Nâng cao năng lực dự báo, chủ động ứng phó thiên tai
Đề tài nghiên cứu KH&CN cấp tỉnh về việc hoàn thiện và triển khai ứng dụng công nghệ GIS, viễn thám, địa chất và trí tuệ nhân tạo trong việc khoanh vùng và cảnh báo tình trạng trượt lở đất, đá tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn tỉnh đã cung cấp nguồn dữ liệu quan trọng, góp phần nâng cao năng lực dự báo và cảnh báo, từ đó hỗ trợ hiệu quả công tác ứng phó thiên tai.
Sau 26 tháng thực hiện, chủ nhiệm cùng cộng sự Viện Địa công nghệ và Môi trường (cơ quan chủ trì đề tài) đã nghiên cứu hoàn thành nhiều mục tiêu quan trọng, gồm: Cập nhật đánh giá hiện trạng, xác định nguyên nhân trượt lở đất đá tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Kết hợp các công cụ GIS, dữ liệu vệ tinh, dữ liệu quan trắc mặt đất, mô hình địa kỹ thuật và trí tuệ nhân tạo (AI) để dự báo nguy cơ trượt lở đất đá tại các khu vực trọng điểm. Đồng thời, thử nghiệm ứng dụng bộ công cụ hỗ trợ dự báo trước 48 giờ, cập nhật cảnh báo sớm theo thời gian thực nguy cơ trượt lở đất đá tại một số khu vực trọng điểm tỉnh Bình Định…
Nhận diện 3 loại hình trượt lở
Theo kết quả nghiên cứu, Bình Định có 3 loại hình tai biến trượt lở ở 124 vị trí được khảo sát, đánh giá, phân tích, gồm: Trượt lở do khai đào mái dốc làm nhà, làm đường; trượt lở quy mô lớn và trượt lở dẫn đến lũ bùn đá, lũ quét. GS.TS Đỗ Minh Đức, thành viên nhóm nghiên cứu đề tài, cho hay, trượt lở quy mô lớn là loại hình nguy hiểm, ảnh hưởng trên diện rộng. Hiện trên địa bàn tỉnh đang có 5 vị trí tiềm ẩn nhiều nguy cơ và từng xảy ra những vụ sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khu dân cư. Đó là ở núi Tranh Dài, thôn Phú Lâm, xã Tây Phú (huyện Tây Sơn); thôn Đắk Tra, xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh); Đồng Nhà Mười, thôn 1, xã Ân Sơn (huyện Hoài Ân); thôn 4, xã An Trung và xóm 3, thôn Trà Cong, xã An Hòa (huyện An Lão).
Bên cạnh đó, trượt lở do khai đào mái dốc cũng là loại hình tai biến hay xảy ra tại địa bàn tỉnh, đặc biệt là những khu vực phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ kết nối các khu vực và san gạt ta luy làm đất canh tác, đô thị hóa. Kết quả nghiên cứu xác định, toàn tỉnh có 114 vị trí, trong đó có 91 vị trí có nguy cơ trượt lở, có khả năng ảnh hưởng đến đường giao thông và 47 vị trí có nguy cơ ảnh hưởng đến khu dân cư.
Từ kết quả nghiên cứu, cơ quan chủ trì nghiên cứu đề tài khoa học đã phân loại toàn bộ 124 vị trí có nguy cơ trượt lở ở địa bàn tỉnh thành 3 nhóm và lồng ghép các mức độ cảnh báo: Rất thấp, thấp, trung bình, cao và rất cao. Từ đó, xây dựng hệ thống quan trắc và hệ thống thông tin cảnh báo sớm trượt lở đất đá thông qua các công cụ, dữ liệu và mô hình phân tích giúp dự đoán nguy cơ xảy ra thiên tai, cảnh báo kịp thời để chính quyền, người dân chủ động các biện pháp phòng tránh.
Hệ thống quan trắc cảnh báo trượt lở đặt ở núi Bà Hỏa (TP Quy Nhơn) tích hợp trạm đo mưa tự động. Ảnh: TRỌNG LỢI
Cảnh báo trượt lở trên nền tảng công nghệ số
Th.S Đinh Thị Quỳnh, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: Sau khi hoàn thành giai đoạn đánh giá hiện trạng và xác định nguyên nhân trượt lở đất đá tại các khu vực nguy cơ cao, nhóm đã ứng dụng công nghệ GIS, viễn thám, mô hình địa kỹ thuật và AI để phân tích dữ liệu; lắp đặt các trạm quan trắc thực địa, thu thập thông số kỹ thuật và xây dựng hệ thống cảnh báo sớm. Hệ thống này truyền tải thông tin cảnh báo đến người dân và chính quyền qua website https://binhdinh2.truotlo.com với ứng dụng công nghệ API để cập nhật dữ liệu trực tuyến dự báo nguy cơ trượt lở.
Ngoài ra, nhóm cũng phát triển ứng dụng di động “Sạt lở Bình Định” trên cả hai nền tảng iOS và Android. Khi tải ứng dụng này, người dùng có thể nhận thông tin cảnh báo trượt lở theo thời gian thực, với thông báo trước 3 giờ cùng dữ liệu mưa liên quan. Thêm vào đó, tiện ích trên Zalo “Trượt lở” và bản tin qua email giúp cung cấp cảnh báo nhanh chóng và hiệu quả, đồng thời lưu trữ dữ liệu cảnh báo.
Khi tiếp nhận kết quả nghiên cứu, Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ phối hợp với chính quyền cấp cơ sở để cài đặt các ứng dụng dự báo trượt lở, chú trọng đến những khu vực có nguy cơ cao. Những thông tin cảnh báo này sẽ được truyền đạt đến người dân qua các kênh thông tin để đảm bảo hiệu quả trong công tác phòng tránh và ứng phó.
Ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, đánh giá, đề tài nghiên cứu rất thiết thực và có giá trị, đặc biệt trong việc giải quyết các vấn đề thiên tai đặc thù của tỉnh. “Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiếp nhận kết quả nghiên cứu từ nhóm và sẽ phối hợp để vận hành, hỗ trợ, hoàn thiện hệ thống quan trắc. Chúng tôi mong muốn nhóm nghiên cứu tiếp tục hỗ trợ trong việc bổ sung các thiết bị quan trắc, giám sát các mái dốc có nguy cơ tai biến, đặc biệt là ở các huyện miền núi như An Lão, Vĩnh Thạnh và Vân Canh” - ông Chương chia sẻ.
TRỌNG LỢI