Shipper em yêu anh!
* Truyện ngắn của BÙI QUANG DŨNG
Phiên chat nào nàng cũng nũng nịu “Khi nào thì anh mới dẫn em đến thăm công ty của anh? Khi nào thì mình mới gặp nhau?”. Lần nào tôi cũng bảo “không vội được đâu”. Nhưng để đẹp lòng nàng tôi phải yêu chiều đủ kiểu, hết quà này đến tặng phẩm khác. Nhiều hôm một gói quà bé bé thế nhưng cũng đi tong công sức một ngày chạy bạc mặt trên đường.
Giám đốc cái quái gì chứ. Tôi chỉ là một gã shipper cóp nhặt từng đồng bạc lẻ. Yêu nàng để thấy cuộc đời mình ít ra không buồn chán chứ chẳng phải vì si mê, đắm đuối. Hôm nào hết đơn sớm, tôi về nhà nấu nướng qua loa. Tắm giặt kỹ càng, đóng bộ chỉn chu, phun một luồng nước hoa đậm đặc nhằm che chắn mùi nắng cháy cho dễ chịu, lên mạng và gọi điện cho nàng. Trò chuyện thôi. Cho đỡ buồn. Tôi chưa đủ mạnh mẽ để gặp nàng. Nàng là cô sinh viên đỏng đảnh, mộng mơ, hồn nhiên tin lời tôi vẽ ra trước mặt. Nàng đâu có biết rằng viễn cảnh đó thực ra chỉ là ảo vọng của một thằng đàn ông từng nhiều lần thất bại. Tôi không biết kể cùng ai, ngay cả với người thân. Nên chia sẻ với nàng cũng thấy nhẹ lòng.
***
Ồ, mà đời shipper cũng có lắm vui nhiều buồn ra phết. Tự cái hồi mạng xã hội rộ lên chuyện một shipper bị đánh đến chết ở Đà Nẵng, hoặc một shipper khác ở Hà Nội bị một gã chủ xe sang đánh đến bầm dập…, shipper được thông cảm hơn tý, đúng ra là thương hại, còn ánh mắt thì vẫn thế, vẫn xếp shipper vào nhóm lao động hạng bét. Thì cũng phải thôi…
Tranh của họa sĩ TRƯƠNG ĐÌNH DUNG
Ban đầu nghề này kiếm ăn khá lắm, ngày vài trăm ngàn đút túi là chuyện bình thường. Nhưng liền sau đó nhiều sinh viên, người thất nghiệp đánh hơi thấy nghề này cũng ngon lành nên nhảy vào rất đông. Thành ra kiếm đơn khó khăn hơn. Chủ hàng thi nhau ép giá, còn khách hàng thì khối kẻ chảnh ra trò. Để giữ mối tôi không chỉ đặt chữ tín lên đầu mà còn nhét luôn vào não, thiếu điều xăm luôn lên trán. Ngoài nhận và giao hàng đúng thời gian còn phải thật thà, nhiệt tình. Nói thì tưởng đơn giản nhưng cứ thử làm shipper một ngày sẽ ôm cả đống chuyện dở khóc dở cười, đâu phải đến lấy hàng xong chất lên xe, chạy tới một mạch giao cho người ta rồi đếm bạc. Đâu mà ngon ăn thế chứ!
Thường thì cuối chiều, lúc tôi còn đang luồn lách trên phố, hít no căng bụi đường thì nàng lại nhắn tin hờn trách, nũng nịu gì đó. Tôi không nỡ cáu dù có phiền thật. Khách hàng gọi điện giục tíu tít mà đường phố thì tắc tịt. Muốn leo lên vỉa hè cũng không có chỗ lách, vớ vẩn lại bị mấy anh áo vàng tuýt lại thì có khi toi cả tuần công vất vả. Nàng đâu có hiểu được nỗi khổ của tôi. Nhưng nàng bảo cứ đến cuối ngày hình như nàng nhớ tôi nhiều hơn. Khổ thế chứ, ấy chính là lúc tôi chạy đơn điên cuồng.
Thực ra bọn tôi đứa nào chả từng ôm mộng trở thành tỷ phú chứ, có kém cũng tự mình làm ông chủ. Sách vở một đằng. Giảng viên nói một đằng. Có xông vào cuộc chiến áo cơm khốc liệt mới biết cuộc đời không như trên giảng đường, tiền cha áo mẹ đúng y khuôn tháng tháng chuyển đều. Đời đâu êm ái thế chứ. Đến nỗi lần nọ, nhân một lúc cao đàm khoát luận, có giảng viên đã ứa nước mắt tạ lỗi bằng cách trần lưng chi trả cả cuộc bia cỏ, bởi theo thầy, lẽ ra thầy phải biết trước, phải nói trước với các em sự khốc liệt này, chứ không phải đợi đến lúc đi làm, lấy lý thuyết chọi với cuộc sống, sứt mẻ rồi mới ngộ đạo… Chỉ thế thôi mà thầy trò cùng khóc tu tu… Tôi lúc đó, lại thấy mình lếu láo khi dám cay đắng nói, thầy mà mở cửa hàng như con A, sản xuất như thằng B hoặc đi làm shipper như em, sẽ thấy các lý thuyết kinh doanh, quản trị… trên lớp xa cách với cuộc sống vô vàn dặm.
Thật ra tôi từng có một chân công chức. Nhưng rồi tôi chán sống cuộc đời như bố, lương ba cọc ba đồng. Suốt ngày loanh quanh ở ủy ban xã giải quyết vài công việc lặt vặt. Có khi hạch chỗ này chỗ kia ra vẻ ta đây, lúc thì hướng dẫn cho người ta theo đúng bổn phận của mình lại làm như ban ơn, thậm chí nhiều lúc ngáp ngủ cho hết giờ làm việc rồi đạo mạo về với gia đình. Tôi không thích cuộc sống đều đều buồn chán, mỏi mòn như thế. Tôi muốn thành người đàn ông quảng giao, sẵn sàng đương đầu với sóng gió để làm nên những thành công lớn. Nhưng dường như tôi có duyên với thất bại hơn. Cuối cùng tôi né hết bọn bạn bè cũ, từ phổ thông tới đại học. Phần nhiều giờ những người tôi hay gặp thuộc chốn lầm lụi cần lao. Nhưng chả hiểu thế quái nào mà khi làm quen nàng, tôi lại vuột mồm giới thiệu mình là giám đốc một công ty gia đình. Sau cứ thầm tiếc, lẽ ra không nên dối trá như vậy, nhưng tôi cũng không đủ dũng cảm để nói ra sự thật. Tôi cứ khổ sở lần lữa mãi…
Hình như nàng ngỡ tôi giàu thật nên lâu lâu lại nghĩ ra một món quà tặng. Như tin nhắn hôm nay chẳng hạn - “Anh có biết cơn lốc mang tên Christian Louboutin Lipstick không? Có muốn trở thành chàng trai ga lăng nhất vịnh Bắc Bộ không?”. Tôi suýt nữa thì bật ra câu chửi thề sau khi search tìm hiểu “Christian Louboutin Lipstick” là gì. Một thỏi son hơn hai triệu bạc, gần nửa tháng cuốc cày cần mẫn trên đường nhựa của một gã shipper…
Cu Li vừa cố nuốt miếng bánh mì đang mắc ở cổ họng vừa phán một câu xanh rờn:
- Con gái bây giờ toàn đào mỏ. Nhưng xui cho nàng của ông vì đã đào nhầm mỏ đá ong!
- Một ngàn năm sau đá ong hóa thành gì?
- Chả thành cái cóc khô gì cả. Đá ong vẫn là đá ong thôi. Ông tưởng sẽ hóa thành cẩm thạch chắc? Ông là cử nhân mà trốn học, mua bằng hay sao mà hỏi ngu vậy?
Tôi nằm vật ra giường bỗng nhiên thấy ngán ngẩm cuộc đời. Có nhẽ đâu một thằng không học hết cấp 2 như
Cu Li lại có thể độp vào mặt mình một câu như thế nhỉ. Mà nó nói cũng hơi bị đúng…
Không lẽ mình cứ mãi sống cảnh này? Chạy bạt mạng suốt ngày như vầy đến bao nhiêu tuổi? Mình được đào tạo để ra làm việc khác cơ mà. Ba mẹ mình dồn tiền dồn sức vì một tương lai khác, những mục tiêu lớn lao khác đấy chứ. Để làm tốt việc giao hàng đâu cần đến một cử nhân quản trị kinh doanh. Tôi không muốn hoài phí những năm tháng miệt mài đèn sách, không muốn mình hèn đi vì những đồng tiền nóng hổi trước mắt mà quên mất đường dài, nhưng chao ôi, quá khứ thất bại khiến tôi mỗi lần nghĩ đến mọi kế hoạch đều thấy mệt nhoài. Đã vậy còn lao vào yêu đương. Mặc cả từng đồng với khách, mừng vui khi được bo thêm mươi ngàn đồng, nhưng chỉ một tin nhắn của nàng bỗng thấy mình vỡ tan ra từng mảnh thảm hại. Làm gì có loại giám đốc nào kém cỏi như thế chứ. Thật đúng là “vỡ tan là như thế đấy. Mới ước mơ thật nhiều, mộng mơ thật nhiều đến khi thì vội vã, vội vàng đổi thay… Còn nhanh hơn một mũi tên bay...”.
Cu Li có bạn gái. Kể cũng lạ, một kẻ không tin vào tình yêu mà cuối cùng lại đắm đuối yêu. Mà khốn nỗi họ là một cặp đôi xộc lệch mà ai nhìn vào cũng thon thót giật mình. Chỉ sợ một cô giáo cấp 3 giỏi giang, xinh đẹp, chân dài đến nách như Cúc sẽ có ngày bỏ rơi chàng shipper học chưa hết
cấp 2. Chỉ Cu Li là thừa tự tin “Tôi xấu nhưng mà xấu Trương Chi. Em ấy chết mê chết mệt mỗi lần tôi cất giọng ca”. Chuyện tình của họ đẹp hơn cả cổ tích khi mỗi chiều thấy Cúc ngồi sau xe Cu Li đi giao hàng khắp nơi. Hỏi Cúc đi làm gì cho đen da? thì Cúc bảo “đi cho anh ấy đỡ buồn”. Trông họ như đôi chim cu lúc nào cũng quanh quẩn bên nhau.
Hắn không ước mơ, hoài bão gì lớn lao chỉ mong muốn tích cóp đủ tiền cưới Cúc. Hỏi cưới Cúc xong thì muốn làm gì? Thì kiếm tiền nuôi con chứ làm gì. Hỏi ngoài nuôi con còn muốn làm gì khác không? Muốn mua một mảnh đất ở quê, rồi cả nhà về đó. Vợ thì đi dạy, chồng chăn nuôi chuồng trại. Không nữa thì tao chuyển sang nghề sửa xe máy. Làm shipper như tụi mình có xe nào là không sửa được cơ chứ. Người ta ngày càng ngại đụng đến dầu mỡ bẩn thỉu, thì đó là cơ hội của mình. Trời đất! Sự lý của nó giản dị mà bình yên đến lạ lùng. Nghe Cu Li nói, tự nhiên tôi thấy thương mình. Thương những ước vọng hão huyền…
Nhiều lần tôi tự hỏi nếu nàng biết tôi chỉ là một shipper thì liệu mọi chuyện có thay đổi hay không? Hẳn là nàng sẽ thất vọng vô cùng. Sẽ vỡ tan cũng nên. Hẳn là sẽ chia tay đường đột. Tôi hổ thẹn không phải bởi tôi là một shipper. Mà vì tôi là một kẻ vừa gian dối vừa hoang tưởng. Hay là chia tay? Khổ nỗi linh cảm của tôi báo cho tôi biết hình như đó không phải là giải pháp hay ho gì. Cu Li thì bảo: Sợ gì, coi như lửa thử vàng? Nhưng ai là vàng còn ai là lửa?
Có lẽ vì nghĩ suy lung tung beng nên tôi ốm. Cứ ngây ngấy sốt. Không nặng nhưng rất khó chịu. Ngơi ngơi chút lại sốt. Cu Li trêu tôi ốm tình. Cũng có thể vì đã hơn một tuần rồi tôi không chat với nàng. Chỉ trong giấc mơ là nghe thấy tiếng nàng cười trong trẻo. Tôi đã quen có nàng để sẻ chia. Giờ ôm nỗi cô đơn một mình có khi thành mầm bệnh thật. Cu Li nửa đùa nửa thật bảo, ông mê sảng, cứ khai như thể đang bị hỏi cung. Nhắn cho nó cái tin đi. Là xong. Là thong thả thanh thản. Cứ nhắn, anh xin lỗi, anh đã nói dối em, anh không phải là giám đốc, giám điếc gì, anh trần xì là thằng shipper thôi. Em có còn yêu anh không? Nếu còn thì anh sẽ đến đón em đi ăn, về thăm ba mẹ anh…
Vừa tròn một tuần tôi ở nhà nghỉ ship thì có khách nhờ mua hộ một đơn thuốc. Tôi định không đi nhưng giá ship khá hời, mà lại đương ngớt sốt, tuy có bải hoải chút nhưng chạy xe vẫn được. Ship cái đơn hàng này coi như là đổi gió, nằm nhà mãi có khi bệnh càng thêm nặng. Tôi gom đơn của shop ruột rồi đi luôn một thể. Đọc đơn xong thì thấy rất tiện cho vận trù, liền một mạch đơn cuối là đơn nhờ mua thuốc. Như một sự may mắn đến lạ lùng, đơn nào cũng nhanh nhẹn, tiền tươi, bo đẹp. Đơn cuối. Tôi đến đúng địa chỉ, đó là một gian nhà trọ, vừa cất tiếng gọi thì một cô gái bước ra ngay. Nom cô tươi cười bất giác tôi kín đáo xem lại địa chỉ có nhầm không. Không, không nhầm. Nhưng cô ấy không có vẻ gì là đang bệnh. Hay đây chỉ là người chăm chứ không phải người bệnh. Thấy tôi lúng túng. Cô gái che miệng cười, mời tôi vào nhà uống nước. Tử tế với shipper kiểu này hiếm lắm. Làm gì có chuyện mời vào nhà. Vả chăng shipper giao hàng nhận tiền xong còn vội đi tiếp đơn khác, rảnh đâu mà nước nôi. Vẽ chuyện. Nhưng hết đơn rồi, vả lại ai lại từ chối lời mời của một cô gái xinh xắn nhường này.
Giờ thì tôi đang ngồi đây, trong căn phòng nhỏ xinh của cô gái dễ thương. Cô nhìn tôi bảo “anh chờ em một chút”. Tôi cúi mặt ghìm cơn ho muốn bật ra khỏi cổ họng. Lúc ngẩng lên thì thật bất ngờ làm sao, nàng đang đứng trước mặt tôi tủm tỉm cười. Dĩ nhiên không phải là ảo ảnh. Mà sao cứ như là chuyện liêu trai nhỉ. Mà liêu trai cái nỗi gì đang lúc ban trưa. Khẽ đặt tô phở bò xuống bàn, nàng nhỏ giọng:
- Trả công cho shipper đấy. Anh ăn đi cho nóng.
Tôi cúi gằm mặt, cố lý giải mọi chuyện đang diễn ra. Cái quái gì thế này nhỉ. Tô phở thơm nồng nàn, lâu lắm rồi mới nghe lại hương phở chính hiệu Nam Định rất đằm hương hoa hồi, đúng tông mình chuộng. Nhưng sao thế nhỉ… Chuyện gì đang diễn ra đây…
Vẫn giọng rất dịu dàng, nàng đẩy về phía tôi cốc nước nóng nghi ngút: - Anh ăn phở đi còn uống thuốc. Thuốc em nhờ anh mua thực ra là thuốc cảm cúm cho anh.
Tôi ớ người buột miệng hỏi: Ô hay sao em biết anh ốm. Mà sao mọi thứ cứ sẵn thế này…
- Anh Cu Li nói cho em biết. Nàng lại che miệng cười, lần này khúc khích thành tiếng. – Anh khờ quá đi mất!
Tôi hốt hoảng bật đứng dậy: Thôi chết! Vậy nó còn nói với em thứ gì nữa không?
Nàng khẽ đưa tay lên vai tôi, từ từ ấn tôi xuống. - Anh ấy chỉ nói chuyện anh bị đau cả tuần. Còn những việc khác thì anh ấy bảo, cứ để anh tự nói.
Tôi ngồi ăn phở bò. Phở ngon quá, thơm quá mà sao tôi cứ nghèn nghẹn trong cổ họng. Phải một lúc rất lấu tôi mới dám ngẩng mặt lên nhìn thẳng vào mắt nàng, thong thả: - Anh chẳng phải giám đốc gì đâu. Anh bịa ra để tán tỉnh em thôi. Nhà anh cũng không ở phố. Anh chỉ là một gã shipper quèn. - Đấy, thôi thì ra sao thì ra, cũng phải dứt điểm cho rồi, phải để gánh nặng trĩu lòng này xuống. Đau một lần dứt khoát rồi thôi.
Nàng lại cười. Nhưng lần này không che miệng. Nàng cứ tươi tỉnh, thoải mái: -Vâng! Thật ra em cũng đã lờ mờ biết anh không phải là giám đốc. Nhưng em yêu anh không phải vì điều đó, vả lại chắc gì giám đốc đã hơn được shipper! Có gì mà anh phải giấu em, cứ lòng vòng mãi không chịu gặp nhau…
Tôi nhìn nàng trân trối rồi đột nhiên vỡ òa ra sung sướng! Có lẽ tôi không cần uống thêm bất cứ viên thuốc nào nữa. Tôi hết sạch bệnh tật rồi, tôi khỏe ru. Trời ơi còn chờ gì nữa mà không ship nàng về ra mắt ba mẹ tôi nhỉ. Tôi là một shipper chuyên nghiệp, đây là đơn hàng lớn nhất của đời tôi…