Phát triển hoạt động công chứng đáp ứng yêu cầu cuộc sống
Với nhiều sửa đổi, bổ sung, Luật Công chứng năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7 được kỳ vọng khắc phục những bất cập, nâng cao chất lượng hoạt động công chứng. Phóng viên Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Trần Minh Hồng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, về những điểm mới đáng chú ý của Luật.
Ông Trần Minh Hồng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp
* Thưa ông, Luật có những điểm mới nào đáng chú ý?
- Luật gồm 8 chương 76 điều (giảm 2 chương và 5 điều so với Luật Công chứng năm 2014). Luật xác định rõ phạm vi công chứng và thẩm quyền của công chứng viên (CCV). Trong đó, khẳng định rõ công chứng là dịch vụ công, Nhà nước ủy nhiệm cho CCV của một tổ chức hành nghề công chứng (HNCC) thực hiện. Đồng thời quy định rõ, công chứng là việc CCV chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của giao dịch dân sự bằng văn bản. Với quy định này, việc chứng nhận bản dịch không còn thuộc phạm vi công chứng, tuy nhiên CCV vẫn có quyền chứng nhận bản dịch với hình thức chứng thực chữ ký người dịch theo quy định pháp luật về chứng thực.
Như vậy, CCV có thẩm quyền công chứng giao dịch, đồng thời chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong văn bản và chứng thực chữ ký người dịch.
Luật cũng xác định rõ HNCC là việc CCV thực hiện việc công chứng giao dịch. Như vậy, mặc dù CCV được giao thực hiện một số việc chứng thực nhưng nếu CCV không thực hiện việc công chứng giao dịch mà chỉ thực hiện việc chứng thực thì vẫn không được tính là HNCC.
* Luật cũng chú trọng hơn đến chất lượng đội ngũ công chứng viên...
- Điều này thể hiện rõ qua việc Luật bỏ quy định về miễn đào tạo nghề công chứng. Đồng thời quy định thời gian đào tạo nghề công chứng là 12 tháng, tuy nhiên với những người có trình độ pháp luật cao, có thời gian giữ một số chức danh pháp lý cụ thể thì thời gian đào tạo giảm còn 6 tháng. Ngoài ra, bắt buộc mọi trường hợp sau khi tốt nghiệp đều phải tập sự 12 tháng.
Luật cũng quy định chỉ được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại CCV cho người không quá 70 tuổi và CCV chỉ được hành nghề cho đến khi tròn 70 tuổi; bổ sung thêm các trường hợp không được bổ nhiệm CCV, bị miễn nhiệm CCV và các trường hợp không được bổ nhiệm lại nhằm bảo đảm những người thực sự xứng đáng mới được đứng trong đội ngũ CCV.
* Còn quy định về các tổ chức hành nghề công chứng có những điều chỉnh, bổ sung gì thưa ông?
- Nhằm phát triển các tổ chức HNCC đúng định hướng, bền vững, Luật bổ sung quy định về chiến lược phát triển lĩnh vực công chứng và đề án quản lý, phát triển các tổ chức HNCC.
Để bảo đảm sự tương đồng về điều kiện hoạt động giữa hai loại hình tổ chức HNCC là phòng công chứng và văn phòng công chứng, Luật quy định phòng công chứng cũng phải có từ 2 CCV trở lên, trừ trường hợp được Luật quy định. Ngoài ra, phòng công chứng phải có trụ sở đáp ứng đủ các điều kiện, trưởng phòng công chứng phải là CCV đã HNCC đủ 2 năm trở lên...
Công tác quản lý nhà nước về công chứng và thủ tục hành chính trong lĩnh vực công chứng cũng có nhiều điểm mới, nổi bật là cụ thể hóa chủ trương đổi mới tư duy lập pháp qua việc nhiều nội dung không quy định trong Luật mà giao Chính phủ quy định, chẳng hạn như về hồ sơ, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm CCV...
Khách hàng thực hiện thủ tục công chứng tại Phòng Công chứng số 1 (địa chỉ 137 Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn). Ảnh: N.C
* Với rất nhiều đổi mới, Luật sẽ góp phần thúc đẩy phát triển hoạt động công chứng…
- Chắc chắn là vậy. Năm 2024, khi góp ý dự án luật, Tổng Bí thư Tô Lâm từng khẳng định, yêu cầu cao nhất khi sửa luật này là để phục vụ nhân dân, phục vụ nền quản lý hành chính và tư pháp. Tất cả sửa đổi đều hướng tới yêu cầu đó.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 20 tổ chức HNCC, trong đó có 3 phòng công chứng và 17 văn phòng công chứng (tăng 1 văn phòng công chứng so với năm 2023), với tổng số 42 CCV. Năm 2024, 20 đơn vị trên đã thực hiện 92.841 việc công chứng, với tổng số phí công chứng thu được gần 39 tỷ đồng, tổng số thù lao công chứng thu được gần 2,3 tỷ đồng, nộp vào ngân sách, thuế hơn 4,1 tỷ đồng.
Thời gian qua, Sở Tư pháp luôn sâu sát trong công tác quản lý nhà nước về công chứng; từng bước cải thiện chất lượng hoạt động công chứng, bảo đảm an toàn trong giao dịch, phòng ngừa rủi ro cho người dân lẫn tổ chức HNCC.
* Công tác triển khai thi hành Luật trên địa bàn tỉnh được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Sở Tư pháp bám sát các nhiệm vụ, hướng dẫn của Bộ Tư pháp, trong đó đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 456/QĐ-UBND ngày 12.2.2025 về ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật. Trọng tâm là phổ biến, quán triệt sâu rộng Luật đến cán bộ, công chức, viên chức, CCV, tổ chức HNCC và các tầng lớp nhân dân.
Ngoài ra, Sở Tư pháp cùng các ngành, đơn vị tham gia xây dựng, hoàn thiện quy định pháp luật về công chứng; tham mưu xây dựng đề án quản lý, phát triển các tổ chức HNCC trên địa bàn tỉnh; nâng cấp cơ sở dữ liệu công chứng của tỉnh bảo đảm khả năng đồng bộ, tích hợp với cơ sở dữ liệu công chứng của Bộ Tư pháp và các sở, ngành liên quan. Thực hiện rà soát, phát triển đội ngũ CCV hành nghề tại các tổ chức HNCC trên địa bàn tỉnh.
* Xin cảm ơn ông !
NGUYỄN CHƠN (Thực hiện)