tư tại Hoài Nhơn, chính quyền địa phương đã hỗ trợ rất nhiệt tình, từ việc cấp phép, thuê đất đến kết nối với các đơn vị cung ứng. Nhờ vậy, chỉ trong vòng chưa đầy một năm, nhà máy đã đi vào hoạt động ổn định, sản lượng xuất khẩu đạt mức kỳ vọng”.
Thu hút dự án lớn, tạo động lực tăng trưởng
Năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và làng nghề của Hoài Nhơn ước đạt 15.445 tỷ đồng, tăng 1,58% so với cùng kỳ năm trước, đạt 101,58% kế hoạch. Xuất khẩu cũng ghi nhận kết quả khả quan với tổng giá trị 241,6 triệu USD, tăng 11,3% so với năm 2023.
Nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất, UBND TX Hoài Nhơn đang phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh lập đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng KCN Hoài Mỹ và trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư CCN Thành Sơn (Hoài Châu) với quy mô 65,35 ha. Song song đó, thị xã cũng tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông, thoát nước, cây xanh tại các CCN. Trong đó, CCN Bồng Sơn - giai đoạn 2 (diện tích 19,9 ha, vốn 124,4 tỷ đồng) đang được đẩy nhanh tiến độ để sớm bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Xây dựng Thiên Phát, doanh nghiệp sản xuất gỗ lớn tại Hoài Nhơn, nhận xét: Thị xã có nhiều lợi thế về nguồn nguyên liệu, lao động và hạ tầng đồng bộ. Chúng tôi đang triển khai dự án mở rộng sản xuất gỗ xuất khẩu với công suất 30.000 m³/năm. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ rất nhanh về thủ tục đất đai, giúp doanh nghiệp có thể triển khai dự án đúng tiến độ.
Với những kết quả đạt được, Hoài Nhơn tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những trung tâm công nghiệp - dịch vụ lớn của Bình Định. Trong thời gian tới, thị xã sẽ tập trung hoàn thiện hạ tầng, thu hút các nhà đầu tư chiến lược và hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất. Mục tiêu không chỉ là phát triển công nghiệp bền vững mà còn góp phần thực hiện định hướng đưa Hoài Nhơn trở thành thành phố vào năm 2030.
Một số dự án công nghiệp lớn đang triển khai tại Hoài Nhơn
- Nhà máy chế biến hải sản của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Thủy sản NSF Group (vốn đầu tư 225 tỷ đồng).
- Nhà máy bê tông thương phẩm Hoàng Phát (CCN Tường Sơn, 50 tỷ đồng).
- Nhà máy chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ Hoài Châu của Công ty CP Lâm nghiệp Kim Thành Lập (503 tỷ đồng).
- Dự án mở rộng Nhà máy may Ngọc Sơn (CCN Ngọc Sơn, 20,7 tỷ đồng).
- Nhà máy chế biến lâm sản và sản xuất viên nén gỗ sinh học của Công ty CP Gỗ Hoài Sơn (55,28 tỷ đồng).
HẢI YẾN