Nỗi lo học sinh miền núi bỏ học
Tình trạng học sinh ở xã miền núi Vĩnh An (huyện Tây Sơn) bỏ học là thách thức không nhỏ của nhà trường và chính quyền địa phương.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tây Sơn (đóng ở xã Vĩnh An) hiện có 258 học sinh, trong đó 68 học sinh là người dân tộc thiểu số. 2 năm học gần đây, mỗi năm có 2 học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số bỏ học. Riêng năm học 2024 - 2025, đến nay đã có 4 học sinh dân tộc thiểu số bỏ học, tất cả đều là khối 8. Nguyên nhân chủ yếu là do các em ham chơi. Trong đó, có 3 em học cùng một lớp, chơi chung với nhau và đáng chú ý nguyên nhân bỏ học đều vì nghiện game.
Bên cạnh đó, trường đang có 7 học sinh thường xuyên vắng học nhiều, nguy cơ bỏ học rất cao. Đơn cử là trường hợp em Đ.M.K. (học sinh lớp 7A1). Thời gian qua, em K. vắng học rất nhiều. Giáo viên chủ nhiệm đã nhiều lần đến nhà tìm hiểu lý do và động viên em đến trường nhưng vẫn chưa có chuyển biến. Theo người nhà của K., vì rất mê game nên K. muốn bỏ học.
Bà Đinh Thị Lưng, mẹ K. bộc bạch: “Gia đình khổ nhưng vẫn luôn muốn con cái đi học để có cái chữ. Thế nhưng cứ đụng đến chuyện đi học và la nặng một chút là K. lại bỏ đi nên đành bất lực”.
Giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tây Sơn (bìa phải) tìm đến nhà trò chuyện, động viên gia đình và em Đ.M.K. đến trường, tiếp tục việc học. Ảnh: H.P
Thầy Hà Văn Thạnh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tây Sơn cho biết: Nhà trường, Đoàn trường, giáo viên chủ nhiệm cùng với các ban, ngành địa phương luôn đặt việc học tập của học sinh lên hàng đầu. Mặc dù thực hiện kiên trì, mềm dẻo, nhẹ nhàng nhưng việc tuyên truyền, vận động, đến gia đình các em rất khó khăn, đến không gặp hoặc các em bỏ trốn, thậm chí một số gia đình còn từ chối gặp mặt giáo viên. Đa số các em là người dân tộc thiểu số nên việc tuyên truyền, vận động gặp nhiều khó khăn.
Trước thực trạng này, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tây Sơn đã tích cực triển khai công tác thống kê, theo dõi. Những học sinh trong diện nguy cơ bỏ học cao được các thầy cô lên danh sách, tìm phương án đối với từng trường hợp cụ thể. “Như trường hợp của em Đ.T.Q. (lớp 9A1) mồ côi cả cha và mẹ, có nguy cơ bỏ học rất cao. Nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương đến vận động, rồi sửa chữa lại các cánh cửa của ngôi nhà cho chắc chắn vì Q. hiện ở một mình. Đến nay, em Q. đã đi học lại, tuy chưa đều nhưng là tín hiệu tích cực”, thầy Hà Văn Thạnh cho hay.
Nói về việc tuyên truyền, vận động học sinh đến trường, ông Đinh Hoang Bình, Chủ tịch UBND xã Vĩnh An chia sẻ: Nhà trường tổ chức họp phụ huynh, nhưng đích thân tôi - Chủ tịch UBND xã đứng ra chủ trì - để bà con thấy chính quyền địa phương rất quan tâm đến việc học của các cháu. Qua phân loại, đối với những trường hợp do điều kiện khó khăn, công tác vận động dễ dàng hơn. Một số trường hợp cha mẹ muốn cho con đi học nhưng các em nhất quyết không trở lại trường chúng tôi sẽ chỉ đạo các đoàn thể ở xã phối hợp cùng nhà trường kiên trì vận động, chỉ ra các hệ lụy để các em hiểu và thay đổi nhận thức.
UBND huyện Tây Sơn cũng đã có buổi làm việc với nhà trường, chính quyền địa phương và các ngành chức năng về tình trạng học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tây Sơn bỏ học. Theo ông Bùi Văn Mỹ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tây Sơn, để hạn chế tối đa tình trạng học sinh bỏ học cần phải có sự phối hợp chặt chẽ từ nhà trường, chính quyền và gia đình. Không chỉ đơn thuần là động viên các em đến lớp mà phải nắm được hoàn cảnh của từng em để có giải pháp hỗ trợ về vật chất và tinh thần.
“Huyện đã giao cho UBND xã Vĩnh An và Ban Giám hiệu Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tây Sơn thực hiện việc này. Riêng nhà trường chủ động xây dựng chương trình học nhằm tạo không khí thoải mái, cuốn hút, làm sao để học sinh thích đến trường. Theo dõi, thống kê tình hình học tập, sĩ số hằng ngày của các em học sinh, báo cáo hằng tuần cho Phòng GD&ĐT để tham mưu kịp thời cho UBND huyện có biện pháp xử lý; mục đích cuối cùng là tạo điều kiện cho tất cả các em đều được đến trường”, ông Mỹ cho biết.
HỒNG PHÚC