Em về Bình Định cùng anh…
*Tạp bút của LÊ THỊ XUÂN HÒA
Tôi khấp khởi vô cùng khi lần đầu được đến Bình Định dự Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 42. Sự kiện lớn của ngành cứ 2 năm tổ chức một lần, luôn được các phóng viên truyền hình mong chờ. 5 ngày ở “thành phố bên bờ biển cả” tôi được mắt thấy biết bao điều đã đi vào ca dao dân ca của xứ sở “… con gái Bình Định cầm roi đi quyền”, “lấy chồng Bình Định cho dài đường đi”… Nhưng với tôi, ấn tượng hơn cả đó là lời mời gọi dễ thương đến da diết chẳng thể chối từ - “Em về Bình Định cùng anh/ Được ăn bí đỏ nấu canh nước dừa”. Món ăn này thì có gì đặc biệt đâu, ở đâu lại chẳng có mà đến nỗi gái trai phải mượn hình ảnh để trao gửi tình cảm, và rồi sống luôn trong thi ca, sống luôn miết đến giờ trong cuộc sống hiện đại?
Ở đâu cũng có nhưng giờ nhắc đến “bí đỏ nấu canh nước dừa” thì người ta gán luôn đó là đặc trưng của dân Bình Định. Món ăn này có sự kết hợp giữa bí đỏ và nước cốt dừa, tạo nên một hương vị hấp dẫn riêng có. Theo các bà nội trợ thì điều đặc biệt về món canh này là bí đỏ phải là bí cóc, vì nấu lên nó có vị ngọt, dẻo, mềm, bùi. Khi chế biến phải cắt bí hình vuông to hơn con cờ, nấu chung với nước cốt dừa. Món ăn này cũng được chế biến theo nhiều kiểu. Có người nấu bí đỏ với nước dừa, sau cùng mới thêm nước cốt dừa và gia vị tùy thích. Có người chỉ nấu bí đỏ với nước cốt dừa mà không thêm gia vị gì ngoài chút muối, tất cả là để giữ nguyên vị thơm, ngọt của bí, của dừa.
Chính vì lời mời gọi ngọt ngào “được ăn bí đỏ nấu canh nước dừa” mà chúng tôi - những người từ Đắk Lắk xa xôi về thăm gia đình một người bạn địa phương. Gia chủ bảo phải có dừa tươi, bí cóc nấu canh mới ngon. Vậy là với 10.000 đồng một bịch dừa bào vắt lấy nước cốt, 10.000 đồng một khoanh bí đỏ to, da xù xì, chị nhanh tay vắt nước cốt dừa rồi cho cả hai vào nấu chung, thêm chút muối, 15 phút là nồi canh chín, thơm lừng cả gian bếp. Hương vị của dừa, hòa quyện trong một món ăn đậm đà, giản dị mời khách. Cô bạn đi cùng tôi lần đầu thưởng thức món “bí đỏ nấu canh nước dừa” thì đùa rằng, giống hệt ăn “chè bí đỏ” vì nước canh có màu trắng đục, bí đỏ còn nguyên lát hình vuông và thấm vị mặn vừa đủ, chén canh bí đỏ được múc ra khi đã nguội mát, từng miếng bí đỏ bùi bùi tan trong miệng, nước canh béo béo, thơm thơm, rất đưa cơm.
Bí đỏ một loại cây trồng phổ biến có khắp nơi, một thực phẩm quen thuộc, dễ trồng, dễ sử dụng và có giá trị dinh dưỡng cao, nhưng ở xứ Nẫu bí đỏ đã góp phần làm nên những món canh thơm ngon, bổ dưỡng, đậm hương vị quê nhà. Sự kết hợp giữa bí đỏ và nước dừa trong câu ca dao không chỉ là một món ăn đặc trưng, mà còn phản ánh sự tinh tế trong ẩm thực và bản sắc ẩm thực xứ sở.
Tôi sẽ về lại vùng đất có tình yêu, có sự chăm sóc, quan tâm lẫn nhau trong từng bữa ăn, từng ngụm canh mát lành. Dẫu ngoài kia có biết bao món sơn hào hải vị, nhưng những giá trị giản dị, chân chất của cuộc sống vẫn luôn có một sức hút mãnh liệt tôi là vì vậy. Với tôi, món bí đỏ nấu canh nước dừa, tuy giản dị nhưng chứa đựng trong đó là cả một kho tàng cảm xúc, là lời mời gọi không chỉ về một vùng đất mà là về một cuộc sống trọn vẹn, đậm tình yêu thương…
Chợt vỡ bùng lên cái lý do vì sao người xứ này không nêm nếm gì thêm ngoài chút muối biển, vì sao bà con lại cố giữ nguyên vị thơm, ngọt của bí, của dừa, và vì sao lại “em về Bình Định cùng anh” không phải để ăn hăm bơ gơ, thưởng thức tôm hùm hay đặc sản sang trọng nào khác… mà cứ phải là thứ canh tuyệt diệu kia? Thì ra chỉ một chút canh đó thôi, nhưng đã đủ gói trọn tấm chân tình của người xứ Nẫu, có phải vậy không anh ơi… “Em về Bình Định cùng anh”, vâng - em sẽ trở lại nơi quê hương của những món ăn dân dã mà tràn ngập tình yêu thương cùng anh.